Mối duyên thơ – nhạc kỳ lạ

Chị bước vào nhà xác. Anh nằm đó. Đôi mắt ru ngủ giấc trẻ thơ. Tiếng nấc vỡ òa. Những giọt nước mắt nóng hổi tuôn rơi, ướt đẫm trên vồng ngực hơn nửa thế kỷ quằn quại đang lạnh dần, lạnh dần... Nước mắt cho lần đầu gặp gỡ. Nước mắt cho lần cuối chạm vào hồn tri kỷ...

Trịnh Hương bỗng nhớ lại cái ngày ấy. Một ngày hỗn loạn, tồi tệ và buồn thảm. Một ngày mà chị nghe như nửa linh hồn đi hoang và lạc mất vĩnh viễn. Giọng nữ trầm khàn cất lên, dìu dặt điệu trữ tình:

"Vâng anh…
Đêm đã cạn đêm rồi…
Đơn giản chỉ là ngày lên…
Mà sao nghe bình minh quá chậm…
Quá chậm… vào mai…!

Vâng anh…
Em đã cạn em rồi…
Đơn giản chỉ là đời trôi…
Mà sao nghe buồn vui thấm mệt…
Thấm mệt… vào đau…!"

"Cạn" là bài thơ nối duyên cho chị và nhạc sĩ Ngọc Minh Nguyên, để rồi bắc cầu làm nên những nhạc phẩm trong album "Những khoảnh khắc không lời". Kết bạn trên Facebook đã lâu nhưng khi chị đưa "Cạn" lên trang cá nhân thì hai người mới bắt đầu trò chuyện qua Messenger.

Nhạc sĩ Ngọc Minh Nguyên.

Ngọc Minh Nguyên ngỏ ý phổ nhạc bài thơ này. Thật ra chị không mấy để tâm đến việc sáng tác của anh bạn có nickname Black Coffee. Một hôm, Black Coffee nhắn: "H ơi, anh thấy hình như bài thơ bị hụt cảm xúc. H có thể sáng tác thêm một khổ nữa để bài hát được trọn vẹn không?".

Chị thảng thốt, mình giấu một khổ đi vì nó quá riêng tư sao ảnh cảm nhận được? Xưa nay có ai "đọc" được chị đến thế? Tự nhiên, chị cảm tình ngay với người đàn ông lạ mặt ấy. Khổ cuối gửi đi trong niềm mến phục: "Vâng anh… / Ta đã cạn ta rồi/ Đơn giản chỉ là tình tan/ Mà sao nghe đầy vơi… đếm tận…/ Đếm tận… Thời gian".

Hai người nhanh chóng trở thành tri kỷ. Mọi liên lạc chỉ qua màn hình vi tính. Phổ được bài nào, Black Coffee lại gọi điện thoại hoặc voice chat để hát cho chị nghe. Gần như tất cả bài hát anh đều giữ nguyên lời, không thêm không bớt, vì" không tìm được từ nào hay hơn".

Thơ với Trịnh Hương là nơi giãi bày, tâm sự trong những lúc cô đơn, trống vắng, là nơi nương náu của tâm hồn. Một người đàn bà đối mặt với đổ vỡ đến tê dại nhưng vẫn thủy chung chờ đợi, khát khao về một "cái ngày tình nở cong môi" dẫu điều đó xa vời và đắng đót tầm tay... "Em ngu ngơ gánh mùa ngâu/ Đợi trăm năm tới cạn sầu gió mưa/ Trăm năm giờ đã về chưa/ Gánh yêu yêu yểu giá thừa thãi đau".

Trịnh Hương yêu thơ nhưng người bạn đời buộc chị phải chọn lựa: thơ hay anh? Chị chọn anh. Nhưng rồi cay đắng vẫn chẳng buông tha. Sau hoang tàn, thơ trở về với chị như niềm an ủi.

