Mối 'lương duyên' giữa văn hóa và du lịch

Du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước ta nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Để lĩnh vực này phát triển đòi hỏi phải có chiến lược phát triển mang tính bền vững. Làm thế nào để du khách cảm thấy luôn được khám phá, trải nghiệm những điều mới lạ của điểm đến, điều mà ở đất nước họ, địa phương họ không có, trong đó có bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng miền cả về vật thể và phi vật thể. Từ đó, lượng khách du lịch đến thành phố và đất nước ngày càng tăng, đến không phải 1 lần mà còn quay lại lần 2, lần 3 và giới thiệu cho nhiều người cùng biết và khám phá.

Du khách đánh cờ với Tiên ông trên đỉnh Sơn Trà.

Văn hóa có thể làm cho du khách cảm thấy yên tâm, thích thú và yêu mến một địa phương, một quốc gia nếu tạo cho họ những cảm nhận, ấn tượng tốt ngay từ cái tiếp xúc đầu tiên, thậm chí là chưa đặt chân xuống sân bay, bến tàu. Ở đây xin nói về những loại hình văn hóa có mối liên hệ không nhỏ đến lĩnh vực du lịch cần quan tâm. Trước hết là về văn hóa ứng xử. Lấy dẫn chứng cách ứng xử với du khách của người Hàn Quốc khi ai đó đến đất nước này mà người viết có may mắn được chứng kiến. Điều đó có thể thấy được ngay từ khi bước lên máy bay của một hãng hàng không nào đó của quốc gia này, nơi có những tiếp viên xinh đẹp với thái độ phục vụ chuyên nghiệp và rất nhã nhặn, chân thành, thể hiện ở sự ân cần, trong nụ cười, nét tươi tắn lúc nào cũng thường trực trên khuôn mặt của mỗi người. Thái độ thân thiện đó làm cho những ai lần đầu đến Hàn Quốc cảm thấy dễ chịu và có cảm tình về đất nước này khi được chào đón một cách "không chính thức" như vậy. Về loại hình văn hóa này, người Đà Nẵng vốn thân thiện, hiếu khách nên không quá lo vì đó gần như là bản chất của người Đà Thành. Điều cần quan tâm là việc tiếp cận, hòa nhập với văn hóa của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ để biết cách "đối nhân xử thế" cho phù hợp với du khách khi đặt chân đến Đà Nẵng. Thành phố cũng vừa thực hiện "Chiến dịch nụ cười" để chào đón sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC vừa diễn ra rất thành công. Ngoài ra, ở Đà Nẵng còn có một cách ứng xử rất văn minh đối với du khách mỗi khi đến thành phố đó là chiến dịch "Thoải mái như ở nhà - Comfort as home", tạo điều kiện cho tất cả mọi người thoải mái sử dụng nhà vệ sinh tại các khách sạn, nhà hàng và bất cứ nơi nào có logo này thì mọi người cứ "tự nhiên như ở nhà"... Đây cũng là các hoạt động để đón chào du khách bạn bè gần xa bằng những nụ cười thân thiện, sự cởi mở, chân thành của người Đà Nẵng. Văn hóa ứng xử có mang lại tính tích cực, tạo ấn tượng cho du khách hay không có liên quan đến nhiều đối tượng, bắt đầu từ những tiếp viên hàng không, đến vai trò của ngành du lịch trong việc huấn luyện, đào tạo, các hướng dẫn viên du lịch, nhân viên nhà hàng khách sạn có những kiến thức cơ bản về đặc điểm văn hóa của các vùng miền, của các quốc gia, nhất là các quốc gia có lượng du khách đến nước ta đông.

Một yếu tố văn hóa liên quan khá mật thiết đến du lịch nữa là "Văn hóa ẩm thực". Ẩm thực có thể xem là một trong 4 điều kiện căn bản nhất để thỏa mãn nhu cầu của du khách trong một chuyến đi là: "chơi gì, ăn gì, ngủ ở đâu và mua cái gì về nhà". Thực tế cũng cho thấy, trong tổng doanh thu mà du lịch mang lại thì lĩnh vực ăn uống chiếm một tỉ trọng không nhỏ. Miếng ăn không phải hàng đầu, nhưng khi ăn uống được kết tinh nâng tầm văn hóa thì càng là yếu tố quan trọng để níu chân du khách. Một nền văn hóa ẩm thực đặc sắc, phong phú nếu được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước... sẽ là cầu nối du khách với mỗi địa phương, quốc gia và tất nhiên là nó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, mang hình ảnh quốc gia đến bạn bè quốc tế. Thông qua du lịch, ẩm thực Việt Nam được đến với du khách quốc tế nhiều hơn, đồng thời cũng là cú hích cho ngành du lịch phát triển. Liên hệ ở Đà Nẵng, yếu tố văn hóa ẩm thực rất có tiềm năng, từ những món hải sản ngon và rẻ đến những món như bánh tráng thịt heo, Mì Quảng các loại... mang bản sắc của văn hóa ẩm thực vùng miền, nó sẽ gia cố thêm để có nét hấp dẫn riêng đối với du khách mỗi khi đến Đà Nẵng và để lại ấn tượng "đậm đà khó quên" đối với du khách gần xa.

