Nhiều thách thức trong điều hành ngân sách thời gian tới

Chiều 16/11, tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021, ông Nguyễn Minh Tân- Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, trong điều hành chính sách tài chính thời gian tới, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Chiến lược tài chính giai đoạn 2021 - 2030 và các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Sẽ có gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp

Sớm triển khai gói hỗ trợ hơn 21 nghìn tỷ đồng vào cuộc sống

Chính sách tài chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững

Linh hoạt chính sách tài khóa, ưu tiên chi chống dịch

Trước phần tham luận của các đại biểu, ông Nguyễn Minh Tân- Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính, đã có bài tham luận về giải pháp tài chính - NSNN cho phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Minh Tân, những năm qua dư địa tài khóa được cải thiện đáng kể, thu đạt và vượt dự toán đề ra. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, chính sách tài khóa đã được điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, đồng bộ với các chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.

Việc điều hành linh hoạt chính sách tài khóa một mặt tập trung ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, mặt khác hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động, người dân bị giảm sâu thu nhập, các đối tượng yếu thế; hỗ trợ tổng cầu, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế trên cơ sở vẫn đảm bảo kiểm soát tốt cân đối NSNN, đảm bảo an ninh nền tài chính quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Bà Nguyễn Thị Mùi đề nghị cân nhắc thời gian thực hiện các gói miễn, giảm, giãn thuế. Ảnh: T.T

Trong bối cảnh khó khăn, Bộ Tài chính phải thực hiện nhiều giải pháp gia hạn, miễn, giảm tiền thuế và tiền thuê đất. Các chính sách về chi NSNN đã tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch, nỗ lực cao nhất để kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Theo Bộ Tài chính tổng số tiền thuế và thu NSNN đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành thực hiện năm 2020 đạt khoảng 129 nghìn tỷ đồng (trong đó: số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng cho hơn 130 nghìn doanh nghiệp và hơn 55,5 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh; số tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí được miễn, giảm khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng).

Năm 2021, tiếp tục thực hiện một số chính sách đã ban hành trong năm 2020 và ban hành thêm nhiều chính sách miễn giảm, gia hạn thuế và các khoản thu NSNN để hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh tháo gỡ khó khăn, với quy mô dự kiến khoảng 140 nghìn tỷ đồng. Trong đó gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất (làm giảm thu NSNN trong thời gian được gia hạn) khoảng 115 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, tiền chậm nộp thuế, phí và tiền thuê đất trên 25 nghìn tỷ đồng.

Những gói hỗ trợ về chính sách tài khóa được đánh giá là hiệu quả và rõ nét nhất trong số các gói hỗ trợ được triển khai thời gian qua, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá cao.

Cân nhắc việc kéo dài miễn, giảm, giãn thuế

Tuy nhiên, còn nhiều thách thức đặt ra trong điều hành chính sách tài chính- NSNN trong thời gian tới.

Trong đó: Bội chi NSNN năm 2021 đang phấn đấu ở mức 4%GDP theo dự toán; dự kiến năm 2022 cũng ở mức 4%GDP (tương ứng khoảng 5,1%GDP chưa điều chỉnh).

Mức bội chi này đang tạo áp lực lớn trong việc cân đối NSNN các năm tới để đảm bảo mức bội chi ngân sách bình quân giai đoạn 2021-2025 trong phạm vi 3,7%GDP theo Văn kiện Đại hội Đảng XIII và Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, Bộ Tài chính cũng nhận định, thu NSNN khó khăn cũng là một thách thức trong thời gian tới.

Điều này có nguyên nhân một mặt do tác động của dịch Covid-19 là nghiêm trọng và có thể kéo dài, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng đòi hỏi phải có thời gian để kinh tế phục hồi (IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 thấp hơn năm 2021). Mặt khác do việc tiếp tục thực hiện miễn, giảm, giãn một số chính sách thu để hỗ trợ nền kinh tế; trong khi đó, nhu cầu chi phòng chống dịch bệnh lớn, nên áp lực gia tăng đối với cân đối NSNN, nhất là NSTW.

Cho ý kiến về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mùi - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định: “Tôi cho rằng, việc giãn, giảm, miễn thuế Bộ Tài chính thực hiện thời gian qua như thế là đủ. Không nên tiếp tục cứ thực hiện miễn, giảm mãi được”.

Theo bà Mùi, trong điều hành chính sách tài khóa thời gian tới, cần mạnh dạn bội chi ngân sách.

Tăng bội chi, theo bà Nguyễn Thị Mùi, trên thực tế không đáng lo ngại, bởi vì lạm phát của chúng ta hiện thấp, trần nợ công an toàn và bội chi cũng ở ngưỡng an toàn.

“Trong bối cảnh đó, tăng chi cho đầu tư phát triển là đúng hướng. Tuy nhiên, điều chỉnh tăng bội chi cần phải chú ý: khối lượng tiền lưu thông nhiều lên thì phải phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ; tăng bội chi ngân sách, cái đáng quan tâm đó là năng lực trả nợ của nền kinh tế”- bà Mùi nhấn mạnh./.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhieu-thach-thuc-trong-dieu-hanh-ngan-sach-thoi-gian-toi-95576.html