Mỗi chiếc nón là một khoang trời tạnh

Nhà Lý luận phê bình (LLPB) văn học Đinh Quang Tốn viết câu thơ 'Mỗi chiếc nón là một khoang trời tạnh' trong một chiều mưa của mùa hè năm 1972, khi ấy đơn vị ông đóng quân ở Ninh Bình. Trận mưa chiều xối xả đổ xuống cánh đồng trước mặt đã gợi nhớ quê da diết trong lòng người lính trẻ. Nhớ mẹ, nhớ cánh đồng làng, nhớ những bóng người lam lũ dưới mưa.

Sinh ra và lớn lên ở quê mẹ, xã Thổ Hoàng (nay là thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), ngay từ nhỏ cậu bé Tốn đã say mê đọc truyện. Thời ấy sách truyện cực kỳ hiếm, lại càng hiếm hoi ở một làng quê cách xa đường cái, cậu vớ được sách là đọc, đọc kỳ xong rồi mới vội về nhà vục nồi tìm cơm nguội.

Chẳng hiểu cái tên "Thổ Hoàng" có ý nghĩa thế nào nhưng có một điều khiến những người con ở đây luôn tự hào bởi đấy chính là quê hương của Hoàng Giáp Nguyễn Trung Ngạn, một Đại thần được xếp vào hàng "Người phò tá công lao tài đức đời Trần".

Chuyện kể rằng: Nguyễn Trung Ngạn được Vua Trần cử đi sứ sang bên nhà Nguyên. Triều đình nhà Nguyên biết ông có tài nên lôi kéo, dụ dỗ nhưng Nguyễn Trung Ngạn một mực chối từ. Để tỏ rõ lòng mình với đất nước Đại Việt nên Nguyễn Trung Ngạn đã làm bài thơ "Quy hứng" nổi tiếng với những câu thơ "Dâu già lá rụng tằm vừa chín/ Lúa sớm bông thơm cua béo ghê/ Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt/ Dẫu vui đất khách chẳng bằng về".

Nhà lý luận phê bình Đinh Quang Tốn.

Nhà lý luận phê bình Đinh Quang Tốn.

Bài thơ thoạt ngỡ như chuyện dân gian vậy mà đầy khí khái ấy đã gieo vào lòng người thầy giáo dạy văn Đinh Quang Tốn những dư âm khôn khuây. Và anh giáo trẻ trong một đêm day dứt đã ngồi bên bàn viết để viết lên bài bình sâu sắc. Không ngờ bài bình thơ đầu tay ấy được in trên Tạp chí Văn nghệ Hải Hưng (1981) và như một "nẻo vào" sự nghiệp LLPB của Đinh Quang Tốn sau này.

Nhưng cũng như nhiều người yêu và say mê văn học, Đinh Quang Tốn đến với thơ trước, với nhiều ước vọng. Những bài thơ lần lượt được viết ra nhưng dường như "thơ không bén duyên" với chàng trai trẻ. Tuy nhiên bài thơ đầu đời được in báo mãi là một kỷ niệm đẹp: "Tối nay cô đến thăm em/ Trăng vàng lai láng hương sen đón chào/ Ôi lời cô nói ngọt ngào/ Gió ơi có giọng hát nào hay hơn".

Nhà LLPB Đinh Quang Tốn cười bẽn lẽn như hồi ban đầu mới tập tọe làm thơ, ông cho hay: "Năm 1971 chúng tôi về trường cấp 3 Tiên Lữ (Hải Hưng). Sống giữa sự chân thật của các cô cậu học trò quê nghèo nên cánh sinh viên thực tập cũng có nhiều bịn rịn. Tôi viết bài thơ ngắn ấy để tặng các em như cách muốn thay lòng mình cảm ơn các em về tình cảm đã dành cho chúng tôi. Chẳng dè bài thơ ấy không biết là ai đã gửi về Tạp chí Văn nghệ Hải Hưng. Bài thơ in báo đầu tay ấy cũng phải mãi đến năm 1974 khi tôi đi bộ đội về mới được bạn bè cho biết".