Một loại hình văn hóa nữa có liên quan không ít đến du lịch là "văn hóa giao thông". Đối với du khách nước ngoài đến du lịch ở Việt Nam, nhất là khách đến từ các quốc gia Âu-Mỹ, vấn đề Văn hóa giao thông có ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý của họ. Sự lộn xộn trong giao thông, hè phố không có lối đi, phải đi xuống lòng đường, tiếng còi xe inh ỏi... cảm giác bất an cho du khách, ít nhiều khiến họ cảm thấy không được thoải mái khi lưu thông trên các con đường trong đô thị, nhất là khi đi bộ. Vì vậy, văn hóa giao thông tốt, thể hiện dân trí cao, ý thức cao cũng là một điểm sáng để tạo thiện cảm của du khách.

Các loại hình văn hóa phi vật thể luôn gắn với du lịch là các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội đặc trưng cho vùng miền, địa phương hoặc quốc gia. Tâm lý du khách, nhất là du khách nước ngoài là muốn tìm hiểu những nét đặc sắc, những tinh hoa về văn hóa nghệ thuật của nước họ đến. Xét ở phạm vi Đà Nẵng, có một số di sản văn hóa phi vật thể đã đươc công nhận như Nghệ thuật tuồng xứ Quảng, Lễ hội Cầu ngư; Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước. Làm thế nào để duy trì và phát triển một cách bền vững những show diễn tuồng định kỳ tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, cũng như hoạt động "Đưa tuồng xuống phố" mà hiện nay thành phố định kỳ tổ chức 2 lần/tháng; hay như Làng đá mỹ nghệ Non Nước, Lễ hội Nghinh Ông, nên quan tâm đầu tư, khai thác để du khách đến không phải chỉ để xem, mua mà còn chứng kiến quá trình làm ra sản phẩm từ vật liệu thô ban đầu, cũng như giới thiệu, quảng bá rộng rãi Lễ hội Nghinh ông hàng năm để thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng đông hơn vào dịp có lễ hội.

Kinh nghiệm ở Hàn Quốc là họ luôn chú trọng phát triển công nghiệp du lịch kết hợp với văn hóa, với việc hình thành những điểm tham quan độc đáo và hấp dẫn. Chẳng hạn như ở Đảo Jeju, người ta đã khai thác tối đa các tiềm năng tự nhiên và cả nhân tạo để làm du lịch, từ các truyền thuyết, sự tích đến địa danh tự nhiên... Bên cạnh đó, bất kỳ địa điểm nào liên quan đến truyền thuyết, sự tích đều được người Hàn Quốc khai thác, tôn tạo, hình thành các điểm tham quan, qua đó vừa tăng doanh thu về du lịch vừa giới thiệu được văn hóa và lịch sử của mỗi vùng miền nói riêng và đất nước Hàn Quốc nói chung.

Quay trở lại Đà Nẵng, các bảo tàng cũng luôn là điểm đến thu hút đông đảo du khách, trong các tour du lịch đến Đà Nẵng hầu như không bao giờ bỏ qua Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Trong khi đó, các thiết chế văn hóa, các điểm đến độc đáo, riêng có để thu hút du khách còn khá khiêm tốn. Các truyền thuyết, sự tích như truyền thuyết nàng Tiên Sa; sự tích bàn cờ tiên trên đỉnh núi Sơn Trà; sự tích Ngũ Hành Sơn... vẫn chưa được khai thác... Để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn cần quan tâm khai thác từ tiềm năng, lợi thế từ các yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể. Đó là cách làm du lịch của các quốc gia là điểm đến của đông đảo du khách trên thế giới hiện nay. Cần nghĩ ra nhiều cách thức để quảng bá văn hóa đặc sắc của đất nước, thành phố ra thế giới, không những chỉ bằng cách giới thiệu ra bên ngoài mà còn bằng cách bảo tồn, tôn tạo, phát triển các di tích lịch sử, tự nhiên, truyền thuyết để tạo các điểm đến hấp dẫn đói với du khách gần xa.

DÂN HÙNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_181524_mo-i-luong-duyen-giu-a-van-ho-a-va-du-li-ch.aspx