Mỗi đội dự Super League nhận 400 triệu euro

Theo tuyên bố từ Super League, mỗi đội dự giải sẽ nhận 400 triệu euro, gấp 4 lần số tiền thưởng cho nhà vô địch UEFA Champions League 2020.

Cả châu Âu rung chuyển khi 12 CLB bao gồm AC Milan, Arsenal, Atletico Madrid, Chelsea, Barcelona, Inter Milan, Juventus, Liverpool, Manchester City, Manchester United, Real Madrid và Tottenham Hotspur xác nhận thành lập một giải đấu mới mang tên European Super League. Đây là giải đấu độc lập không phụ thuộc UEFA và FIFA.

3 câu lạc bộ nữa dự kiến sẽ tham gia trong mùa giải đầu tiên và 5 câu lạc bộ khác sẽ đủ điều kiện tranh tài hàng năm dựa trên thành tích của họ ở mùa giải trước, để tạo ra một giải đấu có sự hiện diện của tối đa 20 đội. Vậy có điều gì hấp dẫn khiến những đội bóng này quyết liệt tham gia, và European Super League có ảnh hưởng thế nào tới UEFA Champions League?

Các đội bóng lớn sẽ nhận được gì từ giải đấu?

Tất nhiên vấn đề quan trọng là tiền. Các tên tuổi muốn kiếm nhiều tiền hơn cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến tình hình tài chính của nhiều đội bóng lớn kiệt quệ, thì Super League chẳng khác nào “chiếc phao cứu sinh” giúp họ phục hồi ngay lập tức.

JP Morgan, một ngân hàng đầu tư của Mỹ, được cho là đã đồng ý rót vào số tiền tài trợ khổng lồ cho các đội bóng tham dự. Số tiền chính xác không được nêu rõ nhưng Super League cho hay, tổng giải thưởng "dự kiến sẽ vượt hơn 10 tỷ euro (8,6 tỷ bảng)" trong "thời gian cam kết ban đầu".

Trong đó, các CLB sáng lập sẽ cam kết được hưởng “miếng bánh” lên tới 3,5 tỷ euro (3 tỷ bảng). Con số này cực kỳ hấp dẫn khi biết rằng, tính ra mỗi CLB sẽ nhận 400 triệu euro, cao gấp 4 lần so với số tiền thưởng cho nhà vô địch UEFA Champions League 2020.

Vì sao lại thành lập vào thời điểm này?

Super League tuyên bố đại dịch Covid-19 đã "đẩy nhanh sự bất ổn trong mô hình quản lý kinh tế của bóng đá châu Âu hiện có", đồng thời cho thấy rằng cần có một "cách tiếp cận thương mại bền vững" để hỗ trợ các đội bóng hàng đầu châu lục.

Thực tế, nhiều đội bóng lớn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Theo Deloitte, 20 CLB tạo ra doanh thu cao nhất đã thất thu khoảng 1,1 tỷ euro trong mùa giải 2019/20, do nhiều yếu tố bao gồm thiếu khán giả, dẫn đến thu nhập từ bản quyền truyền hình cũng giảm theo.

Theo tính toán, con số này sẽ tăng lên thành 2 tỷ euro sau khi mùa giải 2020/21 khép lại. Chẳng đâu xa, doanh thu của Barcelona giảm tới 15% và nhiều lần đối diện với nguy cơ phá sản.

Ngoài ra, việc UEFA lên kế hoạch thay đổi thể thức UEFA Champions League, với số đội tăng lên từ 32 đội thành 36 đội cũng khiến nhiều đội bóng lớn không hài lòng. Hiện tại, một CLB nếu lọt vào vòng 1/8 chỉ phải đá 6 trận vòng bảng, thì với thể thức mới, mỗi đội phải chinh chiến trong 10 trận (thậm chí là 12 trận nếu xếp thứ 9 và 24, phải đá play-off).

Kéo theo đó, miếng bánh bản quyền truyền hình cũng sẽ bị san sẻ khi số đội tăng lên, trong khi các đội bóng lớn đã bất mãn với cách phân chia của UEFA từ khá lâu.

Super League khẳng định: "Trong những tháng gần đây, các cuộc thảo luận đã diễn ra rộng rãi với các bên liên quan về thể thức trong tương lai của các giải đấu hàng đầu châu Âu. Các câu lạc bộ sáng lập tin rằng, các giải pháp được đề xuất sau các cuộc đàm phán này không giải quyết được các vấn đề cơ bản, bao gồm nhu cầu cung cấp của các trận đấu với chất lượng cao hơn và nguồn tài chính bổ sung cho những đội bóng hàng đầu nói chung.”

Thể thức của Super League diễn ra như thế nào?

