Mối liên hệ giữa EU, Brexit và COVID-19 thời gian tới

Trong bối cảnh hy vọng về một thỏa thuận thương mại giữa EU và Vương quốc Anh đang giảm dần, cả hai bên đang tích cực chuẩn bị cho một viễn cảnh Brexit mà không có thỏa thuận nào đạt được.

Quốc kỳ Anh (dưới) và cờ Liên minh châu Âu bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London. Ảnh: AFP/TTXVN

Quốc kỳ Anh (dưới) và cờ Liên minh châu Âu bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi thỏa thuận này vẫn được đặt lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự của Anh thì EU hiện đang ưu tiên tập trung vào các gói phục hồi hậu COVID-19.
Phóng viên TTXVN tại Sydney khai thác bài phân tích của chuyên gia phân tích Colin Chapman đăng trên trang của Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA) về mối liên hệ giữa EU, Brexit và đại dịch COVID-19 trong thời gian tới.
Quãng thời gian một năm chuyển tiếp sau khi rời khỏi EU của Vương quốc Anh mới trải qua một nửa, song Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson vẫn khẳng định sẽ không đề nghị Brussels gia hạn thời gian này đến sau ngày 31/12/2020. Quyết định này vẫn đang được Chính phủ Anh hướng tới mặc dù vấp phải sự phản đối từ một số nhóm kinh doanh, công đoàn thương mại và Đảng Lao động đối lập khi cho rằng việc gia hạn là cần thiết để tránh cho nền kinh tế Anh suy thoái sâu hơn và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn.
Bốn tháng đàm phán giữa hai bên để hướng tới một thỏa thuận thương mại mới chủ yếu được thực hiện trực tuyến giữa London và Brussels cho đến nay chủ yếu vẫn có kết quả là sự bế tắc và trách móc. Trưởng đoàn đàm phán của EU, ông Michel Barnier đã phàn nàn rằng có một sự thiếu sót của quá trình và đoàn đàm phán phía Anh vẫn đang không đi theo con đường mà Thủ tướng Anh đã cam kết trong thỏa thuận rời khỏi EU giữa hai bên cuối năm ngoái.
Ông Johnson đã từ chối đề cập đến thuật ngữ “Brexit không thỏa thuận” mà hướng đến về một “thỏa thuận kiểu Australia”. Tuy nhiên, thực tế là Canberra vẫn đang trong các cuộc đàm phán kéo dài về thỏa thuận riêng với EU. Trong khi đó, thương mại giữa Australia và EU vẫn đang hoạt động theo các điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với thuế quan và các hạn chế khác, cụ thể là không có thỏa thuận riêng.
Tác động của Brexit “không thỏa thuận” đối với Anh khi giai đoạn chuyển đổi kết thúc vào ngày 31/12 tới vẫn đang được tranh luận, nhưng một vấn đề lo ngại là toàn bộ các kịch bản đều “u ám”. Tất cả kịch bản gần như chắc chắn sẽ không dẫn đến một “tương lai vàng” như những điều mà ông Johnson đã lạc quan hứa với cử tri của mình sau khi ông đắc cử vị trí Thủ tướng với đa số 80 ghế vào tháng 10 năm ngoái.
Chính phủ Anh hy vọng những điều tiêu cực đó sẽ được che giấu bởi cuộc khủng hoảng còn lớn hơn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho biết nền kinh tế Vương quốc Anh đã tổn thất 25,1% về quy mô trong ba tháng từ tháng 2 đến tháng 4/2020, con số này cao hơn ba lần so với mức giảm đỉnh 6,8% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak mới đây đã đề cập đến một kịch bản tồi tệ nhất khi nợ chính phủ sẽ tăng lên tới 300 tỷ bảng Anh (khoảng 373, 8 tỷ USD).
Vương quốc Anh có sự phụ thuộc vào các nước châu Âu về thực phẩm và dược phẩm mặc dù vẫn sở hữu các ngành công nghiệp lớn trong cả hai lĩnh vực. Năm 2018, khoảng một phần ba thực phẩm của Anh nhập khẩu từ EU và số lượng vẫn tăng lên theo thời gian.
