Mời chuyên gia Mỹ đánh giá chiếu xạ nông sản cho Toàn Phát

Liên quan đến việc Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát muốn gia nhập thị trường chiếu xạ trái xây xuất khẩu vào Mỹ mà Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã phản ánh, UBND tỉnh Long An - địa phương nơi đặt trụ sở nhà máy - đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mời chuyên gia của Mỹ sang kiểm tra, đánh giá và cấp mã số đủ điều kiện chiếu xạ cho đơn vị này.

 Long An đề nghị Cục Bảo vệ thực vật mời chuyên gia của Cục kiểm dịch thực vật Mỹ sang đánh giá, cấp mã số đủ điều kiện chiếu xạ trái cây xuất khẩu cho Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát. Trong ảnh là nhân công đóng gói trái cây xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Long An đề nghị Cục Bảo vệ thực vật mời chuyên gia của Cục kiểm dịch thực vật Mỹ sang đánh giá, cấp mã số đủ điều kiện chiếu xạ trái cây xuất khẩu cho Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát. Trong ảnh là nhân công đóng gói trái cây xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Ông Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An đã ký văn bản số 1569/UBND-KTTC về việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình chiếu xạ trái cây tươi.

Theo đó, tại văn bản này, ông Cảnh cho biết, Công ty TNHH chiếu xạ Toàn Phát (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) là đơn vị đã được Cục BVTV công nhận là nhà máy đủ tiêu chuẩn chiếu xạ quả tươi xuất khẩu. “Tuy nhiên, để được tham gia, công ty cần được Cục kiểm dịch thực vật Mỹ (Aphis) xem xét và phê chuẩn đủ điều kiện chiếu xạ trái cây tươi xuất khẩu vào thị trường Mỹ”, ông Cảnh cho biết.

Về việc mời Aphis sang xem xét cho Toàn Phát, theo ông Cảnh, việc này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Cục BVTV chủ trì giải quyết hay nói cách khác Cục BVTV có trách nhiệm mời chuyên gia Aphis sang đánh giá, cấp mã số đủ điều kiện chiếu xạ cho doanh nghiệp.

Chính vì vậy, ông Cảnh đề nghị Cục BVTV tạo điều kiện, hỗ trợ có thư mời các chuyên gia phía Mỹ đến Việt Nam làm việc theo đề nghị của Toàn Phát. “Mọi chi phí của đoàn chuyên gia Aphis đến Việt Nam sẽ do Công ty TNHH chiếu xạ Toàn Phát chi trả”, ông cho biết.

Liên quan vấn đề nêu trên, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã lên tiếng phản ánh về những bất cập trong việc tạo điều kiện để một doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường chiếu xạ trái cây xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Theo đó, quy định hiện nay thể hiện, bất kỳ một doanh nghiệp chiếu xạ trái cây nào muốn tham gia thị trường đều phải đạt một thỏa thuận về tài chính với Công ty cổ phần chế biến thủy hải sản Sơn Sơn - đơn vị quản lý nhà máy chiếu xạ duy nhất hiện nay là Nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn.

Lý do của vấn đề nêu trên vì Sơn Sơn đứng ra chịu trách nhiệm cam kết tài chính với Mỹ nên đơn vị này được công nhận là “Cooperator”.

Điều 2.3 của Irradiation Operational Work Plan (Bản kế hoạch hoạt động chiếu xạ) định nghĩa Cooperator là đơn vị được công nhận chính thức đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà đóng gói, và các cơ sở chiếu xạ tại Việt Nam để ký kết kế hoạch tài chính với Aphis (mời xem thêm bài: “Chiếu xạ trái cây: sân chơi không thể một mình”).

Thực hiện theo nguyên tắc trên, Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát đã có công văn gửi Công ty Sơn Sơn cam kết đóng góp tài chính cho quá trình vận hành, quản lý chương trình với mục đích thiết lập một thỏa thuận chính thức về tài chính giữa hai bên (Sơn Sơn và Toàn Phát) nhằm đảm bảo chi phí cho các chuyên gia Aphis đi về Việt Nam kiểm tra, quản lý chương trình.

Tuy nhiên, phía Công ty Sơn Sơn đã cố tình gây khó dễ khi cho rằng: “Hiện nay Sơn Sơn đang thực hiện chương trình tài khóa với Aphis còn dang dở. Sự tham gia đột ngột này (của Toàn Phát) sẽ ảnh hưởng đến tài chính và kế hoạch chiến lược kinh doanh, gây thiệt hại cho công ty và khách hàng”. Thế nhưng, Sơn Sơn cố tình che giấu thông tin về thời điểm bắt đầu và kết thúc tài khóa mà đơn vị này đã ký với Aphis.

Trao đổi với phóng viên, ông Vương Hiếu, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát cho biết, đơn vị này muốn Sơn Sơn minh bạch tài khóa đã ký với Aphis. Ông Hiếu dẫn quy định của Aphis về tài khóa cho biết, một năm tài khóa bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc trước 31-5 năm sau. Trong đó, việc thực hiện cam kết tài chính được chia ra làm bốn đợt gồm: đợt một, bắt đầu từ tháng 9 hàng năm; đợt hai, kết thúc trước 30-11; đợt 3 kết thúc trước 1-3 và đợt cuối cùng phải kết thúc trước 31-5 hàng năm.

Liên quan việc này, ông Nguyễn Hữu Đạt, nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II thuộc Cục BVTV cũng cho rằng quỹ tín thác (còn gọi là cam kết tài chính với Mỹ) cho năm tài khóa mới bắt đầu từ tháng 9-2019, có thể được chia đều cho hai đơn vị Sơn Sơn và Toàn Phát và nên được chuẩn bị ngay từ bây giờ, tức tháng 4 và tháng 5-2019.

Theo ông Đạt, Cục BVTV nên đề nghị Aphis cử chuyên gia sang kiểm tra Nhà máy Chiếu xạ Toàn Phát ngay từ bây giờ để đơn vị này kịp tham gia năm tài khóa mới (từ tháng 9-2019 tới).

Chính những vấn đề nêu trên, UBND tỉnh Long An đã chính thức có văn bản đề nghị Cục BVTV phải mời chuyên gia của phía Mỹ sang đánh giá, xem xét cấp mã số để Toàn Phát được gia nhập thị trường chiếu xạ xuất khẩu trái cây vào Mỹ.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/287811/moi-chuyen-gia-my-danh-gia-chieu-xa-nong-san-cho-toan-phat.html