Super League đề xuất 20 CLB sẽ chia làm 2 bảng thi đấu theo thể thức sân nhà, sân khách, giống vòng bảng UEFA Champions League và các giải VĐQG hiện nay. Sân chơi này bắt đầu khởi tranh từ tháng 8.

Dựa trên kết quả thi đấu, 3 CLB dẫn đầu mỗi bảng sẽ vào thẳng tứ kết. Các đội xếp thứ 4 và 5 sẽ đấu play-off 2 lượt với nhau để tranh 2 vé tứ kết còn lại.

Từ tứ kết, các CLB sẽ thi đấu theo thể thức loại trực tiếp 2 lượt như UEFA Champions League. Trận chung kết diễn ra vào cuối tháng 5, với một trận duy nhất trên sân trung lập.

Super League sẽ thi đấu vào giữa tuần, về cơ bản sẽ thay thế giải UEFA Champions League hiện tại. Trong khi đó, những đội bóng tham dự vẫn tranh tài ở giải VĐQG của họ.

 Man United nằm trong nhóm nhóm CLB ủng hộ sự ra đời của Super League. Ảnh: Getty.

Man United nằm trong nhóm nhóm CLB ủng hộ sự ra đời của Super League. Ảnh: Getty.

Các LĐBĐ nói gì?

Rõ ràng, Super League ảnh hưởng không nhỏ tới UEFA Champions League, cũng như những giải đấu khác. Do đó, UEFA hay FIFA đều đồng loạt phản đối.

FIFA ra thông báo: "Bất kỳ cuộc tranh tài bóng đá nào, dù là quốc gia, khu vực hay toàn cầu, phải luôn phản ánh các nguyên tắc cốt lõi là đoàn kết, hòa nhập, liêm chính và sự phân phối tài chính công bằng".

Liên đoàn bóng đá Anh (FA) thì khẳng định, động thái này "gây tổn hại cho nền bóng đá Anh và châu Âu ở mọi cấp độ" và nó sẽ là "cú đấm trực diện vào các nguyên tắc cạnh tranh cởi mở và thành tích thể thao vốn là nền tảng của thể thao cạnh tranh hiện đại".

FA cuối cùng kết luận: "Chúng tôi sẽ không cấp phép cho bất kỳ cuộc tranh tài nào có thể gây tổn hại cho bóng đá Anh và sẽ thực hiện bất kỳ hành động pháp lý và/hoặc quy định nào cần thiết để bảo vệ lợi ích rộng lớn hơn của các trận đấu".

UEFA cho hay: "Chúng tôi sẽ xem xét tất cả biện pháp, ở tất cả cấp, tư pháp và thể thao để ngăn chặn điều này xảy ra. Bóng đá dựa trên các cuộc thi đấu mở và thành tích thể thao, không thể bằng bất kỳ cách nào khác.

Như FIFA và 6 liên đoàn đã thông báo trước đó, các câu lạc bộ liên quan sẽ bị cấm thi đấu ở bất kỳ giải đấu nào khác ở cấp độ quốc nội, châu Âu hoặc thế giới, và các cầu thủ của họ có thể bị từ chối đại diện cho đội tuyển quốc gia của họ".

Vì sao gây tranh cãi?

Thủ tướng Boris Johnson của Anh cho biết đề xuất này sẽ "rất có hại cho bóng đá". Super League sẽ "gây ảnh hưởng lớn cho các trận đấu ở giải quốc nội, và khiến người hâm mộ cả nước hoang mang, lo lắng".

Nhưng tại sao lại thế?

Các nhà phê bình đã nói rằng giải đấu là một cuộc thâu tóm quyền lực của các câu lạc bộ hàng đầu, và sự cạnh tranh khép kín là một cách để các câu lạc bộ đảm bảo thu về nhiều tiền hơn cho mình.

Người hâm mộ sẽ cảm thấy buồn vì cuộc tranh tài sẽ mất đi tính căng thẳng, sự hồi hộp khi thăng hạng và xuống hạng thường thấy ở các giải bóng đá khác và do đó, các trận đấu sẽ không còn sự sôi động, phấn khích thường lệ.

Với chỉ một vài suất có sẵn mỗi năm cho các đội ngoài nhóm chính, giới chuyên mộn e ngại, Super League sẽ khép lại với hầu hết mọi đội bóng khác. Điều đó đồng nghĩa, Super League chỉ là câu chuyện của riêng một nhóm các câu lạc bộ độc quyền, ưu tú và không thể chạm tới ở vị trí hàng đầu.

Thanh Hải

Đồ họa: Minh Trí.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/moi-doi-du-super-league-nhan-400-trieu-euro-post1206072.html