Mổ xẻ nhiều vấn đề bức xúc ở Hà Nội, TP.HCM

Hà Nội cần quan tâm tới việc chọn nguồn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và tiến tới chuẩn bị quy hoạch...

 Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng phát biểu tại kỳ họp thứ 7, khóa XV, HĐND TP Hà Nội

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng phát biểu tại kỳ họp thứ 7, khóa XV, HĐND TP Hà Nội

Ngày 4/12, HĐND TP Hà Nội khai mạc kỳ họp thứ 7 khóa XV. Cùng ngày, HĐND TP HCM khóa IX cũng khai mạc kỳ họp thứ 12. Nhiều vấn đề “nóng” như đặt tên đường, xây khu liên cơ quan tại Hà Nội, vấn đề cán bộ, giải quyết bức xúc của người dân Thủ Thiêm (TP HCM)… được các đại biểu HĐND hai thành phố phân tích, cho ý kiến.

Hà Nội: Lấy phiếu tín nhiệm 36 chức danh

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, ngoài việc quyết định những nội dung quan trọng đối với KT-XH Thủ đô, HĐND TP sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 36 chức danh do HĐND TP bầu (sáng 6/12 và công bố kết quả chiều cùng ngày - PV). Ông Hải cũng nhấn mạnh, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là sự ghi nhận, động viên, khích lệ những việc làm tốt, có lợi cho sự nghiệp chung. Đồng thời, cũng là sự đánh giá, nhắc nhở đối với những cán bộ có khuyết điểm hoặc còn hạn chế về năng lực để kịp thời sửa chữa, khắc phục.

Hà Nội dự kiến chi 663 tỷ đồng xây khu liên cơ ở Vân Hồ

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội trình HĐND TP về chủ trương đầu tư dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, khu liên cơ quan Vân Hồ trên địa bàn quận Hai Bà Trưng sẽ được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội làm chủ đầu tư trên diện tích khoảng 7.441m2, mật độ xây dựng 50% với 6 tầng nổi, 1 tầng mái và 3 tầng hầm. Tổng mức đầu tư của dự án này là 663,180 tỷ đồng, cơ cấu từ nguồn vốn do ngân sách thành phố. Thời gian hoàn thành vào năm 2020.

Tới dự và phát biểu chỉ đạo, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan dân cử thành phố tiếp tục đổi mới, chủ động trong thực hiện chức năng giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Đặc biệt, Hà Nội cần quan tâm tới việc chọn nguồn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và tiến tới chuẩn bị quy hoạch cho nhiệm kỳ tiếp theo. Phó chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, ngoài nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển kinh tế, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Theo đó, vừa đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tăng cường kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ của công chức, viên chức, vừa phải kiên quyết xử lý các cán bộ gây phiền hà, vô cảm khi giải quyết thủ tục hành chính. Bà Phóng cũng đề nghị HĐND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng phải rà soát, chỉnh sửa các nội dung chính sách theo hướng công khai, minh bạch, thông thoáng, giảm triệt để thời gian và những chi phí không hợp lý, không đáng có để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và DN.

Theo chương trình, hôm nay (5/12), HĐND TP sẽ nghe UBND TP trình bày tờ trình thông qua việc đặt, đổi tên 47 tuyến đường. Theo đó, UBND TP tiếp tục trình lại phố mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô tại quận Nam Từ Liêm. Tuyến phố này dài 900m, rộng 50m, từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Văn Giáp và đoạn tiếp nối phố Hữu Dực đến chân cầu vượt Xuân Phương.

Trước đó, năm 2017, UBND TP đã đưa vào tờ trình HĐND TP đặt tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô cho tuyến phố dài 1,2km ở quận Cầu Giấy. Đến phút chót, TP tạm hoãn trình HĐND TP việc này. Lý do được Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động cho hay là chưa tìm được sự thống nhất với gia đình ông Trịnh Văn Bô trong việc đặt tên đường phố mới.

TP HCM: Đảm bảo cuộc sống cho người dân Thủ Thiêm

Báo cáo về kinh tế, văn hóa, xã hội tại kỳ họp HĐND TP HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP cho biết, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm hơn tiến độ đề ra. Việc thực hiện 7 chương trình đột phá không tạo ra kết quả nổi trội, nếu không có giải pháp tích cực thì khó hoàn thành vào cuối nhiệm kỳ. Hiện, vẫn còn cán bộ đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp.

Ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, năm 2019, thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, quyết tâm giảm kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, chỉnh trang đô thị. Đặc biệt, thành phố nghiên cứu thành lập tổ công tác, đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án trên địa bàn, công bố công khai các dự án treo, cần thu hồi đất…

Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, làm cán bộ công chức là tự nguyện phục vụ dân và cam kết chấp hành pháp luật. “Nếu mình vào mà thấy khó quá, không làm nổi, không đáp ứng được yêu cầu thì mình thôi và tự xin làm việc khác”, ông Nhân nói và cho biết, vừa qua có nhiều đoàn thanh tra đến làm việc tại thành phố và phát hiện sai phạm, trong đó có trường hợp khởi tố. “Việc kỷ luật này không vui, chúng ta không mong muốn nhưng khi có sai phạm thì phải xử lý. Có lúc nào đó, phần nào có tâm lý lo lắng, mình làm phải thận trọng hơn nhưng không vì thế mà làm chậm việc”, ông Nhân nói.

Về vấn đề dư luận đang quan tâm hiện nay là khu đô thị Thủ Thiêm, ông Nhân cho biết, trong tháng 11 ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP đương nhiệm đã có 3 cuộc làm việc với 4 Chủ tịch tiền nhiệm để làm rõ các vấn đề liên quan đến Thủ Thiêm. Ông Nhân khẳng định, những vấn đề thuộc trách nhiệm của thành phố thì tiếp tục triển khai thực hiện. Thành phố mời người dân khu tạm cư vào khu tái định cư để đảm bảo cuộc sống trong khi chờ giải quyết khiếu nại, chính sách liên quan. Ông Nhân cũng thông tin, trong khu 4,3ha ngoài ranh giới quy hoạch (theo kết luận của Thanh tra Chính phủ) có 321 hộ dân. Hộ dân nào đã rời đi mà nhà ở khó khăn thì quận 2 mời vào ở khu tái định cư để đảm bảo cuộc sống tốt hơn, chờ cơ quan chức năng giải quyết thay vì về nơi cũ dựng lều tạm.

Được biết, tại kỳ họp này, HĐND TP HCM cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh do HĐND TP bầu; chất vấn Chủ tịch UBND TP, Phó chủ tịch UBND TP và một số giám đốc sở.

Hoài Thu - Hoàng Minh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/mo-xe-nhieu-van-de-buc-xuc-o-ha-noi-tphcm-d281132.html