Mổ xẻ nguyên nhân gây 'thảm họa' sạt lở ở miền Trung

Sáng 16/1, tại TP. Hội An (Quảng Nam), Tổng hội xây dựng Việt Nam phối hợp với UBDN tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo 'Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung, nguyên nhân và giải pháp'. Hội thảo thu hút sự quan tâm của hàng trăm đại biểu là chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo các địa phương.

Hiện trường sạt lở kinh hoàng tại làng ông Đề, thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.

Hiện trường sạt lở kinh hoàng tại làng ông Đề, thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.

Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay, mưa lũ, sạt lở năm 2020 vô cùng khốc liệt gây thiệt hại nặng nề. Toàn tỉnh có 43 người chết, 17 người mất tích. Thiệt hại cơ sở vật chất, hoa màu sản suất... gần 11.000 tỷ đồng.

Thực tế đó đặt ra cho những người có trách nhiệm tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục thiệt hại do thiên tai đang ngày càng khốc liệt, ngày càng khó lường.

Nói về các vụ sạt lở đất gần đây, ông Trần Quang Hoài – Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho hay, từ tháng 9 đến tháng 11/2020 thiên tai liên tiếp xảy ra tại các tỉnh miền Trung với cường độ rất mạnh, trên phạm vi rộng gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của hàng triệu người dân.

Thảm họa sạt lở khiến hàng chục người chết ở Quảng Nam.

Nguyên nhân do địa hình đồi núi khu vực có độ dốc cao, chia cắt mạnh, kết cấu đất vùng núi phần lớn là bở rời dễ sạt trượt kết hợp với mưa mượt mức lịch sử nên lúc tập trung nhanh, nguy cơ xảy ra sạt lở lũ quét. Dân số khu vực miền núi, khu công nghiệp, khu dân cư ven biển gia tăng nhanh dẫn đến nguy cơ mất an toàn.

Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan là do nhận thức, mức độ quan tâm của chính quyền, người dân một số nơi còn hạn chế nên chưa tập trung đề ra giải pháp cụ thể và đầu tư thích đáng cho công tác phòng chống thiên tai.

Thậm chí một số nơi trong quá trình xây dựng hạ tầng, sinh sống sản xuất còn làm gia tăng rủi ro thiên tai và thiệt hại. Hệ thống tổ chức bộ máy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) hầu hết là kiêm nhiệm, hoạt động thiếu chuyên nghiệp, thiếu trang thiết bị chuyên dùng, công cụ hỗ trợ theo dõi, giám sát kết nối chỉ đạo điều hành dân đến lúng túng, bị động trong ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai trên diện rộng. Chưa thực hiện lồng ghép PCTT vào phát triển kinh tế xã hội, xây dựng công trình nên còn xảy ra sự cố thiên tai.

Về giải pháp căn cơ lâu dài giảm thiểu thiệt hại, ông Hoài cho rằng cần thực hiện 9 giải pháp như sau:

Một là hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật liên quan đến PCTT, tập trung xây dựng bổ sung, sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật Phòng chống thiên tai, rà soát các kịch bản biến đổi khí hậu làm cơ sở xây dựng phương án ứng phó, nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức của cơ quan PCTT và TKCN hiệu quả.

Tập trung xây dựng chiến lược PCTT quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, ngành, lĩnh vực, quy hoạch dân cư khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, lũ quét, sạt lở...

Xây dựng bản đồ cảnh báo thiên tai phù hợp đặc điểm, điều kiện từng vùng, miền. Lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống với tỷ lệ phù hợp làm cơ sở quy hoạch bố trí dân cư, chủ động di dời tái định cư.

Quản lý và bảo vệ rừng tự nhiên. Trồng, tái sinh rừng phòng hộ dầu nguồn, rừng cây gỗ lớn. Rà soát tất cả quy hoạch chiếm dụng đến đất rừng, hạn chế tối đa tác động thay đổi trạng thái cân bằng tự nhiên của đồi, núi, sông, suối.

“Kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng công trình hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và PCTT như công trình giao thông, hồ đập thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ” – ông Hoài nêu.

Ngoài ra cần nâng cao năng lực lực lượng tham gia PCTT và TKCN; ưu tiên bố trí di dời dân vùng thiên tai gắn với sinh kế bền vững; lồng ghép đầu tư công trình PCTT trong các chương trình, dự án đầu tư phát triển KT-XH từng ngành, địa phương; tăng cường công tác thông tin truyền thông; ứng dụng KHCN trong theo dõi giám sát dự báo, cảnh báo, phân tích, đánh giá tác động xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ sạt lở hỗ trợ xây dựng các kịch bản, phương án chỉ đạo điều hành ứng phó...

Hoài Văn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/mo-xe-nguyen-nhan-gay-tham-hoa-sat-lo-o-mien-trung-1779597.tpo