Mỗi câu ví, giặm đều ẩn chứa hình ảnh con người Hà Tĩnh

Ngày xuân, khi trong không gian vang lên những làn điệu dân ca ví, giặm, lòng tôi lại không khỏi bồi hồi, dậy lên niềm tự hào sâu kín. Mỗi câu ví, điệu giặm đều ẩn chứa hình ảnh đẹp đẽ của con người Hà Tĩnh, để hậu thế có thể noi bóng tiền nhân mà học tập, lao động và cống hiến…

Tiết mục "Trai phường nhủi gặp gái Đồng Môn" của CLB dân ca ví, giặm phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh) tại Liên hoan các CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh toàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2020.

Nằm trên eo đất miền Trung, Hà Tĩnh là nơi có khí hậu khắc nghiệt lại chịu nhiều cảnh giặc giã của vùng đất “phên dậu”. Chính vì thế, con người ở đây rất cần cù, chịu khó, kiên cường, dũng cảm và kiên định, lạc quan. Hơn thế nữa, người Hà Tĩnh cũng rất đoàn kết, chan hòa, nhân ái, hào hoa và thông minh, sáng tạo. Điều đó biểu hiện rất rõ trong cả nội dung và hình thức diễn xướng của dân ca ví, giặm.

Xẩm “Tiên Điền cõi thiêng” do CLB Việt Tiến biểu diễn.

Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt cộng với các cuộc chiến tranh đã khiến nỗi vất vả của người nông dân Hà Tĩnh tăng thêm bội phần. Và hát ví, hát giặm cũng chính là nơi để họ chia sẻ với nhau những nỗi vất vả trong đời sống. Hát không chỉ là sự giãi bày trong lao động, hát còn mang tính du hý vào những dịp hội hè, tết nhất, đình đám, thi thố tài năng; là lời tự sự, tự tình; là cuộc đối đáp giao duyên giữa những lứa đôi trai gái v.v…

Trong dân ca ví, giặm, ta cũng có thể gặp rất nhiều câu hát nhấn mạnh tính cách khảng khái, coi trọng tình cảm của người xưa. Ấy là tình cảm thủy chung, sâu nặng: “Bao giờ Ngàn Hống hết cây/ Sông Rum hết nước thì đó với đây mới hết tình”.

Lời cổ của dân ca ví giặm thường có tính giáo dục rất cao.

Ấy là những lời giáo huấn, khuyên răn nhau sống trọng tình, trọng nghĩa: “Muốn cho tình nghĩa lâu dài/ Đừng coi của trọng hơn người mà hư”; “Khăn nâu áo vải là thường/ Cốt trau cho được luân thường là hơn”; “Xung quanh những họ cùng hàng/ Coi nhau như ngọc như vàng mới nên”. Là tình cảm gia đình sâu nặng: “Trời mưa chiếu ướt đằm đằm/ Chỗ ướt mẹ nằm, con ngủ nơi khô”; “Mấy lâu buôn bán nuôi con/ Áo rách mặc áo, vai mòn mặc vai”; “Mỗi đêm thắp một đèn trời/ Cầu cho cha mẹ ở đời với con”…

Đặc biệt, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh nói chung, Hà Tĩnh nói riêng còn thu hút sự tham gia của các văn nhân. Bởi thế, trong dân ca ví, giặm còn có bóng dáng con người Hà Tĩnh hào hoa, nho nhã, thông minh và đầy ân tình. Trong đó, ví phường vải Trường Lưu (nay thuộc xã Kim Song Trường - Can Lộc), ví Đan Du (xã Kỳ Thư - huyện Kỳ Anh) là những làn điệu ghi dấu sự tham gia ấy rõ nhất.

Chuyện xưa kể lại, trong những năm tháng ở quê nhà, chàng trai phường nón Tiên Điền Nguyễn Du lấy cớ sang thăm cháu gái (là con của Nguyễn Khản lấy Nguyễn Huy Tự) nhưng thực chất để gặp gỡ, giao lưu với những tài năng nơi mảnh đất Trường Lưu.

Để từ đó, ví phường vải Trường Lưu được thăng lên một bậc với những lời đối đáp thông minh, dí dỏm, ý nhị: “Là người ơi/ Đến đây hò hát vui xuân/ Khấu đầu lạy tạ trước sân làm gì? - Đất chi có đất lạ lùng/ Bấm thì chẳng chịu, nằm cùng lại cho”…

Ví phường vải Trường Lưu trên sân khấu Liên hoan dân ca ví giặm. Ảnh tư liệu

Nhiều câu chuyện giữa Nguyễn Du với những cô gái Trường Lưu còn lưu lại trong dân gian, lưu lại trong bài “Thác lời trai phường nón” và “Văn tế Trường Lưu nhị nữ” như những câu chuyện tình sâu lắng, nhân văn.

Cũng giống như làng Trường Lưu, hát ví làng Đan Du không những để lại nhiều câu hát đặc sắc mà còn sản sinh ra những nghệ nhân tài danh như o Tộ, o Nộ, ông Việm, ông Liện... Đặc biệt nhất là o Nhẫn - một tài năng hiếm có. Dù xuất thân là nông dân nghèo, không được học hành nhưng vốn dĩ thông minh lại được tiếp xúc với nhiều văn nhân, tài tử trong vùng nên o Nhẫn có lối hát ví sắc sảo, uyên thâm.

Điều đó thể hiện trong những màn đối đáp dí dỏm, tài tình: “Người ta bắt cáy đầy oi/ Răng em bắt được nạm cáy ròi rứa em - Lòng thương dạ nhớ thầy nho/ Chân buồn tay rụ, ai bắt cho mà đầy?”; hoặc “Nước lên nhân nhẫn bờ rào/ Thuyền người ta sang cả, em cầm trào đợi ai - Mặc nước lên nhân nhẫn bờ rào/ Em đợi người tri kỷ cầm trào cho em sang”; hay khi bị chọc ghẹo: “Nhất cao là núi Hoành Sơn/ Lắm hươu Bàn Độ, to lườn chợ Voi”, o Nhẫn đáp: “Chữ rằng nhân kiệt địa linh/ Có Hoành Sơn, Bàn Độ mới dĩnh sinh anh tài”…

Về sau, trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong đời sống hiện nay, dân ca ví, giặm tiếp tục khắc họa hình ảnh con người Hà Tĩnh mới. Nổi lên trong các bài giặm, bài vè, các vở kịch hát dân ca như: Thần sấm ngã, Không phải tôi, Đốm lửa núi Hồng, Soi vào quá khứ…, là những con người sôi nổi, năng động, yêu nước, sẵn sàng xả thân để bảo vệ Tổ quốc, không ngừng nỗ lực lao động, sáng tạo để xây dựng và kiến thiết quê hương, đất nước.

Dân ca ví, giặm vì thế cũng có một sức sống ngày càng mạnh mẽ trong đời sống Nhân dân.

Anh Hoài

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nui-hong-song-la/moi-cau-vi-giam-deu-an-chua-hinh-anh-con-nguoi-ha-tinh/206734.htm