Mổ xẻ sản xuất công nghiệp giảm tốc

Năm 2019, tăng trưởng sản xuất công nghiệp cán đích, đạt mục tiêu đề ra với con số khoảng 9-10% so với năm 2018. Tuy nhiên, dưới sự tác động không nhỏ của tình hình kinh tế và thương mại thế giới, điểm dễ nhận thấy là hầu hết các ngành công nghiệp Việt Nam đều đang giảm tốc rõ rệt.

Tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp sụt giảm là bởi những những yếu tố tác động bên ngoài. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp sụt giảm là bởi những những yếu tố tác động bên ngoài. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Tăng trưởng thụt lùi

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương: Dự kiến, cả năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành công nghiệp tăng khoảng 9-10% và giá trị gia tăng (VA) toàn ngành khoảng 8,88-9%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm.

Phân tích sâu về kết quả sản xuất công nghiệp đạt được trong 11 tháng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay: “11 tháng năm 2019, sản xuất công nghiệp đạt mức khá, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 10% của cùng kỳ năm 2018. 11 tháng năm 2019, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá với mức tăng là 10,6%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 12,1%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng này cũng thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2018…”

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết thêm: Năm 2019 đã có một số ngành công nghiệp có mức sụt giảm sâu như ngành sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế (tuy có chỉ số đạt 124,6% nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 là 163%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (giảm tới 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái).

Nhìn vào báo cáo của Bộ Công Thương xuyên suốt năm 2019, như thường lệ, điểm dễ nhận thấy là ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là điểm sáng, đóng góp chính vào tăng trưởng của khu vực công nghiệp và tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Do đó, sự giảm tốc tăng trưởng được thể hiện ở khu vực này tới từng ngành hàng cụ thể cũng khá rõ ràng. Một trong những ví dụ điển hình là trường hợp của ngành dệt may.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cả năm 2019, XK dệt may dự kiến đạt 39 tỷ USD, chỉ tăng trưởng khoảng 7,55% so với năm 2018. Con số 39 tỷ USD mà dệt may Việt Nam thu về còn kém 1 tỷ USD so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm. Báo cáo của Bộ Công Thương không ít lần nhắc lại: Theo quy luật, đến hết quý IV của năm trước, nhiều DN XK dệt may đã có đơn hàng cho cả năm sau đó nhưng năm 2019, đơn hàng dè dặt hơn, giảm so với năm 2018. Lượng đơn hàng của nhiều DN chỉ bằng 80% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ thế, nhiều DN không nhận được đơn hàng dài hạn, thay vào đó là các đơn hàng ngắn hạn theo tháng, dài nhất là theo quý.

Tác động mạnh bởi thương mại thế giới

Tại sao năm nay sản xuất công nghiệp lại giảm tốc như vậy? Trả lời cho câu hỏi này, ông Trương Thanh Hoài đánh giá: Với nền kinh tế mở, phụ thuộc lớn vào thị trường thế giới, đồng thời các mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm trên 80% kim ngạch XK của cả nước như hiện nay, tăng trưởng của ngành công nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế và các thị trường XK lớn. “Tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu sụt giảm rất nhiều cho nên đã phần nào ảnh hưởng đến kim ngạch XK. Việc tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp sụt giảm so với năm 2018 cũng bởi những những yếu tố tác động của bên ngoài”, ông Hoài nhấn mạnh.

Với riêng câu chuyện của ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định: “Năm 2019, ngành dệt may Việt Nam chịu sự tác động rất lớn của tình hình suy giảm kinh tế thế giới do biến động chính trị và xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung. Ngoài ra, các DN dệt may đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn. Điển hình là sự cạnh tranh từ các cường quốc dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... đang rất khốc liệt”.

Trong năm 2020, dự kiến để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất công nghiệp. Hoạt động này được triển khai thông qua việc hướng dẫn, hỗ trợ DN công nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao năng lực sản xuất, cung cấp các sản phẩm nội địa có chất lượng, có khả năng cạnh tranh…

Riêng về câu chuyện phát triển công nghiệp hỗ trợ, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp cho hay: “Trong năm 2020, chúng tôi sẽ tập trung triển khai chương trình đào tạo về khuôn mẫu bởi vì khuôn mẫu là một trong những vấn đề cốt lõi của ngành công nghiệp hỗ trợ. Với bất kỳ một sản phẩm, linh kiện, phụ tùng nào sản xuất ra thì cũng đều cần có khuôn mẫu. Hoạt động này cũng đã được Tập đoàn Samsung đồng ý hỗ trợ cử chuyên gia đến để xây dựng chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn dần dần chuyển giao các hoạt động này đến các địa phương, bởi vì bản thân nhiều địa phương cũng có nguồn ngân sách và muốn hỗ trợ, tài trợ cho các DN để từ đó các DN sẽ phát triển, đóng góp ngược lại cho tỉnh..).

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/mo-xe-san-xuat-cong-nghiep-giam-toc-117690.html