Mộc Châu Milk hay Vinatea: Đích nhắm thực sự của Vinamilk qua thương vụ 1.500 tỷ là gì?

Vinamilk vừa chính thức chào mua 116,71 triệu cổ phần GTN với tổng giá trị giao dịch nếu thành công là hơn 1.500 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài Mộc Châu Milk, rất có thể đích nhắm của Vinamilk trong thương vụ M&A này là thương hiệu Vinatea...

Theo tin từ Sở GDCK TP.HCM, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã CK: VNM) vừa có văn bản chào mua công khai cổ phiếu GTNFoods (mã CK: GTN).

Cụ thể, Vinamilk chào mua 116,71 triệu cổ phần GTN, tương ứng 46,68% lượng cổ phần đang lưu hành của GTN. Nếu giao dịch diễn ra thành công, Vinamilk sẽ nắm giữ 122,5 triệu cổ phần GTN, tương ứng tỷ lệ sở hữu 49%.

Mức giá chào mua của Vinamilk là 13.000 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị chào mua hơn 1.500 tỷ đồng. Thời hạn nhận hồ sơ đăng ký bán của nhà đầu tư từ ngày 22/4 đến 22/5/2019.

Hệ sinh thái của GTNFoods.

Hệ sinh thái của GTNFoods.

Trong phiên giao dịch 11/4, cổ phiếu GTN đã tăng kịch trần lên 17.100 đồng. Như vậy, mức giá Vinamilk chào mua đang thấp hơn 24% thị giá GTN.

Trước đó, cuối tháng 3 vừa rồi, HĐQT GTNFoods từng thông qua nghị quyết thống nhất không đồng ý với đề nghị chào mua công khai cổ phiếu GTN của Vinamilk. Lý do không đồng ý được GTNFoods đưa ra là bởi chưa nhận được sự trao đổi nào của Vinamilk về định hướng phát triển của GTNFoods.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là đích nhắm thực sự của Vinamilk trong thương vụ này là gì? Mộc Châu Milk hay là cả Vinatea?

13.000 đồng/CP có quá “bèo”?

Ngay từ thời điểm cuối tháng 3, khi có thông tin Vinamilk muốn thâu tóm Mộc Châu Milk, giá cổ phiếu GTN đã tăng mạnh tới hơn 68% trong vòng 1 quý vừa qua.

Hiện mức giá mà Vinamilk đưa ra còn thấp hơn giá thị trường của cổ phiếu GTN tới 4.100 đồng/CP. Đó chính là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Diễn biến giá cổ phiếu GTN thời gian qua.

Tuy nhiên chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Lê Thành Long (Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc) cho biết thông thường trong một thương vụ M&A, giá cổ phiếu của bên bị mua sẽ có xu hướng tăng mạnh còn giá của bên mua sẽ giảm, nhất là sau khi hoàn tất thương vụ.

Nguyên nhân là do giới đầu tư lo ngại rằng bên mua sẽ phải bỏ nguồn lực để tái cơ cấu bên bị mua nhằm tạo giá trị cộng hưởng sau khi sáp nhập.

Chính bản thân GTN cũng từng trải qua quá trình này, tiêu tốn nhiều thời gian và chi phí để tái cơ cấu một số doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm sau khi tiến hành M&A.

Trong đó, “đứa con cưng” Vinatea có thể được xem là thành công lớn nhất của GTN.

Vinatea có phải đích nhắm?

Nhiều người nghĩ Vinamilk chỉ nhắm đến Mộc Châu Milk do đây là phần đóng góp chính vào kết quả kinh doanh hợp nhất của Vilico và GTNFoods. Thương hiệu sữa này đang chiếm khoảng 10% thị phần chung và cạnh tranh trực tiếp với những thương hiệu ở nhóm đầu trong mảng sữa tươi và sữa chua.

Tuy nhiên, còn có những nhận định cho rằng, Vinamilk cũng nhắm đến cái tên Vinatea-thương hiệu trà vô cùng tiềm năng của GTN.

Năm 2015 Vinatea nằm dưới sự tiếp quản của GTN nhưng chỉ sau có 2 năm đã đạt được doanh thu cao gần gấp đôi so với thời điểm trước cổ phần hóa. Tuy kết quả kinh doanh chưa được khả quan nhưng đáng chú ý là lượng hàng tồn kho chè cũ đã xuống cấp về cơ bản đã được xử lý xong.

Từng bước Vinatea vươn lên trở thành nhà sản xuất sản phẩm trà hàng đầu Việt Nam, tích lũy được 4.700 ha đất nông nghiệp với nhiều vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn về phát triển bền vững. Mỗi năm, Vinatea cung ứng ra thị trường 10.000 tấn trà trong nước và xuất khẩu, đảm bảo về chất lượng và an toàn do đã quản lý được vùng nguyên liệu sạch.

Mộc Châu Milk và Vinatea-Đâu mới là đích nhắm của Vinamilk?

Tiến hành gom mua cổ phần GTN với số lượng lớn, Vinamilk có lẽ không chỉ dừng lại ở mục tiêu thâu tóm đối thủ để giữ thị phần mà còn là phương án tạo đà tăng trưởng thông qua chiến lược “Phát triển sản phẩm”.

Cụ thể, việc nắm giữ Vinatea thông qua GTN sẽ tạo cơ hội để Vinamilk thúc đẩy chiến lược phát triển sản phẩm để bán trên các thị trường quen thuộc.

“Vinamilk có sự am hiểu về thị trường để có thể tạo giá trị cộng hưởng cho các sản phẩm của Vinatea thông qua hệ thống phân phối của công ty này. Theo đó, chiến lược này (chiến lược “Phát triển sản phẩm” - PV) sẽ ít rủi ro hơn so với phát triển mới một ngành nghề. Hơn nữa, Vinatea đang nắm giữ một số thương hiệu chè quen thuộc với thị trường phía Bắc sẽ tạo lợi thế rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm cho VNM” - chuyên gia Phan Lê Thành Long chia sẻ trên Người đồng hành.

Vinamilk là doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam với thị phần sữa nước năm 2018 vào khoảng 55%. Ngoài ra, Vinamilk còn nắm giữ hơn 80% thị phần sữa chua, hơn 80% thị phần sữa đặc, hơn 30% thị phần trong ngành hàng sữa bột. Trong năm 2018, doanh thu Vinamilk đạt hơn 52.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 10.000 tỷ đồng.

Sơn Ca

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/moc-chau-milk-hay-vinatea-dich-nham-thuc-su-cua-vinamilk-qua-thuong-vu-1500-ty-la-gi-a430013.html