Mổ xẻ những bức xúc khi phụ huynh chạy vạy lo cho con vào lớp 10 trường công lập

Sau cuộc 'đổ bộ' ồ ạt vào các trường ngoài công lập nhằm mục đích giữ chỗ là chính, phụ huynh lại hối hả xin rút hồ sơ và tiền đặt cọc để quay về trường công lập sau khi công bố điểm chuẩn. Chưa năm nào tuyển sinh lớp 10 Hà Nội lại căng thẳng như vậy khi đến thời điểm này vẫn chưa ngã ngũ chuyện 'đặt cọc, giữ chỗ'.

Trường bảo đúng, Sở bảo sai

Liên tục 2 tuần vừa qua là câu chuyện phụ huynh vất vả ngược xuôi rút - nộp hồ sơ ngoài công lập vào lớp 10 công lập trong đợt xét tuyển cuối cùng. Gây tranh cãi ở đây là việc số tiền đặt cọc, giữ chỗ từ 5-6 triệu đến chục triệu đồng sẽ giải quyết như thế nào khi các trường bắt buộc phải để phụ huynh rút hồ sơ?

Bà Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lương Thế Vinh giải thích, việc thu phí ngay khi nộp hồ sơ được trường áp dụng từ năm 2017, sau khi học tập cách làm từ những trường bạn. Đây là cách để phụ huynh phải suy nghĩ thực sự nghiêm túc khi nộp hồ sơ vào trường.

Bà Văn Thùy Dương cho hay, khi tuyển sinh, nhà trường cũng đã lưu ý rằng phụ huynh cần cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ, trường sẽ không trả lại kinh phí nếu phụ huynh rút hồ sơ như một thỏa thuận giữa 2 bên. Số tiền không trả lại kia sẽ được chuyển sang Quỹ khuyến học của nhà trường. Phó Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh chỉ rõ, thực tế tỷ lệ hồ sơ “ảo” của các trường ngoài công lập rất cao. Nếu trường không yêu cầu phụ huynh đóng phí, sẽ không có bất cứ sự ràng buộc nào, phụ huynh có thể rải hồ sơ khắp các trường và rút “loạn” lên khi trường công lập có điểm chuẩn.

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội khẳng định việc tự ý thu phí như vậy là không đúng vì theo Điều 14, Nghị định 69 của Chính phủ, không có khoản thu nào gọi là phí giữ chỗ, phí nhập học. “Hiện, Sở GD-ĐT đang yêu cầu tất cả các trường đã thu phí nhập học như vậy thì phải hoàn trả ngay cho các phụ huynh học sinh” - ông Lê Ngọc Quang cho biết - “Các trường đã xác nhận sẽ trả lại tất cả các trường hợp rút hồ sơ. Nếu cố tình không trả, chúng tôi sẽ có phương án xử lý, tất nhiên là có xin ý kiến của cơ quan cấp trên”.

Lý giải thêm về vấn đề này, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Viết Cẩn cho biết: “Quy định của Bộ GD-ĐT có 2 khoản trường ngoài công lập được tự chủ là học phí và phí tuyển sinh. Tuy nhiên, nhà trường phải công khai với cha mẹ học sinh trong cả khóa học. Trường công khai lộ trình học phí nhưng không ép phụ huynh phải nộp tiền ngay. “Việc giữ học sinh và tuyển sinh tốt ở các trường ngoài công lập là ở chất lượng nhà trường, chứ không phải bằng biện pháp giữ tiền đặt chỗ hay giữ hồ sơ” - ông Nguyễn Viết Cẩn nhấn mạnh.

Trách nhiệm 3 bên trước áp lực tuyển sinh

Ông Lê Ngọc Quang cho rằng, tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm nào cũng bức xúc vì ai cũng muốn vào trường công, trường tốt. Điều này đồng nghĩa rằng, cuộc chạy đua tuyển sinh lớp 10 còn kéo dài khi các trường công lập không thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu học tập của học sinh tốt nghiệp lớp 9. Câu hỏi là liệu năm sau tình trạng này còn tiếp tục tái diễn?

Về phía Sở GD-ĐT Hà Nội, ông Lê Ngọc Quang cũng thừa nhận phải có những điều chỉnh phù hợp, sau khi báo chí nêu hàng loạt nguyên nhân dẫn đến bức xúc trong tuyển sinh. Đầu tiên phải nói đến tình trạng “đói” thông tin khiến phụ huynh nhao nhác đi tìm trường giữ chỗ. “Mọi thông tin về phổ điểm đều không được công bố, dẫn đến phụ huynh dù đã cam kết không được rút lại các khoản phí đã đóng vẫn rút hồ sơ để ghi danh ở các trường ngoài công lập” - bà Văn Thùy Dương nêu nguyên nhân. Về vấn đề này, ông Lê Ngọc Quang cho biết, sang năm sở sẵn sàng công bố phổ điểm, phụ huynh cũng như các trường sẽ không mất nhiều thời gian để “gạt cơ học”, từ đó dự kiến được điểm chuẩn vào trường.