Black cũng làm thơ rồi phổ thành bài hát, phần nhiều buồn và u uẩn. Chọn nickname Black Coffee, anh bảo đời mình đắng ngắt và đen như ly cà phê không đường. Như ca khúc anh viết: "Cà phê rơi từng giọt buồn như cuộc đời chênh vênh gập gềnh/ Cà phê rơi từng giọt buồn như mịt mờ ngày xa xăm…/ Hình hài mong manh nhỏ nhoi/ Đâu là chi như làn mây khói/ Từ phôi pha hạt bụi nào mang linh hồn mang tên loài người/ Đời nâng niu dập vùi/ Trong chập chùng vô biên chơi vơi…".

Đứa trẻ đỏ hỏn đã mồ côi cha, 22 tuổi thì mẹ mất. Đất đỏ và sương trời Bảo Lộc nuôi lớn anh. Ngày, anh chụp ảnh dạo kiếm cơm. Đêm, anh mày mò học guitar, mày mò sáng tác và nguệch ngoạc sắc màu trên toan để thỏa nỗi niềm. Khi ấy, con người anh mới tạm quên đi chiếc áo sờn rách, quên đi nồi cơm khô cong trên bếp. Hoài - cô thôn nữ Quảng Bình - nên duyên vì thương chàng trai thật thà có tuổi thơ cơ cực, côi cút.

Ngọc Minh Nguyên bị bệnh tim bẩm sinh. Anh cắn răng chịu đựng cơn đau chứ không dám đến viện nhiều, sợ tốn tiền. Sức yếu , anh không làm được việc nặng. Hai đứa con một trai một gái ra đời, anh chăm sóc chúng, lo chu đáo việc nhà để đôi vai vợ bớt oằn gánh ngược xuôi.

Chị Hoài nấc nghẹn: "Anh ấy hiền lành mà sao trời đối xử bất công quá". Thỉnh thoảng anh đòi đi theo phụ bán hàng rong, phụ hồ giúp chị. Chị sợ chồng mệt, kêu anh ở nhà. Vậy mà anh vẫn cố". Anh ít khi ra ngoài gặp gỡ bạn bè. Túng thiếu, gia đình phải chuyển xuống TP Hồ Chí Minh tìm kế mưu sinh. Mọi chi tiêu đều trông vào đồng lương giúp việc nhà của chị Hoài. Thương vợ, anh không biết làm gì hơn ngoài những câu ca yên ủi.

Trước khi gặp Trịnh Hương, Ngọc Minh Nguyên đã sáng tác hơn 300 ca khúc riêng. Anh viết về tình yêu, về nỗi buồn, về gia đình, về quê hương Bảo Lộc với một nỗi nhớ nhung da diết. Nhưng cả đời, anh chưa thể thực hiện nổi một album để quảng bá bài hát.

Mời ca sĩ hát và làm beat (nhạc nền) cho một ca khúc ít nhất tốn dăm triệu, huống hồ là cả album mười mấy bài. CD với Ngọc Minh Nguyên là điều xa xỉ. Ca khúc viết xong, anh xách guitar đàn hát cho cả nhà nghe. Cuộc vui tưng bừng bên mâm cơm đạm bạc trong căn nhà trọ tạm bợ có vợ con làm khán giả. Có lẽ đó là giây phút hạnh phúc nhất của cuộc đời họ.

Bìa sách thơ nhạc và CD album "Những khoảnh khắc không lời".

Cách đây một năm, có người nhờ Ngọc Minh Nguyên phổ nhạc 20 bài thơ rồi chị ta sẽ trả thù lao khấm khá đủ để anh có thể ra CD, tiền bán CD có thể giúp gia đình trang trải bớt khó khăn. Anh hồ hởi viết. Hễ chị ta gọi, bảo cần trao đổi về ca khúc là anh bỏ bữa, tức tốc xách xe đi. Ròng rã mấy tháng trời. Nhận xong ca khúc, chị ta lặn mất tăm. Ngọc Minh Nguyên sốc nặng, cơn đau tim hoành hành dữ dội đến mức liệt giường khi anh tình cờ phát hiện trên YouTube, người đàn bà ấy trơ trẽn nhận nhạc và lời do chính chị ta sáng tác!

