Mộc Châu Milk gia tăng giá trị nông nghiệp nhờ phát triển bền vững

Toàn bộ sữa tươi nguyên liệu được bao tiêu; thu nhập của hàng trăm hộ nông dân ở Mộc Châu luôn ở mức khá chính là chỉ dấu rõ nhất cho sự bền vững của nghề chăn nuôi bò sữa trên thảo nguyên xanh. Nhờ bò sữa, hàng nghìn nông dân Mộc Châu đã thoát nghèo, không ít người trở thành 'đại gia' chăn bò với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm…

Ông Nguyễn Thạch Lỏi, ở tiểu khu 67, thị trấn Nông trường Mộc Châu là một trong những gương nông dân từ tay trắng trở thành tỷ phú nhờ bò sữa.

Ông Nguyễn Thạch Lỏi, ở tiểu khu 67, thị trấn Nông trường Mộc Châu là một trong những gương nông dân từ tay trắng trở thành tỷ phú nhờ bò sữa.

Vốn được biết đến với các điều kiện lý tưởng để chăn nuôi bò sữa nhờ thiên nhiên ưu ái ban tặng, thế nhưng ít ai biết rằng để có được cao nguyên Mộc Châu nổi tiếng là “Thảo nguyên xanh - sữa mát lành” như ngày hôm nay còn nhờ có những người nông dân cần cù, chất phác, luôn chăm chỉ sớm hôm chăm sóc những con bò sữa theo đúng quy trình để tạo ra nguồn sữa sạch.

Đặc biệt, họ luôn luôn kiên trì đi theo con đường mình đã chọn, đó là đồng hành cùng Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk), từng bước gây dựng lên những trang trại bò sữa quy mô từ vài chục con đến hàng trăm con, giúp thảo nguyên Mộc Châu trở thành vùng nguyên liệu sữa tươi lớn và chất lượng nhất toàn miền bắc.

Đưa người nông dân thành “tỷ phú chăn bò”

Khác với hình ảnh nghèo khó thường gặp ở các xã miền núi, thị trấn Mộc Châu ngày nay đã trở thành thị trấn sầm uất với nhà tầng mọc san sát, nhiều xe hơi đời mới tấp nập lại qua. Ông Nguyễn Thạch Lỏi, ở tiểu khu 67, thị trấn Nông trường Mộc Châu là một trong những gương nông dân từ tay trắng trở thành tỷ phú nhờ bò sữa. Gia đình ông hiện chăn nuôi hơn 160 con bò sữa với sản lượng hơn một tấn mỗi ngày. Bình quân, mỗi năm gia đình ông Lỏi thu về gần chục tỷ đồng nhờ việc bán sữa bò tươi cho Công ty Mộc Châu Milk.

Ký ức về thời gian lên Mộc Châu lập nghiệp 30 năm trước của ông Lỏi là chuỗi ngày khó khăn. Sau hai năm làm việc ở Nông trường Mộc Châu, ông nhận khoán 22 con bò vào năm 1989. Thời điểm đó, Nông trường Mộc Châu mới bắt đầu triển khai hình thức khoán hộ, việc chăn nuôi chăm sóc bò sữa gặp rất nhiều khó khăn cả về tiền vốn, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm. “Có những thời điểm khó khăn tưởng chừng không vượt qua nhưng nhờ sự cố gắng và tâm huyết, không từ bỏ con bò cùng sự hỗ trợ vô cùng lớn của công ty, chúng tôi đã phát triển được đàn bò như ngày nay và có cuộc sống khấm khá hơn bao giờ hết”, ông Lỏi cho biết.

Không chỉ có gia đình ông Lỏi, bây giờ trên thảo nguyên Mộc Châu, những nông dân trở thành triệu phú, tỷ phú từ nghề chăn nuôi bò sữa không hề ít. Trong số gần 600 hộ chăn nuôi bò sữa, trên 200 hộ thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Đàn bò sữa của Công ty hiện có hơn 25 nghìn con, bình quân mỗi hộ nuôi 40 con, có 120 hộ nuôi từ 50 con trở lên, hộ nuôi nhiều nhất 200 con, tỷ lệ tăng đàn 10% - 15%/năm. Các mô hình chăn nuôi bò sữa hiện tại đều là mô hình nông hộ gắn với các trại tập trung được quản lý ở 10 đơn vị chăn nuôi; nguồn thức ăn thô, thức ăn tinh, ủ ướp, thức ăn tổng hợp cho bò sữa hằng năm khoảng 233 nghìn tấn; sản lượng sữa tươi hơn 100 nghìn tấn/năm.

Nông nghiệp an toàn và bền vững

Ông Trần Công Chiến, Tổng Giám đốc Mộc Châu Milk chia sẻ, ông đã đi thăm quan học hỏi hầu hết các mô hình chăn nuôi bò sữa của các nước trên thế giới và thấy rằng, ở các nước Mỹ, Úc, Canada hay các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái-lan… họ đều phát triển theo mô hình hộ là chủ yếu.

Vì vậy, Mộc Châu Milk đã mạnh dạn lựa chọn mô hình nông hộ bền vững với liên kết bốn nhà: Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông - Nhà khoa học từ nhiều năm qua, đảm bảo đời sống ấm no cho hàng trăm hộ dân chăn nuôi bò sữa và tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm cho người dân trên vùng cao nguyên Mộc Châu.

