Mối lo nào ẩn sau báo cáo tài chính quý IV/2019 của Hòa Phát?

Tích cực có, nhưng cũng có mối lo ẩn sau báo cáo tài chính kỳ này của Hòa Phát.

Mối lo nào ẩn sau báo cáo tài chính quý IV/2019 của Hòa Phát?

Mối lo nào ẩn sau báo cáo tài chính quý IV/2019 của Hòa Phát?

Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2019 với lợi nhuận sau thuế lũy kế cả năm 2019 đạt 7.578 tỷ đồng, giảm gần 12% so với năm 2018.

Mặc dù giảm nhưng so với kỳ vọng của giới đầu tư, mức lợi nhuận này không nằm ngoài dự đoán khi Hòa Phát đang chịu ảnh hưởng lớn từ việc tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ thép chung của thị trường chậm lại, giá quặng sắt tăng cao trong năm cũng như bắt đầu phải ghi nhận một phần khấu hao và chịu thêm lãi vay trong quá trình xây dựng "siêu dự án thép" Dung Quất.

Nhìn vào báo cáo, có thể thấy tổng nợ vay (cả ngắn hạn và dài hạn) của "vua thép" tăng rất mạnh trong năm 2019, lên tới 51%, đạt trên 36.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so với vốn chủ sở hữu, tổng nợ vay chỉ bằng 0,77 lần, cho thấy cán cân tài chính vẫn ở mức an toàn và Hòa Phát vẫn có thể sử dụng thêm đòn bẩy tài chính.

Hàng tồn kho, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm lần lượt 19,1% và 3,5% tổng tài sản, đều ở mức thấp so với nền quá khứ, cho thấy không có mối lo đáng kể đối với cơ cấu tài sản.

Tích cực có, nhưng cũng có mối lo ẩn sau báo cáo tài chính kỳ này của Hòa Phát.

Cụ thể, mặc dù doanh thu thuần năm 2019 tăng trưởng 14% nhưng nếu xét riêng mảng thép, tăng trưởng doanh thu thuần (không kể doanh thu nội bộ) chỉ ở mức 8,1%.

Mức tăng này mặc dù không phải là thấp nếu đặt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và nhu cầu thị trường tăng chậm, tuy nhiên không khỏi khiến nhiều nhà đầu tư lấn cấn.

Tăng trưởng doanh thu cũng như tỷ suất lợi nhuận mảng thép của Hòa Phát suy giảm rõ rệt trong giai đoạn 2016 - 2019

Từ năm 2020 trở đi, Hòa Phát sẽ phải gánh thêm chi phí khấu hao và nợ vay bởi quá trình xây dựng tổ hợp nhà máy thép Dung Quất vẫn đang tiếp tục tiến hành.

Với tốc độ tăng trưởng chỉ 8,1% trong năm 2019, liệu rằng mảng thép của Hòa Phát có thể đạt được tăng trưởng doanh thu cao trong năm 2020 cũng như các năm sau để "cân" lại được khấu hao và lãi vay, tạo ra tăng trưởng lợi nhuận đáng kể hay không, trong bối cảnh cạnh tranh vẫn gay gắt và nhu cầu thị trường vẫn tăng chậm?

Nhưng nhà đầu tư vẫn có quyền tin vào kịch bản tốt đẹp, bởi nếu xét riêng quý IV/2019, mức tăng doanh thu thuần mảng thép (không kể nội bộ) so với cùng kỳ năm 2018 lại đạt mức cao, lên đến 19,8% (sở dĩ doanh thu thuần cả năm tăng thấp là bởi quý II ghi nhận suy giảm 0,9%, trong khi quý III chỉ tăng 3,4%).

Tuy vậy, vẫn cần cẩn trọng với tín hiệu tốt này, bởi tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần mảng thép (không kể nội bộ) chỉ đạt 10% trong quý IV/2019, thấp hơn cả quý II (15,5%) và quý III (14%) - vốn là các quý mà Hòa Phát phải sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào có giá vốn cao do giá quặng sắt tăng cao (giá quặng sắt đã hạ nhiệt từ đầu tháng 8/2019), nghĩa là khấu hao, lãi vay cũng như diễn biến giá thép đầu ra là những biến số rất cần phải lưu ý.

Thanh Long

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/moi-lo-nao-an-sau-bao-cao-tai-chinh-quy-iv2019-cua-hoa-phat-20180504224234069.htm