Tuần trước, trong một thông báo ít được chú ý, Chính phủ Anh đã không đưa ra lệnh kiểm tra biên giới chi tiết đối với những đoàn xe tải chở hàng vào nước này hoặc áp dụng thuế quan. Nước Anh hy vọng EU sẽ hành xử tương tự đối với hàng hóa đến từ Vương quốc Anh, nhưng Brussels đã từ chối.
Tuy nhiên, những vấn đề này hiện không phải là mối quan tâm chính đối với chính quyền các nước châu Âu hoặc ngay cả trong nội các Anh. EU đang hoàn toàn tập trung vào việc cố gắng giải quyết mối quan hệ đang bị rạn nứt giữa các quốc gia ở Nam Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19 là Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và những quốc gia thuộc nhóm 4 nước cho rằng sự hỗ trợ tài chính này phải được thực hiện thông qua các khoản vay dài hạn với lãi suất thấp (Frugal Four) là Áo, Hà Lan, Thụy Điển và Đan Mạch.
Một chương trình phát hành trái phiếu châu Âu (Eurobond) khổng lồ hoặc một loại quỹ khác có thể được thông qua với giá trị tăng đáng kinh ngạc lên đến 3.000 tỷ euro (khoảng 3.376 tỷ USD) đã được thiết kế để giúp những quốc gia có sinh kế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19.
Những quốc gia Nam Âu đang cần hỗ trợ đã chống lại nhóm bốn nước nêu trên. Italy được Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp ủng hộ mạnh mẽ, tin rằng tất cả hoặc một phần số tiền trên nên là các khoản tài trợ. Trong những ngày tới, toàn bộ 27 nhà lãnh đạo các nước EU sẽ tập trung ở một hội nghị trực tuyến để thảo luận và giải quyết vấn đề.
Tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen đã đề xuất về một gói các biện pháp phục hồi kinh tế sau COVID-19 trị giá 1.850 tỷ euro (2.080 tỷ USD). Đây là một sáng kiến táo bạo đầu tiên mà bà Ursula gọi là “Thế hệ EU tiếp theo”. Phần lớn nhất của gói này liên quan đến việc Brussels sẽ vay 750 tỷ euro (844 tỷ USD) trên thị trường vốn và phân phối 500 tỷ euro (562 tỷ USD) tiền tài trợ, phần còn lại là các khoản vay, tất cả đều có điều kiện kèm theo.
Theo kế hoạch của bà Ursula, hầu hết số tiền sẽ được sử dụng cho các dự án kinh doanh và cơ sở hạ tầng hợp lý, chú trọng vào khả năng cạnh tranh thay vì chống đỡ các ngành công nghiệp thất bại. Các nền kinh tế kỹ thuật số và kinh tế xanh đều có triển vọng phát triển mạnh mẽ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel ban đầu nghiêng về quan điểm của nhóm “Frugal Four” nhưng hiện đã chuyển sang ủng hộ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong việc hỗ trợ “Thế hệ EU tiếp theo”. Để thành công, kế hoạch cần có sự ủng hộ của tất cả 27 nhà lãnh đạo các nước thành viên EU. Đây sẽ là mục tiêu khó khăn để thỏa thuận này có thể được thông qua.
Bước tiếp theo là Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 19/6. Là Thủ tướng của một quốc gia đang trong quá trình rời khỏi EU, ông Boris Johnson sẽ vẫn tham gia cuộc họp ở những nội dung có liên quan đến Brexit.
Khoản vốn lớn có nhận được sự nhất trí của lãnh đạo các nước EU hay không thì Anh cũng không đóng vai trò gì trong vấn đề này. Tại Anh, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak đang muốn tăng cường gói hỗ trợ tương tự để cứu nền kinh tế đang sụp đổ của nước này./.

Hoàng Linh (P/v TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/moi-lien-he-giua-eu-brexit-va-covid-19-thoi-gian-toi/160232.html