Nếu như nhiều người nông dân ở nhiều nơi bị cuốn theo sự dao động của thị trường, không thể dự báo sẽ “mất giá” hay “trúng giá” thì ở Mộc Châu, người nông dân hoàn toàn yên tâm đầu tư và tính toán được lợi nhuận của mình. Bí quyết nằm ở việc những nông hộ này ký hợp đồng cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm với Mộc Châu Milk.

Trong tất cả các khâu chăn nuôi, sản xuất, doanh nghiệp đều đầu tư đồng bộ và chú trọng đến sự gắn kết. Theo đó, Mộc Châu Milk sẽ là trung tâm đào tạo kỹ thuật và chuyển giao công nghệ khoa học cho người nông dân, giúp họ tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến để chăn nuôi, sản xuất. Công ty Mộc Châu Milk cũng lựa chọn giống bò sữa cao sản nhập khẩu từ Canada, Mỹ, Australia... đồng thời không ngừng nghiên cứu, áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến vào chăn nuôi, nhằm bảo đảm chất lượng cao nhất cho nguồn sữa tươi nguyên liệu.

Mộc Châu Milk lựa chọn chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững với mô hình liên kết bốn nhà bền chặt.

Để đồng vốn của người nông dân được bảo toàn và phát huy tối đa hiệu quả, Mộc Châu Milk còn thành lập quỹ bảo hiểm vật nuôi và bảo hiểm giá sữa từ năm 2004. Chính nhờ những quỹ này, khi nông dân ký hợp đồng với Mộc Châu Milk, họ được đảm bảo tốt nhất về quyền lợi, nhờ thế họ ổn định công việc, yên tâm sản xuất.

Điều giúp gần 600 hộ nông dân vững tâm hợp tác với công ty là việc công ty luôn đồng hành cùng người nông dân, cùng họ chia sẻ rủi ro trong những trường hợp không như kỳ vọng. Công ty còn duy trì Hội thi Hoa hậu Bò sữa suốt 15 năm qua, là cầu nối giúp các hộ nông dân chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi và giúp họ nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của đội ngũ kỹ sư, các chuyên gia chăn nuôi của chính công ty.

Đây chính là chiến lược nông nghiệp bền vững được Mộc Châu Milk triển khai từ nhiều năm nay. Bên cạnh việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng cho công ty, chiến lược này còn mang đến cuộc sống ổn định hơn cho những người nông dân. Mục tiêu mà Mộc Châu Milk hướng đến là làm sao để sản lượng và chất lượng sữa tươi được duy trì và tăng trưởng qua các năm, điều kiện kinh tế của người nông dân đảm bảo, trong khi vẫn đảm bảo môi trường đất và nước ở thảo nguyên luôn xanh tươi.

Tổng Giám đốc Mộc Châu Milk, ông Trần Công Chiến chia sẻ: “Hàng chục năm đồng hành cùng bà con, chúng tôi đã học hỏi lẫn nhau rất nhiều, từ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn cũng như sẻ chia những thành quả, khó khăn. Mô hình liên kết nông hộ này có hiệu quả cao bởi tính nghiêm ngặt, chặt chẽ trong quy trình sản xuất. Nhờ đó, người nông dân đã thay đổi thói quen chăn nuôi lạc hậu, nâng giá trị sản phẩm lên gấp nhiều lần mà vẫn duy trì giá trị tài nguyên thiên nhiên. Những thành công đó đã tạo dựng niềm tin để doanh nghiệp tiếp tục xây dựng nhiều hơn những mô hình phát triển nông nghiệp bền vững cho Việt Nam trong tương lai”. Được biết, nhờ mô hình phát triển vùng nguyên liệu bền vững, Mộc Châu Milk hoàn toàn chủ động 100% nguồn nguyên liệu sữa tươi để phục vụ cho việc sản xuất của Công ty.

Mỗi ngày, Mộc Châu Milk đưa ra thị trường hơn 250 tấn sữa tươi để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng Việt.

Bày tỏ niềm tin vào hướng đi đúng đắn của Mộc Châu Milk, ông Nguyễn Văn Quất, đơn vị 85, thị trấn Nông trường Mộc Châu chia sẻ: “Nhờ có sự hỗ trợ tích cực của công ty như xây dựng quy trình chăn nuôi bò sữa, hướng dẫn, đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nông dân, hỗ trợ vốn đầu tư… chúng tôi gặp rất nhiều thuận lợi trong quá trình chăn nuôi. Những đàn bò chất lượng cao nhất với dòng sữa tốt nhất đã được ra thị trường. Cũng nhờ đó, cuộc sống gia đình tôi ngày càng trở nên khấm khá hơn”.

Nhờ bàn tay cần cù chăm chỉ của người nông dân cùng với sự kiên định phát triển bền vững của doanh nghiệp, những giọt sữa tươi mát lành thuần khiết đang được trao tận tay hàng triệu gia đình trên toàn đất nước mỗi ngày, như một món quà thiên nhiên từ thảo nguyên xanh, gửi trao cả niềm tin và mọi điều tốt lành nhất.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bancanbiet/thong-tin-doanh-nghiep/item/39792402-moc-chau-milk-gia-tang-gia-tri-nong-nghiep-nho-phat-trien-ben-vung.html