Mohamed Salah - Vua của các vị thần

Ai có thể mang lại hạnh phúc cho 97 triệu dân chỉ với một cú sút? Ai có thể xóa bỏ lòng hận thù, tạo nên sự hòa hợp tôn giáo? Duy nhất một người có thể. Anh ta là Mohamed Salah.

Mohamed Salah có thể làm mọi thứ, không chỉ trong bóng đá. Sau khi chứng kiến Salah tạo ra quá nhiều điều kỳ diệu, những người dân Ai Cập tin rằng anh có thể thay đổi cuộc đời họ. Với ý nghĩ đó, hơn một triệu cử tri đã gạch bỏ tên của 2 ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống và viết thay vào đó cái tên… Mohamed Salah.

Thật ngạc nhiên, Salah, một cầu thủ và không chút liên quan tới chính trị, lại trở thành người về thứ hai, với hơn 5% số phiếu (dĩ nhiên là không hợp lệ), chỉ ít hơn Abdul Fattah al-Sisi, người tái đắc cử tổng thống khi thuyết phục được 92% cử tri.

Ở Ai Cập, Salah là vua, là người hùng, là niềm tự hào dân tộc. Anh là Kim tự tháp hay tượng Nhân sư Sphinx, những thứ giúp định nghĩa đất nước từng là cái nôi của nền văn minh thế giới. Không chỉ Ai Cập, Salah còn trở thành nguồn cảm hứng cho cả thế giới Hồi giáo. Đó là lý do Saudi Arabia đã tặng anh một mảnh đất ở Mecca như một sự tưởng thưởng.

Vào những đêm có trận đấu của Liverpool, có thể nghe thấy tiếng hét vang lên từ khắp các ngôi nhà Ai Cập. Trong các quán cafe, giới trẻ không ngừng hút shisha và nói về Salah. Cánh đàn ông sẽ để râu tóc giống Salah còn đám phụ nữ mang Salah làm hình mẫu cho con trai của họ.

Từ Cairo, Alexandria tới các vùng xa xôi hẻo lánh, hình của Salah được vẽ ở khắp nơi. Anh xuất hiện trên biển quảng cáo hiệu thuốc, cửa hàng giải khát đến ngân hàng. Trên các trang báo, không ngày nào không có thông tin về Salah. Người ta đọc, nghe và xem một cách say sưa tất cả những gì liên quan tới siêu sao của họ, bất kể đó là gì, và cũng không quan tâm về tính chân thực.

Ví dụ, tất cả người dân Ai Cập, từ người già đến trẻ con, đều có thể kể vanh vách chuyện nhà Salah bị trộm 1.250 bảng. Nhưng sau khi bắt được tên trộm, Salah đã tha thứ thay vì tống hắn vào tù. Tới đoạn này thì mỗi người kể một phách khiến câu chuyện có rất nhiều phiên bản, như Salah tìm công ăn việc làm cho tên trộm, hoặc cho gã một khoản tiền lớn.

Thật ra nó chỉ dừng ở chỗ Salah tha thứ. Nhưng ai thèm bận tâm chứ? Họ quá yêu Salah, phát cuồng vì anh và sùng bái, thần thánh anh vô điều kiện.

Để đến nơi Salah đã sinh ra, điều đầu tiên là leo lên chiếc xe bus bị nêm cứng và sau khi thoát khỏi những con phố đông đúc nổi tiếng ở Cairo, tiếp tục trải qua hành trình dài 100 km gập ghềnh để tới ga El-Maarad ở Tanta. Nhưng đó chưa phải là đích. Cần bắt thêm 2 chuyến taxi nữa để đến được ngôi làng Nagrig. Tiếp tục đi thêm một quãng nữa trên con đường trải sỏi, với những rặng linh lăng và lúa mỳ ở hai bên, mới đến được trung tâm ngôi làng, nơi cậu bé Salah từng chơi bóng miệt mài mỗi ngày.

Ngôi nhà của Salah không có vẻ gì đặc biệt. Theo kiến trúc phổ biến ở đây, nó cũng có 3 tầng với mặt tiền không được phủ sơn, ngoại trừ ban công. Đằng sau cánh cổng sắt đóng kín là một khung cảnh yên bình. Ở đây, không ai quấy rầy gia đình Salah.