Anh suy sụp. Thơ Trịnh Hương là cây thập giá đời cứu rỗi trái tim anh. Một ngày, dòng tin nhấp nháy trên Messenger của Trịnh Hương: "Nếu trời còn cho anh sống, sau này anh sẽ chỉ phổ thơ em chứ không thể phổ thơ ai khác". Thấy nhiều lần Black tâm sự ấp ủ album viết về Bảo Lộc, một ngày, Trịnh Hương nhắn: "Em giúp anh hoàn thiện album đó, anh nhé".

Rơm rớm nhưng anh nằng nặc: "Nếu em giúp được thì anh sẽ làm album nhạc phổ thơ em trước vì anh tin các ca khúc ấy đã chạm tận cùng cảm xúc ca từ". Những ngày chuẩn bị cho CD và sách thơ nhạc, người nhạc sĩ nghèo như được hồi sinh. Thân xác ốm o lại bám cây đàn, mái tóc dài xõa trên chiếc máy vi tính. Thuốc lá, cà phê mịt mù trắng đêm. Vợ lo lắng nhắc. Anh cười: "Anh phải làm nhanh lên, sợ không kịp em à!".

Dòng nhạc trữ tình, lãng mạn là hướng Ngọc Minh Nguyên chọn lựa. Phần tác giả, anh ghi trang trọng: Trịnh Hương - Ngọc Minh Nguyên chứ không ghi riêng lời thơ của chị hay nhạc của anh. Ngọc Minh Nguyên thường xuyên khoe chị với gia đình. Nhưng họ chưa từng gặp nhau. Mọi trao đổi chỉ toàn qua Facebook hoặc điện thoại. Các ca khúc hoàn thành, anh nhờ nhạc sĩ Y Vũ (nổi tiếng với nhạc phẩm "Tôi đưa em sang sông" và "Kim") hỗ trợ để hoàn thiện phần hòa âm phối khí cho những bài mang âm hưởng dân gian Bắc Bộ...

Sáng, nhạc sĩ nhắn: "Mọi thứ cũng hòm hòm rồi, cỡ một, hai tháng nữa là xong em à". Chị đáp lại bằng icon mặt cười. Trưa, tin anh mất như sét đánh. Tai chị ù đi, mắt mờ nhòa, phố xá nghiêng ngả. Khi mọi thứ rõ ràng trở lại, chị thấy mình đã đứng trong nhà xác. Một mình chị với anh, lặng câm sững sờ trong nước mắt.

"Đêm… giá như đêm có thể/ Nhớ chỉ là nhớ… vậy thôi!/ Đêm… giá như đêm có thể/ Lặng câm nghiến nát chân trời…!". 49 ngày anh mất, chị viết "Những khoảnh khắc không lời". Giữa hai người, cái tình không thể nói hết bằng ngôn từ.

7 tháng kể từ ngày Ngọc Minh Nguyên mất, đêm nhạc ra mắt album "Những khoảnh khắc không lời" đã diễn ra xúc động và ấm cúng tại Hội trường Thông tấn xã Việt Nam vào đầu tháng 10 vừa qua. Trước mồ anh, chị thắp nén tâm nhang dành cho hương hồn tri kỷ: "Nó là một món quà muộn, quá muộn... nên nó sẽ chất ngất nghẹn ngào tâm tình em gửi về anh nơi chín suối!"

Đêm ấy, hội trường chật kín người, tràng pháo tay vang lên không ngớt khi bài "Cái ngày tình nở cong môi", "Tại anh", "Em long lanh… em", "Khẽ khàng xuân", "Thu vừa", "Anh đã đánh mất anh trong em"… vừa dứt. Âm nhạc thăng hoa cùng mối duyên lạ lùng làm khán giả vỡ òa xúc cảm. Chị Hoài và hai người con ôm nhau mừng tủi bởi ước mơ năm nào của chồng, của cha họ đã trở thành hiện thực. Trong đôi mắt rưng lệ, Trịnh Hương thấy anh lẫn trong đám đông, nhìn chị bằng ánh mắt biết ơn trìu mến. Đêm nhạc kết thúc, anh mỉm cười chào rồi quay gót, nhòa vào dòng người hối hả vây quanh…

Mai Quỳnh Nga

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/moi-duyen-tho-nhac-ky-la-465963/