Mơhnê Xơ Hnăm Nea - Lễ mừng năm mới của người Tơ Đrăh trong cộng đồng Xơ Đăng

Đúng như ý nghĩa của lễ hội là tạ ơn Yàng đã ban sức khoẻcho buôn làng, bảo vệ cây trồng, Mơhnê XơHnăm Nea diễnra với nhiều nghi thức linh thiêng cúng Yàng đồng thời tổchức đan xen các trò thi của cộng đồng, kể những câuchuyện về anh hùng ca - sử thi v.v.. khiến không khí ngàyhội mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc...

Mỗi gia đình phải cắt cử người phục vụ trang trí lễ hội

Mỗi gia đình phải cắt cử người phục vụ trang trí lễ hội

Đặc sắc lễ mừng năm mới trên đỉnh đèo Măng Rơi

Cộng đồng Xơ Đăng sống tập trung chủ yếu ở hai huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, ngoài ra họ còn sinh sống một số ít ở các huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy, Kon Plông... cùng các huyện phía Tây tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tên gọi Xơ Đăng là do người Bahnar gọi chệch từ tên gọi của nhóm người gốc địa phương đông đảo nhất của cộng đồng Xơ Đăng là Stiang (còn gọi là Xơ Teng).

Tộc người Xơ Đăng gồm các nhóm Xơ Teng, Tơ Đrăh, Mơ Nâm, Ca Dong, Hà Lăng. Là cư dân nông nghiệp phụ thuộc vào lúa ngô nương rẫy, cũng như các tộc người khác ở Tây Nguyên, người Tơ Đrăh, cộng đồng Xơ Đăng có lễ hội khá phong phú xung quanh trục vòng đời của cây lúa rẫy. Các lễ hội đều mang tính cộng đồng nhằm bày tỏ tình cảm, nhận thức, khát vọng đối với tự nhiên, xã hội và tôn kính thần linh trong tâm thức con người.

Qua những nghi lễ bắt buộc của cộng đồng đan xen những trò vui mang lại niềm tin, sự phấn khởi hoan hỷ như lễ hội Ka B’a Neo (lễ hội ăn lúa mới); Ó Jô Kneng Tea (sửa giọt nước, cúng mừng giọt nước); Ka B’a Hiăm (ăn lúa trong kho buôn làng); Lo Chôi (tỉa lúa); Ka B’a Jê Tong (cúng Yàng ăn giống lúa thừa); Ka Lă B’a (ăn lá lúa); Ka Kơ Pô (lễ ăn trâu)... và đặc biệt là Mơhnê Xơ Hnăm Nea - còn gọi là lễ hội mừng năm mới của tộc người Xơ Đăng - nhóm Tơ Đrăh trên đỉnh đèo Măng Rơi, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Lễ hội đặc biệt này được tổ chức cả ở từng gia đình, và ở cả cộng đồng để gửi lời cảm ơn Yàng.

Thường được tổ chức vào khoảng cuối tháng 12 Dương lịch ngay sau khi lúa, hoa màu trên rẫy cho thu hoạch xong và dân buôn làng đã chở về kho, tộc người Tơ Đrăh, dân tộc Xơ Đăng bước vào tổ chức lễ Mơhnê Xơ Hnăm Nea kéo dài suốt 3 ngày liền. Đúng như ý nghĩa của lễ hội là tạ ơn Yàng đã ban sức khỏe cho buôn làng, bảo vệ cây trồng, Mơhnê Xơ Hnăm Nea diễn ra với nhiều nghi thức linh thiêng cúng Yàng đồng thời tổ chức đan xen các trò thi của cộng đồng, kể những câu chuyện về anh hùng ca - sử thi, v.v.. khiến không khí ngày hội mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Để chuyển lời cảm ơn của dân làng đến với Yàng chân thành, thực bụng, trước lễ Mơhnê Xơ Hnăm Nea hơn 1 tuần, già làng tập trung tất cả các chủ hộ tại nhà Rông để thông báo thời gian tổ chức. Mỗi gia đình phải cắt cử người đảm nhận các công việc chuẩn bị cho ngày hội như: đàn bà chuẩn bị rượu cần đã ủ trước, đi lấy củi, hái rau rừng, chặt ống nứa đựng rượu, gùi nước, dọn dẹp nhà sàn, giã gạo để đủ dùng trong ngày hội; đàn ông thì đi rừng săn bắt chim, chuột, cá... đồng thời đi đến các buôn làng lân cận mời anh em, bạn bè thân thuộc; thiếu nữ phải khẩn trương bên khung dệt để sớm dệt thành những bộ váy mới; người già cũng tìm lại váy khố truyền thống đồng thời luyện tập giọng tốt để tham gia cuộc thi kể khan..v.v...

