Mohamed Salah - đôi chân vàng và trái tim kim cương

Để có mặt trong danh sách rút gọn của FIFA The Best 2018, Mohamed Salah cần đôi chân bằng vàng. Không chỉ có thế, tiền đạo của Liverpool còn sở hữu trái tim kim cương.

Chúng ta đã quá quen với hình ảnh những cầu thủ giàu có trích một tuần, thậm chí tháng lương để làm từ thiện. Chúng ta cũng không còn lạ lẫm gì những ngôi sao lớn lên trong nghèo khó và khi giàu lên, họ trở về miền quê nghèo khó năm xưa trả món nợ ân tình. Phú quý luôn sinh ra lễ nghĩa.

Nhưng câu chuyện của Mohamed Salah sẽ giúp người hâm mộ nhận ra rằng nhân cách tuyệt đẹp được hình thành từ khi anh chỉ coi bóng đá như một niềm vui – thời mà bóng đá thậm chí còn chưa mang tới cho Salah một bữa ăn no nê mỗi ngày. Câu chuyện khó tin sắp được kể sau đây xảy ra vào thời điểm Salah còn chơi bóng cho CLB vô danh Alexandria ở quê nhà Ai Cập.

Vào một ngày xấu trời, Salah trở về nhà sau buổi tập và phát hiện nhà mình bị trộm viếng thăm. Số tài sản bị mất là tương đối đáng kể với gia đình không được dư dả. Vụ việc lập tức được trình báo tới cảnh sát và chỉ 2 ngày sau, tên trộm bị bắt.

Bố của Salah giận dữ đòi khởi tố tên trộm. Tuy nhiên, Salah khiến tất cả ngỡ ngàng khi xin tha cho tên trộm này. Anh thậm chí còn cho gã trộm số tiền nhỏ và giúp đỡ hắn ta tìm việc làm. Câu chuyện như cổ tích này được phóng viên Jack Sear và quan trọng nhất là bố của Salah, ông Salah Ghaly xác nhận với báo chí. Nó có thật. Salah, lúc này đã giàu có và nổi tiếng, nói: “Bất kỳ ai cũng xứng đáng với một cơ hội làm lại cuộc đời”.

Theo ông Salah Ghaly, sự thấu hiểu mà Salah dành cho những mảnh đời bần cùng sinh đạo tặc này một phần đến từ những khó khăn không tưởng mà Salah phải trải qua thời niên thiếu chỉ để được thỏa mãn niềm đam mê chơi bóng. Tâm sự trên trang chủ Liverpool, Salah kể lại hành trình anh đến với bóng đá. Đó tiếp tục là một câu chuyện khó tin.

“Tôi vốn chơi bóng cho CLB mà chỉ cần ngồi xe bus nửa tiếng là tới. Sau đó, tôi muốn vươn ra khỏi ngôi làng của mình. Khát vọng đó đưa tôi tới Tanta, CLB cách nhà tôi 1,5 tiếng ngồi xe. Từ Tanta, tôi tiếp tục đến Arab Contractors ở Cairo. Toàn bộ hành trình đó kéo dài 4,5 tiếng”.

“Mỗi ngày, tôi đến trường học từ sớm, sau đó xin phép nghỉ sớm để kịp đón chuyến xe lúc 9h. Tôi ngồi xe 4,5 tiếng và có mặt ở sân tập vào 14h-14h30. Buổi tập bắt đầu từ 15h30 đến 16h. Sau đó, tôi tiếp tục ngồi xe về nhà. Lúc 22h30, tôi có mặt ở nhà để ăn tối và ngủ".

"Ngày hôm sau lặp lại y hệt như vậy. Tôi trải qua hành trình đó trong suốt 4 năm, mà không đơn giản cứ ngồi lên xe là tới nơi đâu. Tôi phải chuyển 4 đến 5 lần xe bus cả lúc đi lẫn lúc về”, Salah kể lại.

Mỗi ngày ngồi xe bus tổng cộng 9-10 tiếng, lên xuống xe bus 9-10 lần chỉ để thỏa mãn giấc mơ trở thành cầu thủ. Hành trình không tưởng mà Salah đã vượt qua có lẽ giúp anh hình thành sự cảm thông, thấu hiểu cho những mảnh đời kém may mắn.

