Mộc Châu không để dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ
Với quyết tâm không để dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ, huyện Mộc Châu đã linh hoạt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường ngay sau khi nước rút để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.
Mộc Châu, tỉnh Sơn La là địa phương bị nhiều thiệt hại trong trận mưa lũ vừa qua. Sau mưa lũ, những khu vực bị ngập có nhiều rác thải, chất thải, vi sinh vật… là điều kiện làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh.
Tại thị trấn Mộc Châu, ngay sau khi nước lũ rút, Trạm Y tế thị trấn đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện hướng dẫn nhân dân xử lý nguồn nước đảm bảo vệ sinh, đồng thời khử khuẩn tại khu vực sinh sống.
Đến nay, 100% số nguồn nước tập trung được vệ sinh đảm bảo điều kiện sinh hoạt, 100% diện tích trong khu vực nhà ở được phun khử khuẩn.
Chị Phạm Thị Lan ở tiểu khu 2, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu cho biết: “Sau mưa lũ, cán bộ y tế đã đến phát thuốc và hướng dẫn vệ sinh môi trường sạch sẽ, an toàn để bảo vệ sức khỏe cho gia đình”.
Trận mưa lũ vừa qua đã làm ảnh hưởng nặng nề đến nhà cửa, tài sản, hoa màu của người dân Mộc Châu; khiến gần 130 ngôi nhà bị ảnh hưởng; ngập úng, cuốn trôi gần 15 héc ta thủy sản, cùng với đó là nhiều diện tích cây ăn quả, rau màu bị mất trắng; tổng thiệt hại ước tính gần 20 tỷ đồng.
Nước lũ rút, để lại lượng lớn bùn và rác thải gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh như: tiêu chảy, tả, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, sốt xuất huyết…
Với phương châm linh hoạt, nước rút đến đâu tiến hành vệ sinh môi trường đến đó, Trung tâm Y tế huyện Mộc Châu đã thành lập các tổ trực tiếp xuống cơ sở, phối hợp cùng trạm y tế các xã, thị trấn và người dân khẩn trương thu gom, xử lý rác thải; hướng dẫn bà con cách xử lý nguồn nước, bể chứa…
Ông Đỗ Tài Tuấn, Trạm Phó trạm Y tế xã Đông Sang, huyện Mộc Châu nói: “Sau khi nước rút, chúng tôi đã hướng dẫn nhân dân khử khuẩn môi trường những chỗ ngập úng, bên cạnh đó cũng tuyên truyền, vận động người dân phải theo dõi tình hình sức khỏe của mình”.
Cùng với sự chung tay của các lực lượng tập trung khắc phục hậu quả và phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ, các hộ dân cũng cần chủ động đảm bảo vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước theo hướng dẫn của nhân viên y tế để chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.