Mobile Money: Xu hướng thanh toán tất yếu trong thời đại công nghệ số

Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán dịch vụ nội dung số, thương mại điện tử quy mô nhỏ (Mobile Money) được xem là cơ hội cho các nhà mạng lấn sâu vào lĩnh vực FinTech. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam là một trong những nhà mạng vừa tuyên bố đã sẵn sàng triển khai dịch vụ MobiMoney.

Đây là bước tăng tốc trong kế hoạch xây dựng 1 xã hội ít tiền mặt vào năm 2020 của Chính phủ. Theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 mà Thủ tướng đã phê duyệt, mục tiêu đề ra là đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán sẽ ở mức dưới 10%.

Với cơ cấu dân số trẻ và độ phủ sóng rộng khắp của viễn thông, Việt Nam đang có những thuận lợi nhất định để tiến tới 1 xã hội tiên tiến không sử dụng tiền mặt.

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, Bộ này cho biết, tháng 1/2019, trong Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sỹ), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã ký kết 2 thỏa thuận hợp tác về cách mạng công nghiệp 4.0 với WEF. Ngay sau khi ký thỏa thuận, Việt Nam sẽ cùng WEF hợp tác thực hiện Dự án Mobile Money.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về việc sẽ thí điểm Mobile Money, cho phép khách hàng chuyển tiền, mua sắm thông qua tài khoản viễn thông, giúp thanh toán điện tử đến được mọi người dân để kích thích kinh tế tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ.

Hiện tại, các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam đang rốt ráo chuẩn bị cho dự án này và đã đề xuất Chính phủ sớm có chính sách cho doanh nghiệp viễn thông tham gia thanh toán điện tử. Lý do là việc thanh toán không dùng tiền mặt hiện cần có tài khoản ngân hàng, mà số người dân Việt Nam sở hữu tài khoản ngân hàng tại Việt Nam còn thấp.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, hiện nay Việt Nam có gần 50 triệu tài khoản ngân hàng, có nghĩa là có tới 50% dân số chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa (tỷ lệ này còn chưa tính tới việc một người có thể sở hữu nhiều tài khoản ngân hàng).

Ngay cả trong mục tiêu "Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế" của Chính phủ, mục tiêu năm 2020 của cũng chỉ hướng đến 70% dân số và 35-40% dân số nông thôn được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Trong khi đó, hệ thống tài khoản viễn thông có vùng phủ xấp xỉ 100% dân số.

Có thể thấy, ngày nay, dường như điện thoại di động mới là vật bất ly thân của người dân, thay vì ví tiền. Một khi khách hàng quên ví thì đồng nghĩa với việc là họ sẽ không có cả tiền mặt lẫn thẻ ngân hàng, khi đó, ví điện tử là lựa chọn thay thế hoàn hảo.

Mobile Money giúp việc thanh toán của người tiêu dùng dễ dàng và đơn giản hơn, có thể thanh toán mọi lúc, mọi nơi với các thiết bị di động được kết nối Internet, mà không phải chuyển tiền, tiền mặt hoặc quẹt thẻ.

Trong chuyến thăm và làm việc của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ với Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) vào đầu tuần trước, lãnh đạo Tập đoàn VNPT đã đề xuất cho phép đơn vị này triển khai dịch vụ Mobile Money, đồng thời khẳng định, VNPT đã sẵn sàng triển khai dịch vụ Mobile Money.

Theo lãnh đạo Tập đoàn VNPT, Mobile Money là xu hướng triển khai chung của thế giới. MobiMoney là một giải pháp mới để hỗ trợ chuyển đổi số và là một trong những cấu phần quan trọng của Cách mạng công nghiệp 4.0 và nhà mạng sẽ chứng minh được vai trò quan trọng của mình khi triển khai dịch vụ Mobile Money.

Để thanh toán không tiền mặt, xa hơn là thanh toán di động, mạng viễn thông và điện thoại thông minh là các yếu tố bắt buộc. Các quốc gia muốn phát triển được xã hội không tiền mặt phải đạt được 1 mức độ cơ sở vật chất nhất định.

VNPT là một doanh nghiệp chủ lực của Nhà nước trong lĩnh vực viễn thông-công nghệ thông tin. Hiện nay, VNPT là doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng rộng lớn nhất trong các doanh nghiệp khai thác viễn thông (93% cơ sở hạ tầng của mạng điện thoại cố định; gần 60% hạ tầng mạng điện thoại di động quốc gia). VNPT cũng là một trong những nhà cung cấp dịch vụ đầu tiên trong nước đặt nền móng cho sự phát triển của ngành Bưu chính, Viễn thông Việt Nam, đồng thời là tập đoàn có vai trò chủ chốt trong việc đưa Việt Nam trở thành 1 trong 10 quốc gia có tốc độ phát triển bưu chính viễn thông nhanh nhất toàn cầu.

Tập đoàn VNPT, với tiềm lực lớn về khoa học, công nghệ, sở hữu một mạng lưới viễn thông rộng khắp cả nước, là doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng rộng lớn nhất trong các doanh nghiệp khai thác viễn thông (93% cơ sở hạ tầng của mạng điện thoại cố định; gần 60% hạ tầng mạng điện thoại di động quốc gia) với tệp khách hàng lớn đang sử dụng mạng viễn thông di động, có tiềm năng về kinh tế, có các kênh bán hàng khổng lồ, hoàn toàn đủ khả năng phát triển mạng lưới thanh toán điện tử phi tiền mặt tầm cỡ, góp phần vào tham vọng xây dựng một xã hội không tiền mặt của Chính phủ.

Theo thống kê, hiện nay, lượng giao dịch phi tiền mặt tại Việt Nam (4,3%) thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực, chẳng hạn Malaysia là 89%, Thái Lan 59,7%.

P.V

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/cong-nghe/201902/mobile-money-xu-huong-thanh-toan-tat-yeu-trong-thoi-dai-cong-nghe-so-627358/