Mối lo vệ sinh an toàn thực phẩm mùa lễ hội

Đối với mùa lễ hội sắp đến ngoài việc mang lại không khí vui tươi cho người dân, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) tại lễ hội vẫn là nỗi lo thường trực của Thừa Thiên -Huế.

Nhiều người bán hàng không mang bao tay khi chuẩn bị đồ ăn cho khách.

Nhiều người bán hàng không mang bao tay khi chuẩn bị đồ ăn cho khách.

Huế vốn quen thuộc với du khách bởi các gánh hàng rong của các o, các mệ. Các hàng quán ở vỉa hè luôn đông đúc người dừng lại nghỉ chân, ăn uống. Nhưng khi được hỏi về nỗi lo vệ sinh ATTP, nhiều thực khách tặc lưỡi cho qua.

“Đối với sinh viên tụi em thì tiêu chí để chọn quán là rẻ và ngon thôi. Còn vấn đề đảm bảo vệ sinh ATTP thường tụi em không có ai quan tâm lắm vì lâu lâu tụi em ăn một lần chứ đâu phải ngày nào cũng ăn nên chắc không sao" - anh Hoàng Hữu Duy, sinh viên Trường Đại học Kinh tế (tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ.

Bên cạnh những điểm kinh doanh ăn uống đã có đăng ký với chính quyền địa phương, được kiểm tra, vẫn còn tồn tại nhiều hàng quán tự phát. Các điểm kinh doanh này bày bán các loại thực phẩm như chân gà nướng, cá viên chiên, bánh mì, các loại trái cây gọt sẵn... phục vụ nhu cầu của người dân và du khách chưa được kiểm soát hết.

Những quán ăn “nhanh” này, phần vì tính chất thời vụ, phần là người dân tự mở ra lúc bán chỗ này, lúc bán chỗ khác. Vì vậy, vấn đề đảm bảo chế biến, vệ sinh còn nhiều hạn chế nên vấn đề ATTP mùa lễ hội vẫn còn rất nhiều nỗi lo, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho người dân và du khách.

Điều đặc biệt là thiếu yếu tố đảm bảo vệ sinh nhưng những điểm bán hàng này cực kỳ đông khách, đó là chưa kể vào mùa lễ hội, số lượng khách dừng chân ăn uống còn nhiều hơn.

Một quán bún vừa mở bán một lúc thì dưới đất vương vãi giấy ăn của thực khách.

Trên địa bàn thành phố Huế, nhiều điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa đăng ký kinh doanh, chưa có chứng nhận đủ điều kiện ATTP như không có tủ kính, người bán hàng chưa khám sức khỏe, chưa được tập huấn kiến thức ATTP...; Các quán ăn thường được dựng đơn giản, tạm bợ, thiếu nước sạch...

Bên cạnh đó, người bán các hàng ăn quà vặt thường hành nghề rất thô sơ, chỉ cần một chiếc thùng xốp nhỏ đặt sau xe đạp là có thể trở thành một quầy xúc xích, bánh tráng trộn di động.

Đồ ăn kèm được gói ghém trong từng bọc ni long nhỏ, đôi khi vội khách mà người bán hàng quên cả mang bao tay, bóc từ đồ sống cho đến đồ chín cho vào trộn.

Chưa kể từng chai tương ớt không nhãn mác, nguồn gốc hay cả chiếc chảo chiên đen kịt vì dầu chiên đi chiên lại nhiều lần cũng là hình ảnh quen thuộc của những hàng ăn vặt này.

“Mình đến Huế là lần thứ 3 rồi, khi nào đến thì mình và bạn bè cũng thích ngồi vỉa hè ăn quà vặt như này. Bởi vì ăn nó rất là ngon và lúc nào đến cũng muốn lê la ngắm cảnh phố phường.

Biết là đồ sẽ không đảm bảo vệ sinh và đôi lúc tụi mình có bị đau bụng nhưng chắc không phải đâu cũng vậy" -chị Nguyễn Thị Mai Phương, một du khách đến Huế chia sẻ.

Tại nhiều cửa hàng ăn chỉ dùng một chậu nước to cho việc rửa, tráng hàng trăm chiếc bát đũa cùng lúc. Có trường hợp chủ quán còn rửa chung cả ly tách với chén đũa, từ đó khiến dầu mỡ hoặc thức ăn đôi lúc còn sót lại trong ly.

Dễ bắt gặp nhất phải kể đến các điểm kinh doanh không bố trí thùng rác cho thực khách, hoặc có nhưng người dân chưa có ý thức, vì vậy ở trên ăn sang nhưng dưới bàn là rác.

Quan trọng hơn hết, dù trước mắt ai cũng có thể nhận thấy hàng, quán không đảm bảo vệ sinh ATTP nhưng vẫn cứ ăn vì chính thói quen ăn uống xô bồ của mình. Cứ việc gì “khuất mắt trông coi”, không nghe, không thấy, không biết thì được cho là ngon lành.

Vì vậy, mặc dù trong những năm qua, tỉnh TT - Huế luôn cố gắng kiểm tra vệ sinh ATTP đầy đủ, nhưng tình trạng này vẫn còn tiếp diễn phải kể đến một phần do chính ý thức của mỗi người.

Từ chính ý thức, sự lơ là, chủ quan của người dân mà hậu quả gây ra có thể kể đến: nhẹ thì bị tiêu chảy, khó tiêu, nặng hơn thì bị ngộ độc thực phẩm. Nhiều vụ ngộ độc tập thể đã xảy ra: Tại bữa cơm công nhân, trường bán trú của học sinh, trong bữa cơm các đám cưới, đám ma ở nông thôn và thành thị.

Huế đang bước vào những tháng cao điểm của nắng nóng. Thực phẩm vào mùa này nhanh bị hư hỏng. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân lại cao hơn, nhất là các điểm du lịch gắn với biển, suối. Nên việc đảm bảo an toàn thực phẩm chính là điều bắt buộc, để nâng cao khả năng phục vụ khách, tạo ấn tượng tốt hơn, khẳng định thương hiệu sản phẩm ẩm thực.

Hoàng Ngân

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/do-thi/moi-lo-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-mua-le-hoi-530559.html