Mới được giao lãnh đạo, đã làm bậy!

Vừa mới được phân công phụ trách, vị lãnh đạo đã bị đánh giá là đạo đức thiếu chuẩn mực, làm sai đủ thứ nhưng không hiểu sao vẫn ung dung tại vị...

Đốt thực bì sai quy trình dẫn đến cháy rừng

Đó là tố cáo của một cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Đak Đoa (huyện Đak Đoa, Gia Lai). Theo người này, đầu tháng 2/2019, ông Nguyễn Hồng Quân, phó phụ trách BQLRPH Đak Đoa tự ý cho người thân quen vào các tiểu khu 407, 412 (xã Hà Đông) đốt dọn thực bì để phòng chống cháy rừng. Hậu quả, gần 20ha rừng thông trồng có tuổi đời từ 9 đến 17 năm bị cháy rụi, nhiều diện tích bị cháy hoàn toàn không còn khả năng phục hồi, thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.

 Vụ cháy rừng nghi do nhân tai.

Vụ cháy rừng nghi do nhân tai.

Chưa hết, ngọn lửa còn lan sang rẫy của hàng chục hộ dân trong khu vực khiến hơn vạn cây bời lời bị chết khô. Điều đáng nói là, sau vụ cháy, dưới sự "dàn xếp" của ông phó ban phụ trách, đã không hề có báo cáo nào gửi đến cơ quan quản lý.

Theo điều tra, vào ngày 11/2/2019, ông Quân ký kế hoạch đốt trước có điều khiển phòng chống cháy rừng năm 2019 gửi các cơ quan chức năng có liên quan. Thông báo số 01/TB-BQLRPH này khá khôi hài khi phát hành là vào ngày 11/2, nhưng lại cho rằng kế hoạch thực hiện là từ ngày 25/1 đến ngày 30/2(?).

Theo vị cán bộ, có rất nhiều cái sai. Thứ nhất là về quy trình phòng chống cháy rừng thì nguyên tắc là đốt, phát dọn thực bì phải hoàn thành vào tháng 11 hoặc tháng 12 của năm trước. Trong khi đó, ông Quân lại tổ chức phát dọn thực bì phòng cháy vào tháng 2/2019, khi đang trọng điểm mùa nắng nóng thì làm sao mà kiểm soát nổi ngọn lửa.

Bên cạnh đó, Công đoàn cơ sở của BQLRPH Đak Đoa với những con người có đầy đủ chuyên môn đã nộp đơn nhận khoán làm việc này từ lâu nhưng không được đồng ý mà ông Quân lại đưa người ngoài vào làm, làm không đúng quy trình dẫn đến cháy rừng.

Đến khu vực trên để tìm hiểu thì thấy cả một vạt rừng thông rộng lớn bị cháy "đỏ trời". Hiện có 14 hộ dân có vườn bời lời bị cháy đang hết sức bức xúc vì bỗng dưng bị họa "nhân tai". Họ đã kéo nhau lên xã yêu cầu làm rõ, đền bù thiệt hại nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

"Thời điểm xảy ra vụ cháy rừng là đợt cao điểm nắng nóng, cơ quan chức năng đã tổ chức tuyên truyền chúng tôi hạn chế đốt rừng. Song kỳ lạ thay, chính đơn vị chủ rừng lại thuê người đốt dọn thực bì khiến hàng chục ha rừng bị cháy rụi rồi lây lan sang làm thiệt hại cây trồng của chúng tôi, điều này nghĩa là sao?", người dân chất vấn.

Kết quả kiểm tra xác định, có hơn 105.000m2 rừng thông thuộc rừng phòng hộ tại 2 tiểu khu 407 và 412 được trồng từ các năm 2003, 2004 và 2010 tại xã Hà Đông bị cháy. Ngọn lửa còn cháy lan sang vườn rẫy của 14 hộ dân xã Hà Đông, gây thiệt hại 14.540 cây bời lời trên 2 năm tuổi. "Sau vụ cháy, người dân có cây bị thiệt hại ì bị cháy lan đã đến xã yêu cầu bồi thường", ông Nguyễn Hồng Việt cho hay.

Trước sự việc trên, ông Quân ngụy biện rằng, thời điểm xảy ra cháy là trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Đông xác nhận, đầu tháng 2/2019 mới xảy ra vụ cháy rừng tại các tiểu khu như đã nêu. Nguyên nhân là do phía BQLRPH Đak Đoa thuê người đốt dọn thực bì dẫn đến cháy lan. UBND huyện Đak Đoa cũng báo cáo rằng vụ cháy rừng xảy ra sau Tết Nguyên đán.

Đạo đức không chuẩn mực!

Ngày 16/5 vừa qua, ông Vũ Ngọc An, PGĐ Sở NN- PTNT tỉnh Gia Lai ký công văn số 1062/SNNPTNT-TTr công nhận việc BQLRPH Đak Đoa để xảy ra cháy rừng mà không báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; cho người thi công công trình ứng vượt quá số tiền (gần 100%) ghi trong hợp đồng khi công trình chưa được nghiệm thu, trách nhiệm chính thuộc về ông Quân.

Còn tại công văn số 1089/SNNPTNT-TTr ngày 20/5, Sở NN- PTNT tỉnh Gia Lai cho rằng, việc chỉ đạo điều hành của ông Quân còn để xảy ra nhiều sai sót như: phân công nhiệm vụ chồng chéo dẫn đến gây mất đoàn kết nội bộ; ký hợp đồng kế toán và hợp đồng nhóm hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng sai và chưa đúng quy định; ra quyết định đình chỉ công tác đối với bà Trương Thị Hồng Lan sai quy định; ký ban hành một số văn bản của đơn vị thiếu cơ sở pháp lý, không đúng thể thức theo quy định; sử dụng xe ô tô cơ quan vào việc cá nhân; đạo đức lối sống chưa chuẩn mực.

Còn trong việc chi tiêu tài chính tại đơn vị, ông Quân đã không trung thực, thiếu kiểm soát trong việc cho tạm ứng và thanh toán tạm ứng; chi tạm ứng không đúng đối tượng được tạm ứng, kê không đúng thực tế nhiều chứng từ, rút tiền mặt tại quỹ không có phiếu chi, không kiểm quỹ định kỳ theo đúng quy định; nhiều chứng từ chi vượt định mức, sai chế độ quy định, để ngoài sổ sách tổng số tiền 37 triệu đồng (gồm chi tiền tuần tra truy quét không đúng so với thực tế, chi tiền tiếp khách và chi tiền phòng ngủ sai quy định, tiền bán cây bạch đàn để ngoài sổ sách).

Sở đã giao phòng Tổ chức tham mưu Giám đốc Sở xử lý trách nhiệm đối với ông Quân và những người có liên quan; yêu cầu ông này nộp lại số tiền bán cây bạch đàn ngoài sổ sách (27,7 triệu đồng) vào quỹ cơ quan.

TÙY PHONG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/moi-duoc-giao-lanh-dao-da-lam-bay-post242517.html