Đâu như họ Đinh làng Thái Hòa, xã Yên Phương, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định vốn là một nhánh họ Đinh bên Ninh Bình di sang. Nhưng vào cái thời chữ Nho thoái trào nên ông Khóa sinh Đinh Quang Vân phải rời xa làng quê để lăn lộn khắp trong Nam ngoài Bắc mưu sinh. Đường đời phiêu dạt đã đưa ông Khóa Vân dừng chân ở Thổ Hoàng.

Nghe chuyện xa xưa ấy, tôi nói vui: "Chuyện ông cụ nhà mình sao giống hoàn cảnh "Anh Khóa ơi, em tiễn anh ra tận bến tàu/ Đôi tay em đỡ cái khăn trầu, em lấy đưa anh/ Tay trầu giọt lệ chạy quanh/ Anh xơi một miếng cho bõ tình em nhớ thương" trong bài thơ "Tiễn chân anh Khóa xuống tàu" của Á Nam Trần Tuấn Khải thế" và tôi nói tiếp: "Bác không chỉ là con nhà nho mà còn có dòng dõi nhà Đinh đấy".

Ông Tốn cười: "Hồi ông cụ tôi còn sống, mỗi khi Tết đến, nhà luôn có khách. Toàn là người làng và người ở mấy làng bên sang xin ông cụ tôi đôi chữ cầu tài cho con cháu. Tôi yêu văn học chắc cũng từ cái lộc chữ nghĩa do ông cụ để lại".

Anh em chúng tôi vốn có tí chút "người làng" lâu lâu mới gặp nên chuyện văn chương lân sang chuyện đời. Tháng 1 năm 1972, chàng sinh viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội Đinh Quang Tốn đã "gia nhập" lứa sinh viên "xếp bút nghiên lên đường ra trận" khi chỉ còn đúng một học kỳ nữa là thành thầy giáo.

Cuộc đời chiến sĩ tuy không dài, chỉ chừng hai năm nhưng cũng đủ cho người trai trẻ mơ mộng văn chương nhiều chiêm nghiệm. Và bài thơ "Đồng mưa" được viết ra như một tiếng lòng tri ân tới quê hương, tới mẹ. Anh đã viết: "Mưa tầm tã mà cánh đồng rộn rã/ Hối hả trâu đi/ Náo nức mạ xuống đồng/ (Mỗi chiếc nón là một khoang trời tạnh)/ Ì oạp tiếng gầu đổ nước ra sông"...

Bài thơ không chỉ nói về cơn mưa xối xả đổ xuống trên đồng quê mà ở đó người viết đã "phát hiện" ra một chi tiết thuộc loại "hiếm có khó tìm", câu thơ "Mỗi chiếc nón là một khoang trời tạnh" thực là tài hoa, thực là tinh tế. Hình ảnh người nông dân, hình ảnh người mẹ lầm lụi đội mưa, dầm mình trong nước những tưởng sẽ cho thấy một sự âu sầu vậy mà chợt sáng lên, chợt ấm lòng bởi chính chiếc nón lá quê hương. Câu thơ đẹp và sáng ấy từng được một nhà thơ lớn tình cờ đọc được trên báo và được ghi chép vào sổ tay của mình để rồi tròn 47 năm sau, nhà thơ lớn ấy đọc to lên làm bao người rưng rưng xúc cảm...

Tác phẩm mới nhất của nhà lý luận phê bình Đinh Quang Tốn.

Tuy đã in 2 tập thơ ("Trăng suông", NXB Hội Nhà văn, 2006 và "Sóng đôi", NXB Hội Nhà văn, 2018) nhưng cảm xúc, cảm nhận văn chương của Đinh Quang Tốn lại nghiêng về mảng phê bình văn học. Hỏi ông vì sao lại thế thì ông cười: "Có lẽ tại nghiệp làm thầy nên mình quen với phân tích rồi bình giảng hơn là sáng tác". Nghe ông nói vậy tôi thấy cũng có lý.

