Mối đe dọa từ những thiết bị bay siêu nhỏ

Thiết bị bay không người lái đang trở nên ngày càng nhỏ hơn, chế tạo rẻ hơn, và có thể tự bay vòng quanh, tự tập hợp thành nhóm lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn và bay như một đàn chim.

Chúng được gọi là "đàn" - nếu có đủ số lượng bay cùng nhau, và chúng chiếm ưu thế so với con người ở một số mặt; có thể cứu người, hoặc trở thành lực lượng tác chiến đầy uy lực nơi chiến trường.

Đầu tiên là trên chiến trường, các đàn vật thể bay có thể mạnh hơn vũ khí và các công nghệ mà quân đội vẫn thường sử dụng trong hàng thập niên qua.

Ta hãy hình dung tới cảnh này: trong một thành phố dày đặc người, các nhóm thiết bị bay 4 động cơ siêu nhỏ có thể bay quanh và thu thập tin tức tình báo. Xe tăng chiến đấu có thể bị hạ gục bởi các vật thể bay tấn công tràn ngập từ mọi hướng cùng lúc đổ về.

Máy bay không người lái ngày càng nhỏ hơn, rẻ hơn và sẽ bắt đầu trở thành các nhóm lớn như đàn chim.

Máy bay không người lái ngày càng nhỏ hơn, rẻ hơn và sẽ bắt đầu trở thành các nhóm lớn như đàn chim.

Trên biển, hàng ngàn thiết bị bay nhỏ có thể tràn tới tấn công một tàu chiến, có thể rất nhiều trong số chúng sẽ bị bắn hạ nhưng rất nhiều "chiến binh" khác thoát được, phá hủy radar và đẩy con tàu vào tình trạng vô phương chống đỡ.

Hơn thế nữa, không có người lãnh đạo hay chỉ huy nào trong một đàn vật thể bay; cả nhóm tạo thành một hệ thống tự tổ chức, trong đó mọi cá thể đều có vị trí ngang nhau. Nhóm thiết bị bay có thể tìm kiếm trong khu vực một cách hiệu quả, bay cùng nhau mà không va đụng. Và chỉ cần một người điều khiển toàn bộ nhóm thiết bị này. Đàn vật thể bay rất lợi hại.

Một tên lửa có thể bắn hạ một máy bay, trong khi một nhóm thiết bị bay vẫn có thể tiếp tục hoạt động bình thường sau khi có hàng chục "thành viên" bị tiêu diệt. Không quân sẽ không có đủ tên lửa để đối phó, bởi kẻ thù quá đông, áp đảo về mặt số lượng.

Nhiều cường quốc đang theo đuổi công nghệ nhóm thiết bị bay. Chẳng hạn như Mỹ vừa tung ra nhóm thiết bị bay "Perdix" nhỏ từ máy bay chiến đấu F/A-18. Các thiết bị này chỉ nặng vài trăm gram, được thả từ các vị trí thường dành để thả pháo sáng.

Thiết bị bay Perdix được làm bằng công nghệ in 3D có thể tái sử dụng, chúng trấn áp không quân đối phương bằng cách di chuyển như "chim mồi", hoặc gây nhiễu cho radar đối phương, hoặc bằng cách định vị các radar mà chúng có thể tiêu diệt.

Hải quân Mỹ cũng dự định phát triển các nhóm thiết bị bay có chi phí rẻ hơn giá thành một tên lửa. Họ phát triển phần mềm cho phép các nhóm thiết bị bay phụ có thể chia ra thực hiện nhiều nhiệm vụ nhất định, hoặc để các thiết bị bay mới bay nhập vào đàn liên tục.

Một cường quốc khác trong lĩnh vực này là Trung Quốc, vốn từ lâu nay đã dẫn đầu trong thị trường thiết bị bay tiêu dùng cỡ nhỏ. Chỉ riêng Công ty DJI của Trung Quốc đã chiếm tới 70% thị phần thiết bị bay toàn cầu, và giờ đây quân đội Trung Quốc đang nghiên cứu xem có thể làm gì với công nghệ mới này. Hồi tháng 12-2016, tại một triển lãm hàng không, Tập đoàn quốc doanh Công nghệ điện tử Trung Quốc (CETC) trình chiếu một video với 70 thiết bị bay bay cùng nhau.

Thiết bị bay tạo thành nhóm và cùng nhau thực hiện một nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo. Các vật thể bay này có thể phối hợp "tấn công tập trung" nhắm vào bệ phóng tên lửa của kẻ thù. Tất cả chúng đồng thời lao vào tấn công cùng một lúc từ nhiều hướng khiến hệ thống phòng thủ bị tê liệt.

Có lẽ một trong những kế hoạch tham vọng nhất là dự án của Lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ với hàng loạt thiết bị bay sử dụng trên bộ, trên biển và trên không. Đây có thể được sử dụng làm làn sóng tấn công đầu tiên vào bờ biển để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, phát hiện và có thể tấn công đối phương trước khi binh lính đổ bộ.

Thiết bị bay đang trở nên ngày càng nhỏ hơn, chế tạo rẻ hơn.

Nhóm thiết bị bay cũng có thể phòng thủ chống lại lực lượng thiết bị bay từ kẻ thù. Để khám phá khía cạnh này, Lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ thiết lập một trò chơi chiến tranh giữa các thiết bị bay (đã có thiết bị bay được thiết kế để bắt giữ thiết bị bay của kẻ thù). Thiết bị bay siêu nhỏ có thể được sử dụng làm gián điệp, thám thính, hoặc thu thập tin tức tình báo.

Cơ quan Nghiên cứu dự án quốc phòng cao cấp (Darpa), một cơ quan khoa học cao cấp của Lầu Năm Góc, dự định trang bị cho bộ binh thiết bị bay thám sát riêng, đặc biệt dùng trong các khu vực đô thị và bên trong các tòa nhà.

"250 thiết bị bay nhỏ có thể kiểm soát sáu tòa nhà thành phố", Stephen Crampton từ Hệ thống nhóm thiết bị bay cho biết. Các nhóm thiết bị bay có thể "tự tổ chức thành nhiều nhóm nhỏ đem lại thông tin hữu ích, chẳng hạn như “cho chúng ta biết nguy cơ với vị trí của mình".

Công nghệ đàn thiết bị bay không người lái hiện vẫn còn rất sơ khai. Nhưng nó sẽ tiến hóa rất nhanh. Trên lý thuyết, đàn thiết bị bay có thể đánh bại bất cứ vũ khí hiện đại nào, và có thể tấn công với hỏa lực đủ chính xác để hủy diệt trên quy mô rộng lớn. Tác động của chúng có thể trở thành đối thủ của công nghệ súng máy: bất cứ ai không sở hữu nhóm thiết bị bay có thể nhanh chóng bại trận trên chiến trường.

Trang Thuần (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/moi-de-doa-tu-nhung-thiet-bi-bay-sieu-nho-570863/