'Mời giáo sư nước ngoài về làm việc, lấy đâu ra bằng trung cấp chính trị?'

Góp ý cho Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nói:'Muốn mời giáo sư nước ngoài về Việt Nam làm lãnh đạo một đơn vị chuyên môn sẽ khó khăn vì vị giáo sư ấy sao có thể là viên chức, có bằng trung cấp chính trị?'

Tuyển người tài không cần tiêu chuẩn viên chức

Chiều 10/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức. Phát biểu đóng góp ý kiến về việc luật hóa các tiêu chí cơ bản của tài năng vào trong luật, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, đề ra tiêu chuẩn này vào dự thảo sẽ chắc chắn không đầy đủ, bao quát.

“Tôi nghĩ rằng, việc quan trọng giúp phát triển tài năng là phải tháo gỡ rào cản đơn giản, cụ thể như muốn mời giáo sư nước ngoài về Việt Nam làm lãnh đạo một đơn vị chuyên môn sẽ khó khăn vì vị giáo sư ấy sao có thể là viên chức, có bằng trung cấp chính trị? Cũng như người trẻ ở Việt Nam không phải viên chức thì không thể đưa vào vị trí bổ nhiệm, quy hoạch" – Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đặt vấn đề.

Đại biểu Hiếu đề xuất nên có một hội đồng cho từng chuyên ngành, đặc biệt trong các đơn vị sự nghiệp công lập để phát hiện, bồi dưỡng các tài năng.

“Quyết định của hội đồng này có ý nghĩa quan trọng để chính quyền tham khảo, có thể đưa hội đồng này vào luật hóa” – ông Hiếu nói.

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, xu hướng hiện nay là giảm biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng việc này đi ngược lại việc muốn bổ nhiệm bác sĩ, nhà khoa học trẻ làm vị trí lãnh đạo.

“Chúng ta giảm viên chức, giảm biên chế nhưng vẫn cần phát triển khoa học, kỹ thuật. Tôi đề nghị chúng ta có thể tháo gỡ nút thắt là việc bổ nhiệm vị trí lãnh đạo chuyên môn ở các đơn vị sự nghiệp công lập không cần tiêu chuẩn viên chức, chỉ cần có hợp đồng lao động dài hạn” – Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề xuất.

 Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang)

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang)

Xét tuyển công chức phải quy định chặt chẽ

Tại phiên thảo luận, quy định xét tuyển công chức được nhiều Đại biểu quan tâm cho ý kiến, bởi lo ngại sự tùy tiện, thiếu mình bạch.

Đại biểu Mong Văn Tình (Nghệ An), cho biết, ông băn khoăn rằng, nếu quy định không chặt chẽ có thể lạm dụng hình thức này. Đại biểu Tình đề nghị Ban soạn thảo bổ sung trong luật trường hợp nào thực hiện hình thức xét tuyển, trường hợp nào thực hiện thi tuyển, quy định rõ về đối tượng, tiêu chí nâng ngạch công chức để tránh tùy tiện.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho biết, tại khoản 3 Điều 37 dự thảo luật thì ngoài hình thức xét tuyển, tuyển dụng thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển thì người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận và làm công chức đối với một số trường hợp, trong đó có cán bộ công chức cấp xã.

“Tôi cho rằng cần lưu ý những vấn đề sau: quy định như thế đồng nghĩa với việc cán bộ, công chức cấp xã có thể được liên thông lên làm công chức cấp huyện, cấp trung ương, cấp tỉnh và những trường hợp này được tiếp nhận nhưng trong luật không nói rõ điều kiện tiếp nhận như cơ sở, trình tự, tiêu chuẩn. Do đó, cần quy định chặt chẽ tránh lợi dụng tùy tiện, không thống nhất khi áp dụng pháp luật, có thể dẫn đến mất công bằng trong việc tiếp nhận công chức tổ chức cấp xã vào các ngạch công chức nói chung" – Đại biểu Phan Thái Bình nhấn mạnh.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam)

Cùng quan điểm này, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, cần quy định cụ thể những nguyên tắc chung về tuyển dụng người tài thực sự như sinh viên, chuyên gia trong nước, ngoài nước, có tiêu chuẩn cụ thể để phòng ngừa không phải là người tài mà vẫn được ưu ái, ưu đãi như người tài sẽ không công bằng với các đối tượng khác.

“Phương thức tuyển dụng công chức qua xét tuyển đối với cán bộ khoa học trẻ, người có tài năng phải cần hiểu rõ như thế nào là "khoa học trẻ và người có tài năng" để có sự phân biệt, phòng ngừa tuyển tràn lan, không thông qua thi tuyển sẽ không công bằng với các đối tượng khác. Việc tiếp nhận cũng cần đảm bảo tính hợp lý với vị trí việc làm. Ngoài ra, cần đưa vào dự thảo luật hình thức tuyển dụng chức vụ lãnh đạo, quản lý có điều kiện và thi tuyển cho phù hợp để có sự cạnh tranh vị trí khách quan, công tâm, tìm người có tâm, có tầm thực sự để làm công tác lãnh đạo” – Đại biểu Phan Văn Hòa lưu ý.

Về kiểm định chất lượng đầu vào của công chức, theo Đại biểu Hòa là cần thiết, nhưng cũng cần quy định cụ thể, rõ ràng trong luật chứ không như dự thảo chỉ nói chung giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Về xét nâng ngạch công chức, ông Hòa đề nghị bổ sung, làm rõ trong luật những điều kiện cụ thể, hình thức tiêu chuẩn để tránh lạm dụng, đảm bảo đúng đối tượng được xét nâng ngạch, đúng việc làm, khách quan, minh bạch, chất lượng.

Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cũng băn khoăn về việc kiểm định chất lượng đầu vào của cán bộ công chức viên chức.

“Sẽ có hệ quả như thế nào đối với những người chịu sự kiểm định khi mà hầu hết họ đã trải qua quá trình sơ tuyển hồ sơ để được tham gia thi tuyển hoặc xét tuyển công chức, sau đó phải qua quá trình sàng lọc, cạnh tranh mới trúng tuyển công chức đầu vào và nay lại thêm kiểm định chất lượng đầu vào nữa thì phải chăng chúng ta không tin vào kết quả những cuộc sơ của những quá trình trên?” Đại biểu Yến Linh nêu.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201906/moi-giao-su-nuoc-ngoai-ve-lam-viec-lay-dau-ra-bang-trung-cap-chinh-tri-634860/