Năm 1974, Đinh Quang Tốn trở lại giảng đường đại học và ông bắt đầu sự nghiệp làm thầy giáo dạy văn từ đó. Có điều ông không dạy văn trong trường phổ thông mà lại dạy văn ở một trường THCN thuộc Bộ Thủy sản rồi tiếp theo ở Bộ Mỏ - Địa chất. Những năm tháng làm thầy trong môi trường của một trường nghề đã tạo điều kiện cho ông một cách nhìn văn học, cách tiếp cận văn học và giảng giải văn học được rộng mở hơn.

Ông thầy dạy văn Đinh Quang Tốn tích cực làm thơ và viết bài phê bình cho Tạp chí Văn nghệ Hải Hưng. Đầu tiên là trải lòng mình và tiếp theo là để thử sức mình. Những bài viết, những trang viết phê bình của ông thời kỳ nửa cuối thập kỷ tám mươi của thế kỷ hai mươi thực sự tạo được dấu ấn. Ông trở thành Hội viên lứa đầu khi hội Văn nghệ Hải Hưng (sau này tách ra thành 2 tỉnh Hưng Yên và Hải Dương) khi Hội được thành lập năm 1978.

Năm 1989, Đinh Quang Tốn thôi hẳn nghiệp làm thầy để chuyển sang làm công tác VHNT chuyên nghiệp, ông được bầu vào BCH Hội Văn nghệ Hải Hưng và năm sau được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội.

"Làm thế nào mà bác lại sang bên Công an nhỉ?" - Tôi buột miệng hỏi. Nhà LLPB Đinh Quang Tốn tủm tỉm (xưa nay ông ăn nói thường nhẹ nhàng và cười tủm tỉm kiểu thâm thúy của các nhà phê bình), ông bảo: "Cũng là tình cờ thôi. Hồi đó mình đang làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ Hưng Yên kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Phố Hiến của Hội thì bén duyên với công tác kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, rồi từ đó sang Bộ Công an. Cũng vẫn vậy thôi. Sang công an mình làm Văn phòng rồi tiếp tục làm báo, phụ trách mảng văn học nghệ thuật của báo và vẫn viết phê bình".

Vẫn viết phê bình, giản dị mà tôi thấy ở đó sự gắn bó với "nghiệp" cho dù có thay đổi đơn vị công tác, thay đổi nghề công tác. Cho tới nay nhà LLPB Đinh Quang Tốn đã xuất bản 8 tập phê bình văn học. Tập phê bình đầu tay "Cánh diều và mặt đất" do NXB Văn học ấn hành năm 1995 ngay từ khi ra mắt đã tạo được chú ý của giới học thuật với Tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam.

Và chính tập sách này đã là "chứng chỉ" để Đinh Quanh Tốn trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam một năm sau đó. Năm 2009 ông nhận được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam với tập phê bình "Tản mạn nghiệp văn", một sự đánh giá và ghi nhận đúng đắn cho những đóng góp của ông đối với lĩnh vực phê bình văn học còn nhiều việc phải làm hiện nay.

Chuyện trò anh em rồi cũng đến lúc phải tạm biệt. Nhà LLPB Đinh Quang Tốn lại tủm tỉm cười nhưng lần này là cái cười tủm tỉm chân tình anh em, ông rút bút nắn nót viết lời đề tặng vào tập phê bình mới nhất, tập "Văn chương kỳ diệu" mà NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 12 năm ngoái. Ông bảo: "Mình về hưu rồi, có nhiều thời gian để chuyên tâm viết phê bình".

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/moi-chiec-non-la-mot-khoang-troi-tanh-574901/