“Ít ra thì tôi còn có xe bus đưa tới sân bóng. Tôi biết nhiều người thậm chí không đủ tiền và thời gian để đá bóng như tôi. Tôi còn may mắn hơn nhiều người, vậy nên tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình đã phải trải qua những gì. Tôi tận hưởng điều đó”, Salah nói.

Nhờ đối xử tốt với tất cả, Salah luôn chiếm được cảm tình của số đông ngay cả khi anh chưa nổi tiếng như ngày hôm nay. Năm 2013, thời điểm Salah mới chỉ là tân binh "chân ướt chân ráo" tại Basel, anh quyết định lập gia đình. Lễ cưới của Salah được tổ chức tại làng Ngirg. Vào ngày lễ cưới diễn ra, cả gia đình Salah đều bất ngờ khi có hàng nghìn người tới chúc phúc cho Salah, trong đó có cả sự góp mặt của những ca sĩ như Hamada Hilal, Abd Albasit Hamouda, Saad Al Suguhayar. Bạn bè và cả những người xa lạ với Salah đều góp giọng trong bài hát chúc mừng cầu thủ này.

Cưới nhau được một năm, Salah chào đón nàng công chúa Makka chào đời. Theo tìm hiểu của báo chí Salah dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi của mình để chơi với con. Bé Makka lớn lên trong vòng tay Salah và ảnh hưởng rất lớn bởi người cha.

Tuy nhiên, nếu người hâm mộ nghĩ rằng cuộc đời của Salah kể từ khi rời quê nhà Ai Cập ra nước ngoài “tầm sư học đạo” và nổi tiếng như ngày hôm nay trải đầy hoa hồng thì nhầm hoàn toàn. Salah từng trải qua biến cố suýt nữa đã khiến tương lai của anh tan nát.

Đó là khi Salah mới gia nhập Chelsea. Quê nhà Ai Cập của Salah vẫn duy trì điều luật chỉ cho phép công dân Ai Cập sinh sống ở nước ngoài sau khi hoàn thành một khóa học quân sự. Khóa học này dạy cho công dân Ai Cập những nghĩa vụ và trách nhiệm với nước nhà.

Salah cũng đăng ký khóa học đó theo nghĩa vụ, nhưng anh không hề biết rằng đơn đăng ký của mình bị hủy. Đến ngày gia nhập Chelsea Salah mới biết anh không được phép sống ở Anh nếu không hoàn thành khóa học. Salah bị gây áp lực phải trở về Ai Cập hoàn tất thủ tục kéo dài tới 1-3 năm này. Điều đó có nghĩa là sự nghiệp mới chớm nở của anh có nguy cơ tan tành.

Một lần nữa chúng ta lại phải nhắc tới khái niệm “ở hiền gặp lành”. Vụ việc của Salah bằng cách nào đó lại đến tai của Bộ trưởng bộ sức khỏe và giáo dục Ai Cập và vị này giúp Salah giải quyết thủ tục đó một cách êm thấm. Cho đến bây giờ Salah vẫn thi thoảng nhắc lại sự kiện này cùng những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán.

Nhân cách tuyệt vời của Salah đã tạo nên một con người biết trân trọng từng cơ hội nhỏ nhất trong đời. Theo tìm hiểu của tờ Daily Mail, Salah vốn xuất thân từ hậu vệ trái. Vào năm Salah 15, 16 tuổi, để chen chân vào vị trí tiền đạo ở những CLB Ai Cập không phải chuyện đơn giản.

Năm đó, đội bóng của Salah tham dự giải U16 Cairo League. Trong một tình huống lên tham gia tấn công, Salah được đồng đội tạo cơ hội ghi bàn. Đáng tiếc là Salah không thể chuyển hóa nó thành bàn thắng. Trận đấu kết thúc, cậu bé 16 tuổi Salah lủi thủi đi vào phòng thay đồ và ôm mặt khóc rất lâu. Anh đủ trưởng thành để nhận ra rằng với cơ hội vừa bị phung phí đó, anh sẽ mãi mãi mắc kẹt ở vị trí hậu vệ trái, nơi Salah chưa từng nghĩ anh yêu thích.

