Mời gọi tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs): Phải có ưu đãi tốt nhất đi cùng thể chế vượt trội

Trong kỳ tích xuất khẩu, xuất siêu của Việt Nam có đóng góp rất lớn của các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs). Chính các tập đoàn này đã góp phần quan trọng hình thành nên nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam. Để nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thì Việt Nam cần thu hút nhiều hơn các TNCs.

Dấu ấn “những ông trùm”

Thông tin cách đây ít ngày, chủ đầu tư Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã âm thầm mua 99% cổ phần dự án bất động sản phức hợp rộng 405 ha tại Hòa Bình. Như vậy, sau một loạt dự án quy mô lớn ở TP.HCM, đơn vị đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt đô thị Việt Nam này bắt đầu vươn cánh tay ra thị trường phía Bắc.

Central Trading & Development Group (CT&D - Đài Loan) tới Việt Nam vào năm 1993 và đã thành lập tới 3 công ty để phát triển Khu chế xuất Tân Thuận; xây dựng nhà máy điện có vốn FDI đầu tiên ở Việt Nam; kiến tạo Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, cũng như ghi dấu ấn ở đại lộ Nguyễn Văn Linh.

Sự xuất hiện của TNCs đã hình thành ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Trong ảnh: Nhà máy của Panasonic tại Việt Nam

Sự xuất hiện của TNCs đã hình thành ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Trong ảnh: Nhà máy của Panasonic tại Việt Nam

Chưa nói tới việc đặt nền móng cho mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất ở Việt Nam, chỉ riêng việc phát triển Phú Mỹ Hưng từ một vùng đầm lầy trở thành một khu đô thị hiện đại của TP.HCM trong thế kỷ XXI đã là một đóng góp to lớn mà CT&D làm được cho Việt Nam. Chính CT&D và nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác sau này đã góp phần quan trọng phát triển ngành công nghiệp xây dựng của Việt Nam.

Bởi thế, trong các câu chuyện về hành trình 30 năm thu hút FDI của Việt Nam, GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư luôn nhắc đến CT&D như là một trong những ví dụ điển hình thành công. GS-TSKH. Nguyễn Mại cũng nhiều lần nhắc đến Liên doanh Vietsovpetro, BP, Total, Shell… với việc hình thành ngành công nghiệp dầu khí; hay Telstra với việc phát triển ngành viễn thông Việt Nam…

Nhưng góp phần hình thành nên các ngành công nghiệp Việt Nam, còn có dấu ấn của nhiều “ông trùm” FDI khác. Ví như Toyota, Honda… với ngành công nghiệp ô tô, xe máy của Việt Nam.

Bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 1995, với số vốn đầu tư ban đầu là 49,8 triệu USD, Toyota đã nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên khoảng 200 triệu USD và trở thành thương hiệu ô tô kinh doanh thành công nhất tại Việt Nam hiện nay. Chưa có thương hiệu ô tô nào đang kinh doanh ở Việt Nam vượt qua được Toyota về doanh số bán hàng tính trên 1 thương hiệu.

Tương tự, Honda tuy đến Việt Nam chậm hơn Toyota, vào năm 1996, nhưng đã nhanh chóng trở thành nhà sản xuất xe máy hàng đầu tại Việt Nam. Sau xe máy, Honda cũng đã lắp ráp ô tô tại Việt Nam từ năm 2005 và luôn đứng top đầu các nhà sản xuất lớn ở Việt Nam.

Ngoài hai tên tuổi lớn trên, còn có Ford, Suzuki, Mitsubishi… Chính các ông lớn này đã mang tới những nền tảng ban đầu của một ngành công nghiệp ô tô, xe máy cho Việt Nam, dù còn chưa được như kỳ vọng.

Trong khi đó, với đại đa số người dân Việt Nam, sự xuất hiện của Unilever và P&G mới thực sự là đáng kể. Cả hai nhà đầu tư này đều có mặt tại Việt Nam vào năm 1995, sau chính sách gỡ bỏ cấm vận của Mỹ. Chưa nhắc tới các khoản đầu tư trị giá bao nhiêu triệu USD, chỉ riêng việc Unilever và P&G “phủ sóng” các sản phẩm tiêu dùng, từ OMO, P/S, Clear, Pond's, Knorr, Lifebuoy, Sunlight…, rồi Tide, Downy, Head&Shoulder, Pantene, Pamper's, Gillette… ở khắp hang cùng, ngõ hẻm Việt Nam, đã cho thấy vai trò của hai “ông lớn” này lớn thế nào. Một “cuộc cách mạng” thực sự đã đến với thị trường tiêu dùng Việt Nam kể từ khi Unilever, P&G đặt chân đến Việt Nam.

