Mổ xẻ những tồn tại ở dự án thủy điện Đăk Di 4

Dự án thủy điện (DATĐ) Đăk Di 4 thuộc xã Trà Mai (H. Nam Trà My, Quảng Nam) được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép Cty Cổ phần Cung ứng đầu tư và Xây lắp (sau này là Cty Cổ phần SIC và nay chuyển cho Cty Cổ phần Thủy điện Đăk Di 4) nghiên cứu đầu tư từ năm 2003. Thế nhưng, qua 15 năm, dự án vẫn không được triển khai nên UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất thu hồi chủ trương nghiên cứu dự án. Sau quyết định thu hồi, chủ đầu tư dự án lại có đơn "kêu cứu" gửi các ngành chức năng. Ngày 7-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn chủ trì cuộc họp mổ xẻ những vấn đề tồn tại xung quanh DATĐ này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn chủ trì cuộc họp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn chủ trì cuộc họp.

Chậm chạp và nhiều sai phạm

DATĐ Đăk Di 4 được tỉnh Quảng Nam cho phép Cty CP SIC nghiên cứu đầu tư tại công văn 1748/UB-KTN ngày 24-9-2003. Dù vậy, doanh nghiệp (DN) đã không triển khai thực hiện dự án. Đến năm 2008, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất cho gia hạn thời gian thực hiện với yêu cầu phải khởi công trong quý IV-2009 nhưng DN vẫn không thực hiện. Năm 2014, sau khi rà soát, Bộ Công Thương thông báo Đăk Di 4 thuộc đối tượng các DATĐ phải tạm dừng, chưa được đầu tư xây dựng trước năm 2015. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ cho phép Cty CP SIC được phép triển khai dự án trên trong năm 2015 và được Bộ Công Thương thống nhất. Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất cho chuyển chủ đầu tư từ Cty CP SIC sang Cty CP Thủy điện Đăk Di 4 và tiếp tục cho gia hạn thời gian thực hiện dự án với yêu cầu DN ký cam kết tiến độ, ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án. Cty CP Thủy điện Đăk Di 4 ký cam kết thực hiện dự án vào ngày 14-4-2016 với số tiền yêu cầu ký quỹ là 3,84 tỷ đồng, thời hạn nộp tiền chậm nhất là ngày 14-5-2016. Tuy nhiên, Cty đã không nộp tiền theo đúng cam kết. Qua kết quả kiểm tra thực địa và rà soát các báo cáo về hồ sơ, thủ tục dự án, tỉnh Quảng Nam nhận thấy DN đã không triển khai dự án theo đúng cam kết tiến độ kể từ năm 2003 đến nay, thực hiện các hồ sơ, thủ tục không đảm bảo yêu cầu tiến độ cam kết.

Tại cuộc họp, ông Huỳnh Khánh Toàn cho rằng: "Địa bàn Quảng Nam có tổng cộng 42 DATĐ vừa và nhỏ được UBND tỉnh cho phép triển khai đến nay có 41 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác duy chỉ có một Đắk Di 4 vẫn "nằm" im. Trong khi đó, người dân địa bàn H. Nam Trà My đang "khát" điện bởi điện lưới ở đây còn nhiều khó khăn, chập chờn. Để phát triển KT-XH, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn huyện nói riêng và toàn tỉnh nói chung thì vấn đề có điện đáp ứng là vô cùng quan trọng". Cũng theo ông Toàn, vì Cty CP Thủy điện Đăk Di 4 không thể triển khai dự án nên UBND tỉnh mới thu hồi quyết định nghiên cứu đầu tư, tạo cơ hội, điều kiện cho nhà đầu tư có năng lực khác vào.

Theo ông Nguyễn Thế Quang, Phó Giám đốc Sở Công thương, hiện nay Cty CP Thủy điện Đăk Di 4 chưa có mặt bằng xây dựng do chưa hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nên chưa có quyết định giao đất cho dự án; chưa có giấy phép xây dựng; hồ sơ thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công chưa trình Sở Công thương thẩm định nên chưa phê duyệt được hồ sơ; chưa chứng minh được vốn cho dự án nên chưa có kế hoạch bố trí vốn theo tiến độ cam kết. Vì thế, Ngày 12-9-2016, UBND tỉnh có công văn yêu cầu tạm dừng các công việc xây dựng trên thực địa DATĐ Đăk Di 4 khi dự án chưa có quyết định chủ trương đầu tư, chưa có hồ sơ dự án - thiết kế cơ sở được duyệt, chưa có giấy phép xây dựng là đúng quy định. Ngoài ra, quá trình nghiên cứu, Cty CP Thủy điện Đăk Di 4 cũng có nhiều sai phạm khi chưa làm việc với Sở TNMT mà đã tự ý xây dựng lán trại cho công nhân, xây dựng các công trình giao thông là vi phạm về quyền sử dụng đất.

