Mỗi đoàn viên công đoàn phải cùng tham gia phòng chống tiêu cực, tham nhũng

Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Lễ phát động cuộc vận động 'Cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) nói không với tiêu cực' và Phong trào 'CBCCVC thi đua thực hiện văn hóa công sở' do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) tổ chức ngày 24/7, tại Hà Nội

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ

Lễ phát động nhằm mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của CBCCVC trong việc thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời xây dựng đội ngũ CBCCVC trung thành với Tổ quốc, tận tụy với nhân dân, có trách nhiệm cao với công việc, có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh...Nội dung của Cuộc vận động “CBCCVC nói không với tiêu cực” bao gồm: Không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà; Không quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm; Không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; Không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ. Trong khi đó, Phong trào “CBCCVC thi đua thực hiện văn hóa công sở” hướng tới việc: Thi đua xây dựng cơ quan, đơn vị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp (đối với tập thể); đối với CBCCVC là thi đua thực hiện kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp.

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, mỗi tổ chức công đoàn, đoàn viên công đoàn phải là chủ thể tham gia phòng chống tiêu cực, tham nhũng, tham gia và lãnh đạo Ban thanh tra nhân dân giám sát việc thực thi phòng chống tiêu cực, tham nhũng tại từng đơn vị. Phó Thủ tướng đề nghị các cấp công đoàn cần quan tâm 6 nội dung trọng tâm. Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyên mục đích, yêu cầu, nội dung, ý nghĩa của Cuộc vận động và Phong trào; cách thức tổ chức thực hiện, việc ký kết thi đua đối với tập thể và cá nhân. Thứ hai, triển khai Cuộc vận động và Phong trào rộng khắp trong toàn hệ thống, tập trung vào những cơ quan, địa bàn có nguy cơ cao về tiêu cực, tham nhũng. Thứ ba, xây dựng các mô hình điểm, các cá nhân điển hình để nhân rộng trong toàn hệ thống. Gắn việc thực hiện Cuộc vận động, các phong trào thi đua với các cuộc vận động khác và với nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị.

Thứ tư, tích cực phối hợp giữa Công đoàn với Thủ trưởng cơ quan và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đơn vị trong tổ chức thực hiện Cuộc vận động. Phát huy vai trò và tính tự giác của từng tập thể, cá nhân trong triển khai thực hiện các nội dung Cuộc vận động. Thứ năm, các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc…cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm, tình hình cụ thể của đơn vị, lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với tổ chức Công đoàn vận động, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai tổ chức hiệu quả Cuộc vận động và Phong trào, tránh hình thức, lãng phí. Cuối cùng, các nội dung trên cần được thực hiện gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực…

Cùng ngày, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Công đoàn Việt Nam - 90 năm xây dựng và phát triển”.

Là hoạt động trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (CĐVN), hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trên cơ sở nhìn lại chặng đường 90 năm đã qua của tổ chức CĐVN, đúc rút các thành tựu, bài học kinh nghiệm đã đạt được, tạo tiền đề vững chắc về lý luận, là một trong những cơ sở để tổ chức CĐ vững bước tiến vào giai đoạn phát triển mới trong tương lai.

Theo Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn, trải qua gần một thế kỷ, giai cấp công nhân, tổ chức CĐVN luôn là lực lượng nòng cốt đi đầu cùng với nhân dân cả nước viết nên trang sử vẻ vang, truyền thống hào hùng của dân tộc, xứng đáng là giai cấp tiên phong, lãnh đạo trong mỗi thời kỳ cách mạng. Để xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, thời gian tới, tổ chức CĐ cần tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động công nhân; tạo động lực cho công nhân phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt của khối liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức…

Nhận định về cơ hội và thách thức của tổ chức CĐ trong thời gian tới, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, hiện nay trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động sâu sắc đến các lĩnh vực của đời sống. Đây cũng là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…Từ đây mở ra nhiều cơ hội cho người lao động (NLĐ) có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Bên cạnh cơ hội, thách thức lớn nhất là CĐ phải thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, do vậy CĐ phải đổi mới để hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn; phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức CĐ cơ sở. Ngoài ra, tổ chức CĐ còn phải nâng cao tiềm lực tài chính; đổi mới mô hình, tổ chức bộ máy; giữ vị thế độc tôn một tổ chức bảo vệ NLĐ và thách thức về năng lực, kỹ năng của cán bộ CĐ.

Bùi Mến

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/moi-doan-vien-cong-doan-phai-cung-tham-gia-phong-chong-tieu-cuc-tham-nhung-463110.html