Già làng là người duy nhất có quyền chỉ huy đàn ông, thanh niên vào rừng chặt lồ ô, nứa để trang trí cột buộc rượu, thức ăn cúng Yàng, nhà mồ... Mỗi dịp lễ Mơhnê Xơ Hnăm Nea là mỗi người trong buôn làng đều mang tâm trạng rạo rực, hết lòng đóng góp công sức cho lễ hội quan trọng này.

Những người già trong làng tập trung tại nhà Rông để kể những câu chuyện về anh hùng của cộng đồng - kể khan.

Hạt gạo - biểu tượng lòng thành kính của người Tơ Đrăh với Yàng

Buổi sáng đầu tiên của ngày hội Mơhnê Xơ Hnăm Nea, tất cả các bếp mỗi gia đình trong làng đều nhất loạt nổi lửa lên giết heo, dê, gà... tùy vào khả năng từng gia đình để cúng tế thần linh. Chủ nhà lấy ra ghè rượu ngon nhất buộc vào cột chính giữa nhà cúng Yàng, sau đó mang những phần thịt gia súc, gia cầm ngon nhất như thịt đùi, gan, tim, thận... mỗi thứ một ít chia làm 2 phần bỏ vào nửa ống lồ ô lớn đặt cạnh bên ghè rượu để cúng.

Lúc này người chủ gia đình là người vợ chấm rượu cúng Yàng và điểm lên trán mình và các thành viên trong gia đình đồng thời đọc lời khấn xin Yàng tiếp tục ban cho mọi người sức khỏe, mùa màng bội thu cùng cộng đồng buôn làng đón năm mới - mùa thu hoạch mới luôn tốt tươi không bị chim chóc, sâu bọ... phá hoại.

Sau lời khấn, chủ nhà bốc vài hạt cơm nấu bằng lúa rẫy để lên đỉnh đầu và uống kang (một đơn vị tính bằng cách thủ công của đồng bào DTTS khu vực Bắc Tây Nguyên - PV) rượu đầu tiên và lần lượt đến mọi thành viên trong gia đình. Buổi trưa, già làng là người đầu tiên đến nhà Rông đánh một hồi trống báo hiệu cho dân làng mang lễ vật mà mỗi gia đình đã chuẩn bị trước đến bày dọc theo dãy cột chính nhà Rông. Ai có gì thì mang đến, có rượu ghè ngon thì mang rượu ghè, có thịt cá thì mang thịt cá... để già làng thực hiện nghi lễ cúng Yàng mừng những ngày hội Mơhnê Xơ Hnăm Nea.

Lời khấn của già làng trong hội Mơhnê Xơ Hnăm Nea với đại ý: Ơi Yàng! Năm mới về buôn làng. Lũ làng mời Yàng về chung vui cùng chúng tôi, cùng uống rượu ghè, cùng dùng thịt cá. Cầu mong Yàng đừng làm khó dễ cộng đồng Tơ Đrăh nữa. Xin hãy ban cho buôn làng sức khỏe, mùa màng tốt tươi. Hãy cho mỗi người Tơ Đrăh được tự do mở kho lấy lúa ăn, khách được tự do đến vui cùng dân buôn làng...

Sau lời khấn này, già làng dùng tay phải lấy vài hạt cơm bỏ lên đỉnh đầu và cũng là người đầu tiên được uống kang rượu cúng Yàng của cả buôn làng. Lời khấn già làng vừa dứt thì đội ching goong (cồng chiêng - PV) mới được phép đánh lên những điệu dồn dập chào đón năm mới. Lúc này mới đến lượt từng chủ gia đình trong buôn làng được cầu khấn và uống ghè rượu cúng tại nhà Rông đồng thời mời bạn bè cùng thưởng thức rượu ghè.

