Mobile Money sau gần 1 năm thí điểm: Bước đầu được đón nhận, nhưng cần giải pháp tạo sức bật mạnh hơn

Việc thí điểm tiền di động (Mobile Money) đến nay đã qua gần 1 năm và theo phản ánh của các doanh nghiệp triển khai, loại hình thanh toán mới mẻ này đã bước đầu được người dân tiếp nhận. Tuy vậy, cũng có một số vướng mắc thực tế cần có giải pháp khắc phục để có thể khai thác tối đa ưu thế của loại hình thanh toán đặc biệt này.

“Sand box” cho hình thức thanh toán mới

Chương trình triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) được thực hiện theo Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với thời gian dự kiến thí điểm là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money. Việc triển khai thí điểm áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Tháng 11/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chính thức cấp phép cho 3 doanh nghiệp được phép thí điểm cung ứng dụng thanh toán Mobile Money, đó là VinaPhone, MobiFone, Viettel. Tại thời điểm đó, một số chuyên gia công nghệ và tài chính kỳ vọng, Mobile Money là một trong những mô hình “sandbox” (khung thể chế thí điểm) của Chính phủ để tạo đột phá và động lực mạnh mẽ cho công nghệ, dịch vụ mới được đưa ra xã hội. Với việc cấp phép cho 3 nhà mạng trên, các thuê bao của VinaPhone, MobiFone, Viettel có thể dùng tài khoản viễn thông để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau.

Với hệ thống phủ rộng cả nước, các nhà mạng viễn thông có thể triển khai hiệu quả Mobile Money.

Với hệ thống phủ rộng cả nước, các nhà mạng viễn thông có thể triển khai hiệu quả Mobile Money.

Về vấn đề an toàn bảo mật liên quan đến dịch vụ Mobile Money, ông Ngô Diên Hy - Phó Tổng giám đốc VNPT (công ty mẹ của VinaPhone) cho biết, hệ thống của VNPT đã được trang bị đầy đủ tương đương như hệ thống “core banking” của khối ngân hàng tài chính và có khả năng truy vết các gian lận, nên hoàn toàn đảm bảo yếu tố an toàn cho khách hàng sử dụng dịch vụ.

Bức tranh thực tiễn sau gần 1 năm thí điểm

Kết quả triển khai sau gần 1 năm qua cho thấy, các nhà mạng được cấp phép đều nhập cuộc khá nhanh và đến nay đã có những kết quả nhất định trong việc mở rộng thị trường, đưa hình thức thanh toán mới mẻ này tiếp cận với người dân.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 8/2022, có khoảng 2,2 triệu tài khoản người dùng Mobile Money, trong đó có khoảng 68% người dùng là ở khu vực nông thôn. Còn theo số liệu riêng lẻ từ các doanh nghiệp chia sẻ với TBTCVN, VinaPhone cho biết, nhà mạng này có hơn 710.000 khách hàng, chiếm khoảng 32% trên tổng số khách hàng Mobile Money toàn quốc, trong khi Viettel cập nhật số lượng khách hàng sinh sống tại nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa chiếm 74,2%.

Theo đại diện của Viettel, Mobile Money đặt ra bài toán về thay đổi hành vi, thói quen mua bán và thanh toán của khách hàng. Theo đó, các công ty cung ứng dịch vụ sẽ phải tiếp cận để khách hàng từ hiểu đến tin tưởng sử dụng Mobile Money trong cuộc sống không tiền mặt, thay đổi toàn diện thói quen và hưởng lợi trực tiếp từ hệ sinh thái tài chính số.

Trong khi đó, về phía nhà mạng còn lại là MobiFone, đại diện công ty này cho biết, Mobile Money sẽ là những mảnh ghép quan trọng hoàn thiện hệ sinh thái số của MobiFone, thúc đẩy MobiFone phát triển mạnh mẽ theo hướng chuyển đổi số. Thị trường Mobile Money được dự đoán tăng trưởng nhanh được và phát triển tốt với chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Dự kiến Mobile Money sẽ chiếm khoảng 10% doanh thu của MobiFone.

Kết nối chuyển tiền giữa tài khoản Mobile Money và tài khoản ngân hàng

Mới đây, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel (Viettel Digital) và Tổng Công ty Truyền thông (VNPT-Media) đã phối hợp ra mắt dịch vụ chuyển tiền giữa tài khoản Mobile Money và tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Với sự phối hợp này, dịch vụ chuyển tiền giữa tài khoản Mobile Money và tài khoản thanh toán tại ngân hàng được thực hiện mọi lúc, mọi nơi. NAPAS cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thành viên, các nhà mạng viễn thông còn lại để triển khai mở rộng liên thông dịch vụ chuyển tiền giữa tài khoản Mobile Money và tài khoản thanh toán tại ngân hàng…

Những con số trên cho thấy Mobile Money bước đầu đã được cộng đồng xã hội quan tâm và tiếp nhận. Theo đánh giá của ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc NHNN, với 2,2 triệu người dùng Mobile Money đến thời điểm hiện nay là con số đáng ghi nhận, nhưng so với số lượng thuê bao điện thoại thì đó vẫn là con số rất là nhỏ bé, từ đây phải có giải pháp để thúc đẩy phát triển hơn. Ngoài ra, một số khó khăn vướng mắc trong quá trình thử nghiệm cũng đã nảy sinh.

Trao đổi với TBTCVN, đại diện MobiFone cho biết, việc phát triển điểm kinh doanh tại các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn vì tốn nhiều nguồn lực trong việc tiếp cận do khoảng cách địa lý. Ngoài ra, việc phát triển dịch vụ điểm chấp nhận thanh toán còn chưa được nhiều do các ví điện tử, mobile banking đang được phép thanh toán tại các điểm QRCode dùng chung (của Napas, VNPay). Trong khi đó, quy định tại Quyết định 316 yêu cầu với dịch vụ Mobile Money thì doanh nghiệp viễn thông phải ký hợp đồng với từng điểm công nghệ thông tin, do đó dẫn đến tốn thời gian và nguồn lực.

Qua quá trình triển khai thực tế, các nhà mạng cũng cho biết, việc thực thi chính sách có thể cần có một số giải pháp để có thể tạo sức bật mạnh mẽ hơn cho dịch vụ Mobile Money phát triển thời gian tới. Đại diện VinaPhone cho biết, chính sách tới đây nên cân nhắc việc cho phép nhà mạng được mở rộng phát triển điểm nạp/rút tiền Mobile Money, mở rộng điểm chấp nhận thanh toán Mobile Money thông qua các hệ thống trung gian thanh toán khác. Trong khi đó, Viettel có đưa ra kiến nghị về những chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng yếu thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa thông qua tài khoản Mobile Money.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/mobile-money-sau-gan-1-nam-thi-diem-buoc-dau-duoc-don-nhan-nhung-can-giai-phap-tao-suc-bat-manh-hon-114288.html