“Chúng tôi thậm chí còn không biết cậu ấy đi xe gì”, một người ở Nagrig nói. Khác với sự thống trị của Salah tại các thành phố lớn, ở Nagrig thậm chí còn không có lấy một tấm áp phích của anh. Dạo quanh các con phố nhỏ, người ta thậm chí khó có thể tin nơi đây đã sản sinh ra người anh hùng của Ai Cập và thay đổi căn bản đời sống người dân Nagrig thông qua các hoạt động từ thiện.

Nó xuất phát từ việc Salah không bao giờ coi mình là một người khác biệt. Mỗi khi trở về, anh sẽ đi bộ quanh làng, bắt tay với mọi người và gõ cửa nhà ai đó để hỏi thăm. Vì vậy, người dân Nagrig cũng cố gắng giữ một bầu không khí quen thuộc để Salah có thể thoải mái nhất khi trở về.

Nhưng nếu phải kể về một chàng trai khiêm tốn, không ngừng nỗ lực vươn lên trở thành một ngôi sao lớn, họ có thể nói hàng giờ. Như Osama Eid, mới 13 tuổi, đã nói không sai một chi tiết nhỏ về hành trình của Salah như thể đọc bảng cửu chương.

Đó là câu chuyện về một cậu bé phải bắt 3 hay 4, thậm chí 5 chuyến xe bus từ lúc 9h sáng để kịp tới sân vào lúc 2h chiều, tập luyện tới 6h và về nhà vào lúc 10 rưỡi tối. Với một đứa trẻ mới 7 tuổi, đó là quá trình không hề dễ dàng. Rồi cậu bé ấy gia nhập Al-Mokawloon với giấc mơ sẽ trở thành Zinedine Zidane hay Luis Figo, những thần tượng đầu đời. Nhưng thật trớ trêu, cậu được quy hoạch để trở thành… hậu vệ trái. Cho đến một lần, Al-Mokawloon giành chiến thắng vang dội trước đội bóng mạnh ENPPI, nhưng cậu đã khóc như mưa vì không thể ghi bàn. Nhận thấy khao khát lớn lao trong đứa trẻ gầy còm, HLV đã quyết định chuyển đổi Salah thành tiền đạo cánh. Một bước ngoặt mở ra lịch sử.

Ở tuổi 20, Salah tới Basel, Thụy Sỹ. Những con người xa lạ, môi trường xa lạ và ngôn ngữ xa lạ, anh như bị cô lập khỏi thế giới. Salah có 15 tiếng mỗi ngày, thời gian rảnh giữa hai buổi tập, nhưng không biết để làm gì. Những khi ấy, thay vì bỏ cuộc, anh suy nghĩ về sự nghiệp mới chớm nở để quyết định làm một điều gì đó.

Salah tham gia vào các khóa học tiếng Anh và tập luyện nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Cầu thủ Ai Cập trở thành ngôi sao ở giải vô địch Thụy Sỹ, sau đó được cả châu Âu chú ý tới vì những màn trình diễn xuất sắc ở Champions League. Đó là bàn đạp để anh đến Chelsea.

Trong lần đầu tiên chinh phục Premier League, Salah thất bại. Anh phải dạt đến Serie A, trong màu áo Fiorentina và Roma. Rồi đến một lúc, Salah quyết định trở lại Anh để làm nốt những điều dang dở. Lần này với Liverpool, anh đã thành công.

Với 44 bàn sau 52 trận, Salah là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho Liverpool trong một mùa Premier League, và xét cả chiều dài lịch sử, chỉ kém thành tích 47 bàn của huyền thoại Ian Rush mùa 1983/84 (nhưng ông chơi tới 65 trận). Anh cũng trở thành cầu thủ xuất sắc nhất mùa của PFA, đồng thời đưa The Kop đến trận chung kết Champions League.

Nhưng đó chưa phải điều tuyệt vời nhất mà Salah làm được. Với người Ai Cập, Salah trở thành vị Thánh vào Chủ nhật ngày 08/10/2017, một đêm không thể nào quên. Hôm ấy trước Congo, Ai Cập cần một chiến thắng để giành vé tới World Cup 2018. Họ phải chờ tới hiệp hai để được ăn mừng sau bàn thắng của Salah. Nhưng đến phút 88, lợi thế bị san bằng khi Bouka Moutou gỡ hòa cho Congo.

