Mỗi cái nắp cống cũng không làm được?

Chỉ sau một thời gian ngắn, các hố ga nhanh chóng xuống cấp, lồi lên hoặc lõm xuống, tạo ra những hình ảnh phản cảm trên mặt đường.

Mặt đường tại ngã tư Lê Duẩn - Khâm Thiên chi chít hố ga. Ảnh: FB Thanh Sơn

Mặt đường tại ngã tư Lê Duẩn - Khâm Thiên chi chít hố ga. Ảnh: FB Thanh Sơn

Mới đây, bức ảnh chụp lại mặt đường nham nhở với hơn chục hố ga lồi lõm, chắp vá tại ngã tư Khâm Thiên - Lê Duẩn thu hút nhiều sự quan tâm của cư dân mạng.

Chứng kiến hình ảnh này, nhiều người không kìm nén được bức xúc: “Đặc sản ở Hà Nội là nắp cống nằm chi chít tại các ngã tư, các điểm giao nhau. Đặc biệt là lúc rẽ, xe bạn kiểu gì cũng dẫm phải 1 cái nắp cống”; “Nhiều tuyến đường Hà Nội trải nhựa rõ đẹp mà tự dưng lòi ra mấy cái nắp cống mấp mô, nguy hiểm. Đường thì làm được mà mấy cái nắp cống chả lẽ không thể làm đẹp như đường”...

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, ngoài nút giao Lê Duẩn - Khâm Thiên, đường Nguyễn Lương Bằng dù mới được cải tạo, thảm nhựa từ cuối năm 2019, nhưng thời điểm hiện tại, bề mặt của tuyến đường này cũng đang trở nên nhếch nhác bởi sự tồn tại của gần 10 hố ga với đủ loại hình thù, hố lồi, hố lõm nhìn rất phản cảm.

Hay tại đường Khuất Duy Tiến (đoạn từ nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đến ngã tư Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương), hố ga cũng xuất hiện với mất độ dày đặc, có dấu hiệu xuống cấp, có vị trí hố ga sâu từ 5 - 7cm so với mặt đường, mỗi lần xe máy đi qua không kịp tránh, nguy cơ tai nạn luôn thường trực.

Ths. Vũ Anh Tuấn, Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, hệ thống hố ga trên các trục đường giao thông tại các đô thị lớn chưa đảm bảo được mỹ quan, còn nhiều hình thù, cao độ khác nhau là do quá trình thiết kế đã “bỏ quên” yếu tố tích hợp.

“Đường đô thị không chỉ có chức năng phục vụ thuần túy về không gian lưu thông của xe cộ. Nó còn để bố trí nhiều hạ tầng kỹ thuật ngầm gồm: Điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc… Tuy nhiên, ngay từ khâu thiết kế, các hệ thống ngầm lại không được tích hợp, sử dụng chung một diện tích, khuôn mẫu mà tách biệt với nhau.

Hậu quả, cứ mỗi hệ thống mới phát sinh lại phải cắt xén công trình giao thông, đặt những hố ga không được thiết kế ngay từ đầu. Mỗi hố ga lại do một đơn vị quản lý, xây dựng dẫn đến sự lệch lạc về thẩm mỹ, chất lượng”, Ths. Tuấn nói.

Cũng theo Ths. Tuấn, hầu hết hố ga tại Việt Nam làm theo phương pháp thủ công, sự sai lệch về thông số kỹ thuật, cao độ giữa mặt hố ga và bề mặt đường trong quá trình bổ sung/chỉnh sửa. Đó là lý do, chỉ sau một thời gian ngắn, các hố ga nhanh chóng xuống cấp, lồi lên hoặc lõm xuống, tạo ra những hình ảnh phản cảm trên mặt đường.

Vì thế, thời gian tới, Việt Nam cần có cơ quan chuyên trách quản lý về hạ tầng kỹ thuật ngầm để xây dựng nên cơ sở dữ liệu ngầm chung. Khi có một tuyến đường mới, cơ quan này sẽ có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các phương án tích hợp các hạ tầng như: Cáp, đường dây thông tin vào chung một vị trí, tránh tình trạng một giao lộ có tới 10 - 20 hố ga tồn tại trên nhiều tuyến phố như hiện nay.

Mặt khác, quá trình thi công, hạ ngầm trên các trục đường, các cấp chức năng cũng cần lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện dự án theo đúng thiết kế; Đồng thời, phải thiết lập đơn vị giám sát thường xuyên để có giải pháp bảo trì kịp thời, đảm bảo chất lượng công trình và mỹ quan đô thị.

Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/moi-cai-nap-cong-cung-khong-lam-duoc-d459184.html