Môi ấm ngày mưa

Những ngày mưa Ngâu dầm dề, quán chè chén của bà ngoại tôi thường vắng khách. Nhưng trời mưa bà vẫn dọn hàng. Bà bày những lọ thủy tinh đựng kẹo lạc, kẹo vừng, chè lam, bánh quế, và khay cốc chén sạch bong lên chiếc bàn gỗ nhỏ kê sát hàng rào hoa móng rồng, trông ra vỉa hè rộng thênh thang. Bà đun nước sôi, hãm trà trong cái ấm giỏ mây. Đợi trà thật ngấm, bà rót một chén đặt vào khay sứ nhỏ, sai tôi mang lên nhà mời ông ngoại. Rồi bà rót một chén cho mình, ngồi xuống ghế mây có lưng dựa thấp, mở cuốn Truyện Kiều giấy đã ố vàng ra, vừa trông hàng, vừa ngâm ngợi. Thỉnh thoảng, bà thong thả nhấp từng ngụm trà nhỏ. Chỉ khi có tiếng ai đó gọi: 'Bà Giáo ơi, bán cháu ít dưa cải sen nào!', bà mới buông sách đứng dậy, vào bếp lấy dưa cho khách. Hàng xóm gọi bà là bà Giáo, bởi ông ngoại tôi là thầy giáo thời Pháp thuộc. Khi tôi còn bé thì ông đã về hưu đến gần hai chục năm. Bà mở quán chè ch&

Những ngày mưa Ngâu dầm dề, quán chè chén của bà ngoại tôi thường vắng khách. Nhưng trời mưa bà vẫn dọn hàng. Bà bày những lọ thủy tinh đựng kẹo lạc, kẹo vừng, chè lam, bánh quế, và khay cốc chén sạch bong lên chiếc bàn gỗ nhỏ kê sát hàng rào hoa móng rồng, trông ra vỉa hè rộng thênh thang. Bà đun nước sôi, hãm trà trong cái ấm giỏ mây. Đợi trà thật ngấm, bà rót một chén đặt vào khay sứ nhỏ, sai tôi mang lên nhà mời ông ngoại. Rồi bà rót một chén cho mình, ngồi xuống ghế mây có lưng dựa thấp, mở cuốn Truyện Kiều giấy đã ố vàng ra, vừa trông hàng, vừa ngâm ngợi. Thỉnh thoảng, bà thong thả nhấp từng ngụm trà nhỏ. Chỉ khi có tiếng ai đó gọi: “Bà Giáo ơi, bán cháu ít dưa cải sen nào!”, bà mới buông sách đứng dậy, vào bếp lấy dưa cho khách. Hàng xóm gọi bà là bà Giáo, bởi ông ngoại tôi là thầy giáo thời Pháp thuộc. Khi tôi còn bé thì ông đã về hưu đến gần hai chục năm. Bà mở quán chè ch&

“Dưa cà bà Giáo” là “thương hiệu” ngon nức tiếng đoạn phố này. Bà thường trông trời đất để muối dưa. Ngày nắng to, bà xuống chợ Đuổi mua dưa cải bẹ về, phơi tàu cải qua một nắng cho héo đi, rồi mới rửa sạch, cắt khúc chừng hai đốt ngón tay, phơi thêm chút nữa cho ráo nước, cắt cả hành lá và đầu hành trắng trộn lẫn cho thơm, sau đó trút dưa vào một cái vại sành. Nước đun sôi để nguội âm ấm, pha muối tinh vừa đủ, nêm một xíu đường, dội đến sâm sấp mặt dưa, chèn trên cùng một cái vỉ đan bằng tre, lèn cho dưa chìm hẳn trong nước muối. Qua một đôi ngày, vào bếp là ngửi thấy mùi dưa cải cay nồng vương vất. Tôi thích sán lại lúc bà mở vại gắp dưa vừa muối ra, nhón một cọng dưa giòn giòn chua chua cay cay, nếm thử. Vị hăng hăng ùa vào miệng, xộc thẳng lên mũi, lan quanh thái dương, rất dễ chịu. Hồi ấy tôi chừng sáu tuổi, nhưng đã biết thích thú thưởng thức cái cay tê tê của dưa cải sen vừa ngấu. Dưa ăn cùng thịt quay giòn bì, thịt kho tàu hay thịt đông thì phải nói là “thủng nồi trôi rế” mới thôi. Nhưng cuối những ngày mưa, bà thường vớt nốt chỗ dưa còn trong vại, vắt nhẹ cho bớt nước chua, nấu nồi canh dưa với cà chua, lạc và tóp mỡ. Món ăn thanh đạm dân dã thế, mà qua bàn tay khéo léo nấu nướng nêm nếm của bà đã trở thành một món đặc biệt đối với tôi; Bà vốc một nắm lạc trữ trong cái hộp sữa bột cũ, ngâm vào nước ấm cho lạc mềm, tỉ mẩn bóc hết lớp vỏ nâu, rồi dùng chày nhỏ giã nhẹ, chỉ làm giập hạt lạc thôi, chứ không để nát; Nếu không bóc vỏ, nếu giã lạc quá tay, nước canh dưa sẽ bị đục và đỏ quạch. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, phi hành mỡ thơm lừng lên, xào dưa với cà chua, tóp mỡ và lạc thật ngấu, đổ nước sôi vào đun đến khi dưa mềm là được. Múc bát canh ra, nước phải sánh lại, ánh màu hổ phách; những miếng tóp mỡ, những mẩu lạc tí hin lấp ló như đang chơi trốn tìm dưới lớp dưa quấn mỡ ong óng và những lát cà chua đỏ lựng. Canh dưa lạc có đủ vị chua ngọt bùi béo, ăn ghém với rau diếp, rau húng Láng, rau mùi, cực kỳ đưa cơm; Thêm vài bìa đậu Mơ rán giòn, chấm nước mắm pha chanh tỏi ớt cho ông nhắm rượu. Thực đơn ngày mưa giản dị mà ấm lòng, ấm môi, mà ngon nhớ đời!