Sau những tập đoàn đến Việt Nam ngay từ thời gian đầu, những năm gần đây, là sự xuất hiện của Intel, Samsung, LG, General Electric, Mitsubishi, Panasonic…, với việc hình thành ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá rằng, chính các TNCs này đã góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu. Còn nhiều chuyên gia thì thừa nhận, sự xuất hiện của Samsung, với khoản đầu tư đã lên tới trên 17,3 tỷ USD, đã biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất thiết bị di động toàn cầu, điều mà trước nay không ai có thể tưởng tượng được.

Thu hút TNCs, phải có cơ chế vượt trội

30 năm thu hút FDI, dù đã thu hút được hơn 333 tỷ USD vốn FDI lũy kế cho đến cuối tháng 8/2018, nhưng một điều đáng tiếc, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đó là FDI vào Việt Nam vẫn chủ yếu là của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đầu tư của các TNCs còn khá khiêm tốn, Việt Nam mới chỉ thu hút được vốn đầu tư của khoảng 100 TNCs trong nhóm 500 TNCs hàng đầu thế giới. Và dù “khiêm tốn”, thì ngay cả trong các khoản đầu tư của các TNCs, số lượng các dự án có quy mô lớn từ 1 tỷ USD trở lên cũng còn quá ít, cho dù Việt Nam đã chuyển hướng từ năm 2001 là coi trọng thu hút đầu tư của các TNCs.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, vào thời điểm Việt Nam tổng kết 25 năm thu hút FDI, định hướng thu hút đầu tư của các TNCs đã được nhấn mạnh. Thời điểm đó, con số khoảng 100 TNCs thu hút được trong tổng số 500 TNCs hàng đầu thế giới đã được nhắc đến với một sự nuối tiếc. Bây giờ, tổng kết 30 năm thu hút FDI, câu chuyện tương tự đã một lần nữa được nhấn mạnh, cho thấy 5 năm qua, Việt Nam chưa thu hút được nhiều hơn các TNCs.

Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, chính các TNCs đã góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.

Thực tế, 5 năm trước đây, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều lãnh đạo của các địa phương luôn nhấn mạnh, họ rất muốn thu hút được các TNCs. Câu trả lời là tương tự vào thời điểm này. Và không chỉ các địa phương, khi chuẩn bị cho việc xây dựng định hướng thu hút FDI giai đoạn tới, một lần nữa, các TNCs được nhắc tới.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tới đây cần tăng cường thu hút đầu tư từ các TNCs của các nước công nghiệp phát triển để nâng cấp năng lực công nghệ quốc gia và thực hiện các dự án quy mô lớn vào các ngành công nghiệp hiện đại và công nghiệp tương lai, dịch vụ tiên tiến của thời đại công nghiệp 4.0. Tương tự, thu hút TNCs nhằm tạo tiền đề cho việc phát triển một số chuỗi giá trị, như dệt may, điện tử…

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trên thực tế cũng đã nhiều lần khẳng định điều này với Báo Đầu tư. Theo ông Thiên, thậm chí cần coi các TNCs như các đối tác chiến lược quốc gia, để dành không chỉ các chính sách ưu đãi đầu tư tốt nhất, thậm chí cho phép nhà đầu tư “mặc cả”, mà dành cả các thể chế vượt trội cho họ. Đây chính là “mồi” để thu hút được các TNCs, bởi thu hút được một TNCs, đồng nghĩa với thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác. Câu chuyện của Samsung là ví dụ điển hình.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo một TNCs lớn đang đầu tư tại Việt Nam cho rằng, nếu được như vậy là “quá tốt”. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là các chính sách ổn định, minh bạch và dễ tiên lượng.

Ở một góc độ khác, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước cũng là yếu tố cốt lõi để thu hút được nhiều hơn các TNCs, cũng như để nâng cao hiệu quả dòng vốn FDI thông qua thúc đẩy tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tạo liên kết với các TNCs. Làm được điều này, Việt Nam sẽ sớm bước lên được nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu.

Nguyên Đức

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/moi-goi-tap-doan-xuyen-quoc-gia-tncs-phai-co-uu-dai-tot-nhat-di-cung-the-che-vuot-troi-d88290.html