Phút 90+4, Mahmoud Hassan bị phạm lỗi trong vòng cấm. 86.000 khán giả trên sân Borg El Arab vỡ òa trong sung sướng. Họ la hét, vẫy khăn và nhiều người không kìm được nước mắt. Ở phía dưới, các cầu thủ Ai Cập cũng nhảy múa và ôm chầm lấy nhau.

Quả penalty vẫn chưa được thực hiện, song tất cả đều tin Salah sẽ không làm họ thất vọng. Thực vậy, ngôi sao, người anh hùng của xứ sở Kim tự tháp đứng trên chấm phạt đền. Anh trầm ngâm, rồi bất thần chạy tới, tung cú sút quyết đoán vào góc phải. Bàn thắng được ghi, và Ai Cập chính thức tới World Cup sau 28 năm chờ đợi.

Cả đất nước Ai Cập chìm trong không khí lễ hội. Cả triệu người đổ ra đường phố để ăn mừng. Tại thủ đô Cairo, một chiếc trực thăng quân đội đã thả hàng trăm lá cờ ba màu đỏ-trắng-đen xuống dưới. Và trong tiếng bấm còi xe inh ỏi cùng vô số thanh âm nhiễu loạn, cái tên Salah được hát vang suốt cả đêm. Khi đất nước cần, anh xuất hiện và khiến họ hạnh phúc.

Salah đã đưa 97 triệu dân Ai Cập xích lại gần nhau và kết thành một khối. Anh trở thành biểu tượng của sự thống nhất và hòa hợp tôn giáo. Không chỉ là siêu sao bóng đá, anh là Amun - Đấng sáng tạo, Vua của các vị Thần trong tôn giáo Ai Cập.

Vì vậy, khoảnh khắc Salah ngã xuống ở Kiev sau cú khóa tay của Sergio Ramos, cả đất nước Ai Cập đã nín thở. Đến khi anh không thể gắng gượng thêm và gục xuống một lần nữa, sau đó bật khóc nức nở lúc rời sân, 97 triệu người ở quê hương anh cũng rơi lệ.

Giây phút đó, tất cả đều cảm nhận sâu sắc câu nói “bóng đá là địa ngục đẫm máu” của Sir Alex Ferguson. Phải. Tại sao số phận lại quá nghiệt ngã như vậy, khi loại Salah khỏi trận chung kết Champions League mà lẽ ra anh phải được sắp đặt làm nhân vật chính. Và, vì lẽ gì số phận lại lăm le khiến Salah bỏ lỡ World Cup 2018 sau những gì anh đã làm?

Dường như nỗ lực cầu nguyện ngày đêm của người Ai Cập cũng như các tín đồ Hồi giáo đã làm lay động Thượng đế, và Người mở ra một cơ hội, dù không rõ ràng, để Salah vẫn có thể tới World Cup. Anh đang trên đà hồi phục chấn thương dây chằng vai.

Đó chưa phải cái kết mà những người yêu mến Salah mong muốn, song ít nhất cũng không quá bất công. Người đã ghi 44 bàn trong mùa giải 2017/18, bằng với Ronaldo và chỉ kém 1 so với Messi, trong khi nhiều hơn mọi cầu thủ khác trong 5 giải đấu hàng đầu châu Âu, phải có mặt ở ngày hội lớn.

Ở đó, anh sẽ lại tái hiện bước chạy thần tốc, những pha qua người kỹ thuật và khả năng ghi bàn ở bất cứ đâu. Mỗi chuyển động của Salah là một bài thơ và khi anh tung chân, đó chắc chắn là một kiệt tác được tạo ra bởi những phép nhiệm màu.

Vì vậy, Ai Cập cần anh. World Cup cần anh. Và người hâm mộ cũng cần anh, Salah!

Những pha làm bàn đẳng cấp của Mohamed Salah Mohamed Salah đang cho thấy anh là bản hợp đồng rất đáng giá của Liverpool khi liên tiếp ghi bàn giúp đội bóng thành phố cảng bay cao ở Champions League cũng như Premier League.

Thanh Đình
Đồ họa: Mai Trí Ảnh: Getty Images

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/mohamed-salah-vua-cua-cac-vi-than-post848722.html