Mỗi khi nhìn thấy dòng suối than chảy ra từ lòng đất, thợ lò chúng tôi vô cùng hạnh phúc...

Thợ trẻ giỏi toàn quốc năm 2019 Phạm Đình Duẩn hiện là công nhân Phân xưởng Khai thác 14 (Công ty CP Than Vàng Danh), là một thợ mỏ chịu khó học hỏi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua lao động giỏi. Những phần việc khó của công ty hay đơn vị giao anh đều hoàn thành xuất sắc. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện cởi mở với người thợ lò trẻ này.

Thợ lò Phạm Đình Duẩn.

Thợ lò Phạm Đình Duẩn.

- Chúc mừng Duẩn là một trong 34 gương mặt được tuyên dương tại "Người thợ trẻ giỏi" toàn quốc lần thứ X - năm 2019. Bạn có thể chia sẻ về nghề mình đã chọn?

+ Học hết phổ thông, tôi rời quê hương Thái Bình đến Quảng Ninh theo học nghề mỏ. Sau khi tốt nghiệp năm 2005, tôi vào làm thợ lò tại Công ty CP Than Vàng Danh và gắn bó với công việc tại đơn vị đến nay đã hơn 14 năm.

Trong khoảng 3 năm đầu làm việc tại Phân xưởng Khai thác 5 là quãng thời gian rất khó khăn, nhưng tôi đã kiên trì vượt qua thách thức. Công việc của người thợ lò có rất nhiều vất vả, do việc cơ giới hóa chưa được cao như bây giờ. Thời điểm đó, ngành Than đang rơi vào khủng hoảng, nhiều người từ bỏ, nhưng vì tình yêu nghề mỏ tôi vẫn quyết tâm bám trụ.

Công việc trong lò có vất vả, có mệt nhọc, nhưng mỗi khi nhìn thấy dòng suối than đen chảy ra từ lòng đất, thì không chỉ riêng tôi, mà thợ lò nào cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Đó là lý do tôi gắn bó với nghề đến bây giờ. Tôi luôn suy nghĩ để có những sáng kiến, đóng góp mới hiệu quả, giúp ích cho phân xưởng và công ty.

Tôi nghĩ, khi đã theo nghề, dù đối mặt bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cũng phải cố gắng vượt qua. Từ khó khăn, thử thách đã giúp tôi có những kinh nghiệm và trưởng thành hơn, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của đơn vị. Công ty phát triển thì đời sống của mình của gia đình mình cũng no đủ, hạnh phúc.

- Bây giờ, công việc của bạn thế nào?

+ Bây giờ, cả ngành Than chứ không riêng gì công ty của chúng tôi gặp khó khăn khi mà khai thác xuống sâu, giá bán than không ổn định. Tuy nhiên, do áp dụng cơ giới hóa nhiều hơn nên thu nhập của thợ lò thời gian gần đây nhỉnh hơn so với trước. Hiện tôi đang là tổ trưởng sản xuất ở Phân xưởng Khai thác 14 và có số ngày công lao động khá (trên 20 công/tháng), những người chịu khó có thể đạt đến 26 công/tháng. Tại những lò có tỷ lệ cơ giới hóa cao, nhiều thợ lò đã đạt mức thu nhập 40 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này với những ngành nghề khác ngoài xã hội khó mà đạt được.

- Hiện vẫn có không ít thợ lò trẻ bỏ nghề! Là người trong cuộc, theo bạn tại sao lại khó giữ chân thợ mỏ đến vậy?

+ Đúng là những năm gần đây, việc giữ chân thợ lò rất khó. Chúng ta ai cũng biết, ngành mỏ đặc thù rất vất vả so với những công việc khác bên ngoài. Những người yêu mỏ, hiểu mỏ, làm việc lâu năm ở mỏ thì chẳng ai bỏ mỏ, nhưng các bạn trẻ mới vào nghề mà đứng núi nọ trông núi kia, so sánh chỗ này chỗ khác thì khó mà gắn bó lâu dài được.

Thêm nữa, ý thức làm việc và tuân thủ nội quy, quy định chặt chẽ dưới lò của thợ lò trẻ cũng không cao. Mà anh cũng biết rồi, tinh thần "kỷ luật và đồng tâm" lúc nào cũng rất cần đối với thợ mỏ. Tinh thần đó làm nên sức mạnh và thành công nữa. Thế nhưng, rất nhiều bạn trẻ không toàn tâm toàn ý với công việc, vì cho rằng lương thợ lò của họ chưa tương xứng. Nhưng quả thực, khi các bạn ấy bỏ mỏ bước chân ra ngoài rồi thì mới thấu hiểu được thời gian các bạn phải làm việc nhiều hơn, sức ép nhiều hơn và đặc biệt, lương bổng cũng chẳng khá hơn làm thợ lò.

- Nhiều năm liền là Bí thư chi đoàn, vậy bạn đã động viên những thợ lò trẻ như thế nào?

+ Tôi kể những câu chuyện của mình, của bạn bè mình cho họ nghe, để họ tự làm phép so sánh. Tôi nghĩ, quan trọng nhất là vấn đề nhận thức. Tôi muốn anh em thợ lò trẻ nhận thức được công việc ở mỏ với công việc bên ngoài khác biệt thế nào để lựa chọn. Và khi đã lựa chọn rồi thì hãy yêu lấy công việc của người thợ mỏ.