Về phía các trường ngoài công lập, việc tuyển sinh năm nay có khá nhiều thuận lợi về nguồn tuyển cũng như thời gian, cách thức tuyển sinh đều được nới rộng. Ông Lê Ngọc Quang cho biết, các trường tư có đề xuất 2 việc đều được sở đồng ý như cho phép xét tuyển hồ sơ dựa trên học bạ chứ không xét tuyển kết quả thi và được tuyển sinh trước trường công lập. Tuy nhiên, cũng chính vì được nới rộng tuyển sinh như vậy, có trường đã gây bức xúc cho phụ huynh như trường Tạ Quang Bửu, sáng 1 điểm chuẩn, chiều 1 điểm chuẩn.

“Việc này Sở đã yêu cầu trường rút kinh nghiệm. Năm sau, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tham mưu để quy định trong văn bản hướng dẫn về điểm chuẩn cho cả trường công và ngoài công lập, theo hướng đã tuyển thì chỉ được phép tuyển đủ chỉ tiêu, nếu không đủ thì hạ điểm chuẩn chứ không được phép tăng” - ông Lê Ngọc Quang nhấn mạnh. Bên cạnh đó, việc quy định thời gian tuyển sinh quá gấp rút, thiếu thông tin phổ điểm cũng khiến một số trường ngoài công lập tranh thủ “ép” phụ huynh nộp hồ sơ kèm theo những ràng buộc không hợp lý như trường Đào Duy Từ, yêu cầu phụ huynh không được rút hồ sơ trong suốt 3 năm học ở trường này.

Về phía phụ huynh, câu chuyện đóng tiền rồi lại muốn rút tiền cũng gây bàn cãi không ít. Trên thực tế, khi đã đồng ý thỏa thuận của nhà trường, phụ huynh cần tôn trọng thỏa thuận 2 bên, không thể vì quyền lợi của cá nhân con mình mà lại bỏ qua cam kết đã ký vì rõ ràng việc rút hồ sơ ra khỏi trường sẽ ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của trường ngoài công lập. Đây là điểm khác nhau giữa công lập và ngoài công lập vì trường công lập sẽ được tuyển bổ sung nếu thiếu chỉ tiêu còn trường ngoài công lập thì không có sẵn nguồn tuyển như vậy nên phải hạn chế tình trạng rút hồ sơ sau khi đã nhận đúng chỉ tiêu.

Mặc dù Sở GD-ĐT Hà Nội hứa sẽ điều chỉnh các khúc mắc nói trên nhưng cuộc đua giữa các trường công lập và ngoài công lập vẫn sẽ tiếp diễn trong các mùa tuyển sinh năm sau. Bài toán lớn nhất chính là việc làm sao để áp lực cạnh tranh giữa hai khối trường công và tư giảm bớt bằng cách cân bằng quyền lợi người học ở cả 2 môi trường giáo dục này.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT): Cần đối xử công bằng với hai hệ thống giáo dục công - tư

“Hiện nay việc phổ cập giáo dục bậc THPT là rất khó vì Nhà nước phải bao cấp nhưng nhà nước lấy tiền đâu ra. Cho nên phải hạn chế vào các trường công, và sinh ra chuyện phải chen nhau để có suất vào học trường công. Nhằm chia sẻ gánh nặng với ngân sách Nhà nước nên sinh ra việc xã hội hóa giáo dục, từ bậc học thấp nhất. Từ đó mới sinh ra trường công - trường tư. Nhưng hãy xem trường tư, hiện cũng tồn tại 2 vấn đề. Thứ nhất, là chất lượng giáo dục còn thấp.

Thứ hai, bởi trường công học phí thấp, còn trường tư học phí cao. Theo tôi Nhà nước cần có sự đối xử rất công bằng với hai hệ thống giáo dục công - tư. Có nghĩa là nhà nước phải trợ giúp cho cả công và tư, có như thế thì mới dần khắc phục được tâm lý học sinh không thích học trường tư, giải quyết phần lớn áp lực tuyển sinh lớp 10.

Chúng ta cũng đã có hướng để giải quyết căn bản vấn đề này như đã nêu trong Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện là định hướng nghề nghiệp cho học sinh, bảo đảm cho học sinh có trình độ THCS (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng… Nếu mà sau THCS phân luồng tốt, sẽ không có tình trạng khốn khổ như hiện nay. Ở các nước phân luồng học sinh đều được triển khai tốt nhưng ở Việt Nam vẫn chưa thực hiện được”.

Vinh Hương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/mo-xe-nhung-buc-xuc-khi-phu-huynh-chay-vay-lo-cho-con-vao-lop-10-truong-cong-lap/774879.antd