Thủy điện Đăk Di 4 được cho phép nghiên cứu đầu tư trên địa bàn huyện Nam Trà My.

Quyết tâm thu hồi

Trước quyết định thu hồi của tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Quang Ngọc - Phó Giám đốc Cty CP Thủy điện Đăk Di 4 nêu quan điểm không đồng tình bởi việc thu hồi sẽ gây thiệt hại cho DN. Ông Ngọc cho rằng, trong dự án này Cty đã hoàn thành việc thiết kế kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường, kiểm đếm hoa màu, hoàn thiện nền đường thi công, hoàn thành thỏa thuận đấu nối... nên tỉnh Quảng Nam cần cân nhắc cho Cty tiếp tục triển khai dự án. Trả lời quan điểm này, ông Toàn phân tích, trong suốt thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã quan tâm, tạo điều kiện tối đa cho DN trong quá trình nghiên cứu đầu tư, thực hiện dự án. Cụ thể, không thu hồi dự án do thực hiện đầu tư không đúng cam kết từ năm 2003 đến năm 2014; thống nhất đề nghị Bộ Công thương cho phép đầu tư trong năm 2015; thống nhất việc chuyển nhà đầu tư thực hiện dự án; không chấm dứt nghiên cứu đầu tư dự án do không đảm bảo thực hiện ký Bản cam kết thực hiện dự án theo đúng thời gian quy định. Bên cạnh đó, tỉnh thống nhất gia hạn tiến độ, gia hạn thời gian nộp tiền ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án nhưng nhà đầu tư đã không thực hiện được do không đảm bảo về năng lực. "Nói đúng ra thì không chỉ tỉnh quan tâm, hỗ trợ mà là quá ưu ái cho DN rồi nhưng vẫn không thực hiện được thì đành phải thu hồi. Năng lực của DN yếu kém, không có khả năng tài chính thì sẽ không đảm bảo thực hiện chi trả tiền đền bù cho người dân (với giá trị đền bù dự kiến lớn hơn rất nhiều so với tiền ký quỹ), sẽ dẫn đến khiếu kiện, mất lòng tin trong nhân dân", ông Toàn chỉ rõ.

Ông Mạc Vĩnh Châu, Phó Phòng Quản lý điện năng, Sở Công thương cho hay, các ngành chức năng cũng như UBND tỉnh Quảng Nam thấu hiểu những khó khăn của DN nên mới gia hạn nhiều lần. DN có nhiều vi phạm nhưng tỉnh đã thông cảm bỏ qua là đã tạo điều kiện hết mình. Còn về các phần việc mà DN nêu thì chỉ là nói miệng, không có giấy tờ pháp lý nào chứng minh cả. Đồng quan điểm đó, ông Toàn nhấn mạnh, việc tỉnh Quảng Nam thông báo chấm dứt nghiên cứu đầu tư đối với DATĐ Đăk Di 4 là đảm bảo theo quy định, hợp tình, hợp lý. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Công thương lập bộ tiêu chí để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tiếp tục triển khai đầu tư dự án trên. Trường hợp Cty CP Thủy điện Đăk Di 4 đáp ứng được các yêu cầu trong bộ tiêu chí, muốn tiếp tục đầu tư dự án thì được tham gia đấu thầu. "Việc thu hồi chúng tôi đã nghiên cứu, cân nhắc và thực hiện rất chặt chẽ. UBND tỉnh cũng đã báo cáo, Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất. Đây là quyết định của cả tập thể chứ không phải ý chí của bất cứ cá nhân nào. Về những phần việc, chi phí mà Cty CP Đăk Di 4 đã bỏ ra để thực hiện dự án trong thời gian qua, sau này nhà đầu tư mới vào sẽ phải chi trả lại (trên cơ sở hồ sơ chứng từ hợp lệ) để tránh tổn thất, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho DN", ông Toàn nói.

PHI NÔNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_197917_mo-xe-nhung-ton-tai-o-du-an-thuy-dien-dak-di-4.aspx