Nhưng giống như một định mệnh, HLV Said El-Shishini tình cờ đi qua và nhìn thấy Salah ngồi khóc. Ở hiền gặp lành quả không sai. Said El-Shishini ngồi xuống bên Salah lắng nghe anh tâm sự và hiểu ra khát vọng cháy bóng muốn xông pha trận mạc chứ không phải lùi về hậu phương của Salah.

Cho đến tận bây giờ, Salah cũng không dám tin chúa trời mỉm cười với mình đúng lúc anh tuyệt vọng nhất. Những giọt nước mắt rất hồn nhiên của một cậu bé đã đưa anh lên thi đấu ở vị trí tiền đạo cánh và trở nên nổi tiếng như ngày hôm nay.

Một trong những vết đen lớn nhất trong sự nghiệp của Salah chính là thời gian anh khoác áo Chelsea. Vào thời điểm "The Blues" đề nghị mua anh từ Basel, Salah nghĩ và kỳ vọng rằng anh sẽ có đất diễn ở sân khấu danh giá Premier League. Trong buổi thương thảo với Basel, Chelsea nói rằng họ mua Salah về thay thế Juan Mata, mở ra trước mắt anh cả một tương lai xán lạn.

Nhưng có ngờ đâu Salah về Stamford Bridge mà vẫn phải dự bị cho tới… 4 cầu thủ nữa gồm Eden Hazard, Oscar, Willian và Andre Schuerrle. Mùa bóng năm đó Chelsea vô địch Premier League, và huấn luyện viên của "The Blues" vào thời điểm đó: Jose Mourinho chưa bao giờ là một chiến lược gia thích xoay tua đội hình. Có quá nhiều yếu tố ngăn Salah tỏa sáng. Anh buộc phải ra đi trên tư cách của kẻ thất bại.

Có khá nhiều người từng cho rằng Chelsea đã lừa dối Salah. Anh đang ở giai đoạn thăng tiến của sự nghiệp và không lý gì được mua về chỉ để ngồi dự bị. Thực tế là mùa năm đó (2013/14), theo thống kê của Sky Sports, Salah chính là cầu thủ chạy nhanh nhất giải đấu. Cú nước rút của anh trong lần hiếm hoi được Chelsea sử dụng lên tới 33,3 km/h, trong khi đó cầu thủ nổi tiếng chạy nhanh như Theo Walcott chỉ đạt tốc độ cao nhất là 31 km/h.

Tuy nhiên, trong những lần nhắc về Chelsea, Salah chưa bao giờ buông lấy lời oán hận. Anh thừa nhận bản thân “chưa trưởng thành khi gia nhập Chelsea” và “quãng thời gian đó đã dạy tôi một bài học lớn trong cuộc đời”. Đó chính là lý do khi Salah tái ngộ "The Blues", những CĐV đội bóng cũ vẫn đứng lên vỗ tay và chúc mừng thành công của anh ở Liverpool.

Thành công của Salah không chỉ mang tới vinh quang cho riêng anh, mà còn là niềm tự hào của cả đất nước Ai Cập. Ở quê nhà, người dân gọi Salah là “Kim tự tháp thứ 4” của đất nước. Tên của Salah xuất hiện ngay cả trong những bài cầu nguyện. Ngoại trừ Didier Drogba đã trực tiếp dùng tầm ảnh hưởng của mình để ngăn chặn một cuộc nội chiến ở Bờ Biển Ngà, thì Salah chính là người thứ hai thật sự có ảnh hưởng lớn tới quê hương của mình.Những đứa trẻ coi Salah là tấm gương. Chúng nhắc đi nhắc lại tuổi thơ gian khó của Salah và hành trình anh đã đi qua để được như ngày hôm nay và coi đó là một động lực, một nguồn cảm hứng trong cuộc sống đời thường.

Salah cũng rất biết cách trả ơn quê hương của mình qua việc anh xây dựng trường học và bệnh viện tại vùng quê nghèo Nagrig - nơi anh đã từ đó ngồi những chuyến xe bus kéo dài 5 tiếng đồng hồ để chạm tới giấc mơ trở thành cầu thủ. Tầm ảnh hưởng của Salah tại Ai Cập bao trùm cả lĩnh vực y tế lẫn giáo dục chứ không đơn thuần chỉ là một tấm gương trong bóng đá.

Kiều Phong
Đồ họa: Hà My

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/mohamed-salah-doi-chan-vang-va-trai-tim-kim-cuong-post876309.html