Thời gian ở Paris, tôi sống trong căn áp mái của một tòa nhà cũ, trên con phố nhỏ vắng người, nội thất được tu sửa lại khang trang, hiện đại, nhưng phía ngoài vẫn giữ nguyên vẹn nét xưa, từ hoa văn của cánh cổng sơn xanh đến tay nắm đồng bóng loáng. Một ngày cuối tuần nắng đẹp, tự nhiên tôi thèm món canh dưa lạc đến mức phải lặn lội đi bus, rồi chuyển xe điện, mất bốn mươi phút lên chợ Tàu quận Mười Ba, mua dưa đóng sẵn trong túi nilon về nấu. Một túi dưa bé tí, đắt gấp chục lần mua ở nhà, chẳng bõ bèn gì. Phải cho thêm vài quả sấu đông lạnh để nước đủ chua. Canh dưa mà nước không chua thì vô duyên, nhạt nhẽo như người chẳng biết đùa, chẳng làm ai cười được. Bát canh dưa giữa trời Tây chỉ có ít dưa lõm bõm, nhưng bù lại bằng lạc, bằng tóp mỡ thật ngon, và thay vì nước sôi, tôi chế nước ninh xương cho ngọt, nên cũng không đến nỗi nào. Rau ghém là xà lách Tây cứng xoăn tít với vài cọng mùi Tây to cồ cộ. Mâm cơm hôm ấy ngoài canh dưa, rau sống, còn có cá tuyết rán giòn chấm sốt dấm tỏi ớt, rất ngon, thêm mấy quả olive xanh và dưa chuột muối, nhắm với bia mía Mexico cũng khá đưa đẩy vị.

Paris cuối tháng Tám vẫn còn mùa hạ, ngày thật dài, nhưng càng về chiều trời càng se lạnh. Chúng tôi thường ăn tối muộn. Hai mươi mốt giờ rồi mà nắng rọi xiên qua cửa sổ căn áp mái hướng tây, vương đầy lên bàn ăn, làm những váng sao li ti ánh vàng trong bát canh dưa nóng hổi lấp lánh, lấp lánh. Hình như có những ngôi sao ướt trong mắt tôi. “Em sao thế, khóc đấy à?” - Tiếng người hỏi. “Đâu, em khóc đâu!” - Tôi trả lời, bất giác quay đi, không muốn ai phải bận lòng. Vì tôi có khóc đâu, tại những ánh sao chợt băng qua một vùng ký ức, khiến nó vụt sáng, chỉ riêng tôi thấy, nhưng tôi không thể giải thích ngay lúc đó được. Tôi ngồi nhìn ra lớp lớp mái xám và cả một bầu trời hoàng hôn cháy rực. Giữa không gian yên tĩnh mà tôi như nghe tiếng mưa rơi. Tiếng mưa gõ vào cánh cửa ký ức, rồi nó mở ra hun hút, dắt tôi về mảnh sân nhà bà ngoại tôi, nơi có cây sấu già, thân to chừng một vòng tay người lớn, cành vươn cao vút lên đến tầng thượng của ngôi nhà ba tầng từ thời Pháp với hành lang rộng và những ô cửa sổ tròn như những con mắt mở thật to. Hôm nào cả gió, hay sau một trận mưa lớn, lá và quả sấu rụng đầy sân. Tôi tha thẩn nhặt sấu rụng, đựng vào cái rá nhỏ, để bà đánh dấm nước rau hay nấu canh chua, chứ canh dưa của bà thì đâu cần đến sấu...

Trong những tia nắng muộn tràn ngập bữa tối trên căn áp mái ở Paris hôm ấy, có đôi giọt mưa ký ức mằn mặn, âm ấm, rơi xuống môi tôi, dịu dàng.

NGUYỄN BẢO CHÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/doi-song-xa-hoi-hangthang/moi-am-ngay-mua-618733/