Mỗi gia đình phải cắt cử người phục vụ trang trí lễ hội

Trong dịp này, chỉ cần có khách lạ đến làng thì họ được dân làng đón tiếp rất chu đáo dù trước đây chưa hề gặp mặt nhau... Cuộc vui cứ thế kéo dài xuyên đêm với những cuộc chuyện trò, múa hát bên men rượu ghè và ngọn lửa bập bùng ngay trước sân nhà Rông buôn làng... Mơhnê Xơ Hnăm Nea - lễ hội mở đầu chuỗi ngày ning nơng Sáng hôm sau, tại mỗi gia đình trong cộng đồng Tơ Đrăh chủ nhà tiếp tục mang ra ghè rượu mới, giết gà lợn, nấu cơm mời khách và con cháu ở xa về thăm cùng ăn uống nói chuyện, trao đổi với nhau về những ước mơ, dự định trong năm mới.

Điều đặc biệt là lễ hội Mơhnê Xơ Hnăm Nea sẽ mở đầu cho hàng loạt lễ hội khác của cộng đồng Tơ Đrăh trên đỉnh đèo Măng Rơi, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Ngay trong dịp này, các gia đình thường làm lễ tạm gọi là cưa răng (lễ mừng trưởng thành - PV) cho con cái khi đến tuổi 16 - 17 hay tổ chức cưới xin cho con cái sau trưởng thành. Đến chiều ngày hội Mơhnê Xơ Hnăm Nea thứ 2, những khách hay bà con, họ hàng con cháu trong dòng họ ở các buôn làng lân cận thường chia tay chủ nhân để trở về... Trước khi ra về, mỗi người khách hay con cháu đều được gia chủ gửi mỗi người một nắm cơm cùng một ít thức ăn, bầu nước nhỏ để họ ăn uống trên đường về hoặc làm quà cho gia đình mình.

Ngày hội Mơhnê Xơ Hnăm Nea chia tay khách về nhưng phần nghi lễ cộng đồng buôn làng vẫn chưa kết thúc vì những ngày sau đó, bà con buôn làng tập trung tại nhà Rông đánh cồng chiêng, múa xoang, uống rượu và bày tỏ tình cảm... Bắt đầu từ ngày thứ 3 lễ hội Mơhnê Xơ Hnăm Nea, nhiều cuộc thi thố của thanh niên như bắn nỏ, múa nghi lễ, làm mặt nạ thú..v.v... được tổ chức chứng minh sức khỏe, tài năng trong năm mới.

Trong nhà Rông, người lớn tuổi tụ họp cùng nhau uống rượu và kể khan - câu chuyện về anh hùng trong cộng đồng... Qua những cuộc thi bắn nỏ, những trò chuyện giữa nam - nữ bên tiếng cồng chiêng và những điệu múa xoang của thiếu nữ Tơ Đrăh, nhiều đôi bén duyên từ lễ hội Mơhnê Xơ Hnăm Nea.

Mơhnê Xơ Hnăm Nea hay lễ mừng năm mới của cộng đồng Tơ Đrăh dù tổ chức không lớn nhưng lại rất quan trọng trong đời sống tâm linh. Ngoài ý nghĩa mừng thu hoạch mùa rẫy đồng thời vui tuổi mới cho những thành viên buôn làng kết hợp với tục cưa răng - hiện nay đã bỏ, lễ hội Mơhnê Xơ Hnăm Nea bên cạnh tín ngưỡng không những chỉ là thông điệp gửi lời cảm ơn đến Yàng đã ban cho buôn làng một năm mới sức khỏe, mùa màng bội thu mà còn là niềm kiêu hãnh, thể hiện đoàn kết của cộng đồng trước khi chuẩn bị những ngày vui mở đầu cho tháng ngày ning nơng - còn gọi mùa lễ hội, nghỉ ngơi, ăn năm, uống tháng của cộng đồng Xơ Đăng - khu vực Bắc Tây Nguyên./.

Minh Hiếu

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/mohne-xo-hnam-nea-le-mung-nam-moi-cua-nguoi-to-drah-trong-cong-dong-xo-dang-n17419.html