Mối lo việc làm sau Tết

Tết đã cận kề nhưng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), khảo sát về tình hình lương, thưởng Tết của người lao động (NLĐ) năm 2021 mới đây cho thấy, vẫn còn khoảng 50% số doanh nghiệp (DN) chưa có kế hoạch thưởng Tết cho NLĐ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiền thưởng của NLĐ cũng giảm so năm 2019.

Mối lo việc làm sau Tết

VĂN HẢI

Thứ Hai, 08-02-2021, 17:05

+ | Print

Phiên giao dịch việc làm cuối năm 2020 tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: TTX

Phiên giao dịch việc làm cuối năm 2020 tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: TTX

Tết đã cận kề nhưng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), khảo sát về tình hình lương, thưởng Tết của người lao động (NLĐ) năm 2021 mới đây cho thấy, vẫn còn khoảng 50% số doanh nghiệp (DN) chưa có kế hoạch thưởng Tết cho NLĐ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiền thưởng của NLĐ cũng giảm so năm 2019.

Nhiều NLĐ chưa được thưởng Tết

Công bố của Bộ LĐ-TB&XH dựa theo tổng hợp nhanh từ báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, tình hình tiền lương năm 2020 và kế hoạch thưởng Tết năm 2021 tại 62.640 DN có báo cáo (tương ứng 4,65 triệu lao động, chiếm 17,9% tổng số lao động làm công hưởng lương trên cả nước).

Theo đó, mức thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 bình quân là 6,36 triệu đồng/người (bằng 95% so năm 2020), cao nhất thuộc về khối DN có vốn đầu tư nước ngoài với 6,99 triệu đồng/người, thấp nhất thuộc về khối DN dân doanh với 6,05 triệu đồng/người.

Đối với cá nhân, đến thời điểm này, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất mà NLĐ nhận được là 1,07 tỷ đồng, thuộc về một DN dân doanh tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài tiền mặt, nhiều DN còn có chế độ thưởng Tết NLĐ bằng sản phẩm do chính doanh nghiệp sản xuất ra nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu sản phẩm hoặc bằng cổ phiếu...

PGS, TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Công nhân và Công đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, qua nắm bắt từ thực tế, số người được thưởng Tết thấp, thậm chí không có thưởng Tết chiếm khoảng 60 - 70%. Có khá nhiều DN cố gắng giữ mức thưởng Tết ở mức khiêm tốn để giữ chân NLĐ ở lại làm việc sau Tết. Có một số DN, đơn vị còn tích cực tìm cách vận động xã hội hóa lo Tết cho NLĐ như lo vé xe miễn phí đưa NLĐ về quê đón Tết... “Nhìn chung, năm nay sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ của các DN là rất khó khăn. Tôi rất chia sẻ và thông cảm với DN, nhưng cũng không thể chấp nhận được việc doanh nghiệp xóa nhòa vai trò của công nhân lao động trong cả năm làm việc bằng việc không có thưởng Tết”, ông Thọ nêu quan điểm.

Thách thức với cả NLĐ và DN

Nhiều chuyên gia lao động cho rằng, trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc làm sau Tết mới đáng lo ngại bởi sau Tết Nguyên đán, nhiều DN đang lo sẽ không còn việc làm cho NLĐ, vì không có đơn hàng và thị trường. Do đó, việc làm vẫn đang là vấn đề cần quan tâm với tất cả NLĐ.

Để kích cầu thị trường lao động, ông Vũ Quang Thọ đề xuất, giải pháp thứ nhất phải bắt đầu từ việc tăng sức mua thị trường, tăng thu nhập cho người dân. Giải pháp quan trọng nhất hiện nay là cần tạo ra cầu về hàng hóa đối với DN, từ đó có thể tăng thêm việc làm, tiền lương và thu nhập cho NLĐ. Giải pháp thứ hai là cần hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, trang bị kỹ thuật để tăng năng suất lao động, qua đó giúp giảm giá thành, hạ giá bán để kích cầu thị trường. Mặt mạnh của giải pháp này là sẽ tạo ra hiệu ứng giúp tăng cầu của thị trường với hàng hóa của doanh nghiệp và khi đó thu nhập của người lao động tăng lên. Giải pháp thứ ba là cần cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm để kích thích nhu cầu tiêu dùng, tăng thêm thị hiếu đối với hàng hóa, dịch vụ.

Muốn NLĐ có việc làm tốt, thu nhập cao cần phải tăng năng suất lao động. Chỉ khi năng suất lao động tăng, mới có sản phẩm thặng dư, qua đó mới có lương, thu nhập cao hơn cho NLĐ. Tuy nhiên, điều này lại tạo ra thách thức về việc làm với một bộ phận lao động nếu không đáp ứng được tay nghề, trình độ. Đây là bài toán mà cả DN và NLĐ đều phải đối mặt trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia lao động đóng góp ý kiến, NLĐ muốn có việc làm tốt, việc làm bền vững, bên cạnh việc chủ động nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng, làm việc phải có ý thức trách nhiệm, đam mê, gắn bó với nghề nghiệp. Hiện nay, trong số 1,2 triệu lao động có quan hệ lao động, với tổng số 1,9 triệu lao động thuộc các thành phần khác nhau, về cơ bản chúng ta vẫn sử dụng lao động được đào tạo cách đây 10 - 15 năm; NLĐ suy nghĩ về việc làm vẫn còn lạc hậu, cố gắng làm đủ quỹ thời gian, đủ định mức để nhận đủ lương… chứ chưa chủ động đề xuất ý tưởng mới, có sáng kiến với sản phẩm mà mình sản xuất. Đây là một điểm yếu trong công nhân, lao động Việt Nam.

Phần lớn NLĐ vẫn chưa hiểu được những thách thức đến từ cách mạng công nghiệp 4.0, chưa ý thức sẽ có khả năng bị mất việc làm trong tương lai. Đây cũng là khâu yếu trong công tác tuyên truyền hiện nay. Bởi hiện nay khi khảo sát tại DN, nhiều NLĐ vẫn chưa nắm được yêu cầu cần phải nâng cao tay nghề, thuần thục tay nghề; phải trau dồi kỹ năng, kỹ thuật để thích ứng sự thay đổi… Trong bối cảnh hiện nay, NLĐ phải chủ động tâm thế đón nhận thách thức.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi/moi-lo-viec-lam-sau-tet-634978/