Mối lo nhạc chế nhảm

Không chỉ lan truyền trên mạng xã hội, giờ đây, nhạc chế nhảm nhí còn xuất hiện trên sóng truyền hình chính thống. Nhiều nhạc sĩ cho rằng, đó chẳng khác gì sự phỉ báng âm nhạc.

Diễn viên hài Lê Dương Bảo Lâm bị chỉ trích khi hát nhạc chế nhảm nhí trên gameshow truyền hình

Diễn viên hài Lê Dương Bảo Lâm bị chỉ trích khi hát nhạc chế nhảm nhí trên gameshow truyền hình

"Má Xeko thì nghèo, má Chaien thì giàu, còn Nobita luôn ăn hiếp bạn bè. Nobita thầm yêu Xuka, hái hoa hồng tặng cho Chaien. Nếu Chaien bằng lòng lấy Nobita làm chồng, thì Nobito chào đời”. Đây là một đoạn nhạc chế trong một gameshow do diễn viên hài Lê Dương Bảo Lâm trình bày đang được lan truyền trên mạng xã hội và gây nhiều tranh cãi. Giới chuyên môn âm nhạc cho rằng, đó là sự phỉ báng âm nhạc. Nhưng, số ít khán giả lại cảm thấy thích thú, họ nói rằng, không đáng để chỉ trích vì người hát không nhận mình là ca sĩ, hát chỉ mua vui...

Nhạc chế có từ rất lâu rồi, người ta chế lại lời của một bài hát nổi tiếng nào đó bằng lời hài hước, dí dởm hay mang tính đùa cợt, thậm chí nhảm nhí một chút trong đó, cốt để gây cười. Loại nhạc chế này thu hút các bạn trẻ, họ hát với nhau và đưa lên mạng xã hội. Nhóm của Xuân Đức là một ví dụ. Đánh đàn hay, có chất giọng cộng với việc chịu khó chế lời khiến nhóm này rất nổi tiếng trên mạng xã hội. Vừa rồi, họ còn được mời xuất hiện trong một chương trình của đài truyền hình quốc gia.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ bức xúc khi các bài nhạc chế với nội dung nhảm nhí lại xuất hiện trên sóng truyền hình, sân khấu biểu diễn thay vì chỉ xuất hiện trên miệng mấy học sinh, ở những sự kiện tiệc tùng bên ngoài hoặc ở hội chợ. Nhạc sĩ cho rằng, đó là sự phỉ báng âm nhạc, làm nghệ sĩ thực thụ chạnh lòng vì đưa nhạc chế nhảm nhí lên sóng truyền hình khác nào một sự đánh đồng, xếp nhạc chế ngang hàng với những bài hát khác.

Nói một cách công bằng, không phải tất cả nhạc chế đều nhảm nhí, xấu xí về mặt ca từ và đều bị chỉ trích khi xuất hiện. Trong những chương trình về âm nhạc hay những sân khấu biểu diễn, nhiều người vẫn chế nhạc nhưng với một nội dung vừa có tính giải trí vừa hài hước, châm biếm... Thậm chí, có những bài nhạc chế có nội dung giáo dục sáng tạo giúp học sinh dễ nhớ bài như những bài nhạc chế của thầy giáo trẻ Nguyễn Thái Dương còn rất đáng hoan nghênh.

Song, một người mang danh là nghệ sĩ lên sóng truyền hình chế nhạc nhảm nhí, đó là sự thiếu ý thức xã hội. Đáng nói hơn là nội dung chế nhạc đó lại liên quan đến trẻ con. Còn việc để một nghệ sĩ lên sóng truyền hình hát nhạc chế, nhạc nhảm là sự thiếu trách nhiệm của ê-kíp sản xuất chương trình, của khâu kiểm duyệt nội dung của nhà đài. Cũng không loại trừ những gameshow chỉ mải chạy theo tính giải trí, câu view mà để lọt lên sóng những phần nhạc chế phản cảm như vậy.

Với làn sóng nhạc chế nhảm nhí lan truyền ngày càng mạnh mẽ, nếu cơ quan quản lý văn hóa không có biện pháp cứng rắn thì có lẽ không lâu nữa, nhạc chế sẽ lấn át cả âm nhạc tử tế trên truyền hình

Hoàng Lan

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/moi-lo-nhac-che-nham-667688.html