Là tổ trưởng sản xuất, tôi luôn quán triệt anh em phải đặc biệt tuân thủ quy trình, đặt an toàn tính mạng, tài sản lên hàng đầu. Tôi cũng thường xuyên kèm cặp, giúp đỡ nhiều công nhân mới trong công ty nâng cao tay nghề; tổ chức họp nhóm, tổ sau mỗi ca làm việc để nghe ý kiến của các thành viên trong tổ, từ đó xây dựng kế hoạch đào lò đảm bảo an toàn, phù hợp với thực tế.

Là bí thư đoàn, tôi quan tâm chăm lo đời sống, tâm tư nguyện vọng của công nhân, đoàn viên trong tổ; kịp thời thăm hỏi, động viên những công nhân gặp khó khăn. Cùng với đội thanh niên xung kích, tôi thường xuyên đi kiểm tra các vị trí sản xuất, tham gia đợt kiểm tra tăng cường ca 2, ca 3; đặc biệt, tham gia các chuyên đề phối hợp giữa Đoàn công ty và chuyên môn về công tác an toàn; thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu kết nghĩa, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên tại đơn vị.

Thợ lò Phạm Đình Duẩn sau một ngày đi lò.

- "Người thợ trẻ giỏi" toàn quốc là danh hiệu còn rất mới. Vậy tiêu chí để bạn được công nhận cụ thể là gì?

+ Đó là những sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất. Cá nhân tôi đóng góp 3 sáng kiến, gồm: Đề xuất đào cút thoát nước từ lò song song xuống lò dọc vỉa 6 mức +0 giếng Vàng Danh; gia công phỗng đong than tại lò chợ III-8-1, khu III giếng Vàng Danh; đề xuất sử dụng lưới thép (loại 0,9 x5m) thay thế chèn bằng cốt hàn, chèn gỗ.

Riêng sáng kiến đề nghị thay chèn hàn bằng lưới thép để chèn các lò chuẩn bị sản xuất đã giúp giảm chi phí đào lò chuẩn bị sản xuất, đảm bảo an toàn lao động. Ưu điểm của lưới B40 là có thể bó lại nên nhẹ gọn, dễ vận chuyển, lại giảm được khá nhiều thời gian, công sức và chi phí so với chèn bằng sắt, bằng gỗ như trước đây. Không chỉ có sáng kiến dùng lưới B40, mà cả 3 sáng kiến đều được công ty đánh giá cao, hiện đang được áp dụng rộng rãi tại các lò chợ, qua đó tăng năng suất, an toàn lao động cho đơn vị.

Tôi còn được cử tham gia vào tiểu ban hỗ trợ sáng kiến của các đơn vị trong công ty để giúp hoàn thiện các sáng kiến, giải pháp hợp lý hóa sản xuất.

Nhờ có những sáng kiến này, bình quân năng suất đào lò mỗi ca của công nhân Phân xưởng Khai thác 14 tăng từ 1,3-1,5 lần, góp phần hoàn thành kế hoạch sản lượng công ty giao.

Thợ lò Phạm Đình Duẩn (ngoài cùng, hàng ngồi, bên phải) tham gia lớp tập huấn tại Nhật Bản. (Ảnh nhân vật cung cấp)

- Bạn có thể nói rõ về quá trình triển khai các sáng kiến này?

+ Thực ra là thành tích của cả tổ, cả phân xưởng chứ đâu phải của riêng tôi. Đề tài là do cả đơn vị thực hiện, từ ý tưởng của tôi, lãnh đạo thấy hợp lý thì đồng ý để chúng tôi triển khai. Sau khi thực hiện thành công thì chúng tôi viết báo cáo sáng kiến kinh nghiệm. Thú thực với anh, chúng tôi là những người trực tiếp sản xuất, đề đạt ý tưởng để thực hiện thôi, chứ việc viết thành văn bản thì rất khó khăn. Việc này có sự hỗ trợ của anh em kỹ thuật, anh em văn phòng và sự chỉ đạo của lãnh đạo.

Nhờ sự phấn đấu đó, tôi đã vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng; được lãnh đạo công ty chọn đi học khai thác mỏ cơ giới hóa ở Nhật Bản trong thời gian 3 tháng.

Phạm Học (Thực hiện)

Giai đoạn 2016-2018, Phạm Đình Duẩn có 3 sáng kiến hợp lý hóa sản xuất, giá trị làm lợi hàng trăm triệu đồng. Hiện thu nhập của anh nằm trong tốp công nhân có thu nhập cao của Công ty CP Than Vàng Danh với mức lương bình quân đạt 20-24 triệu đồng/tháng. Nhiều năm liền Phạm Đình Duẩn đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được nhận bằng khen của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đặc biệt, năm 2017 anh vinh dự được nhận bằng khen của Bộ Công Thương. Mới nhất, Phạm Đình Duẩn được Trung ương Đoàn trao tặng Giải thưởng "Người thợ trẻ giỏi" toàn quốc năm 2019.

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201909/tho-tre-gioi-toan-quoc-pham-dinh-duan-moi-khi-nhin-thay-dong-suoi-than-chay-ra-tu-long-dat-tho-lo-chung-toi-vo-cung-hanh-phuc-2455774/