Mở xa lộ đưa hàng Việt vào châu Âu, cần điều gì?

Muốn mở xa lộ để đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường châu Âu thì phải có Toyota hay Hyundai chứ không thể là xe lam, hay xe bò.

Vì sao doanh nghiệp chưa quan tâm đủ tới EVFTA?

Phát biểu tại một hội nghị gần đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh có chia sẻ thực tế doanh nghiệp trong nước ít bày tỏ sự quan tâm tới của Hiệp định EVFTA.

Vị lãnh đạo ngành Công thương lo lắng, điều này sẽ làm giảm khả năng tận dụng cơ hội của doanh nghiệp cũng như sẽ làm tăng nguy cơ bị người nước ngoài lấy hết cơ hội phát triển khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Muốn tận dụng lợi thế từ EVFTA thì doanh nghiệp phải tự nâng mình lên. Ảnh: TTXVN

Muốn tận dụng lợi thế từ EVFTA thì doanh nghiệp phải tự nâng mình lên. Ảnh: TTXVN

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM chỉ ra nhiều lý do lý giải cho việc các doanh nghiệp trong nước chưa quan tâm đủ, chưa đặt nhiều câu hỏi liên quan tới Hiệp định EVFTA.

Thứ nhất, do thời gian đàm phán hiệp định kéo quá dài (nếu tính mốc thời gian bắt đầu khởi động là từ tháng 10/2010 cho tới khi được Nghị viện châu Âu thông qua năm 2020 là 10 năm). Cho tới nay hiệp định cũng chưa có hiệu lực và doanh nghiệp cũng chưa biết đến khi nào thì hiệp định này chính thức có hiệu lực.

"Tâm lý chờ đợi có thể khiến các doanh nghiệp giảm bớt sự quan tâm tới hiệp định này", ông Hưng nói.

Thứ hai, với những doanh nghiệp lớn, đã làm ăn nhiều với thị trường châu Âu có thể nói họ đã nắm rất chắc các quy định, hiệp định thương mại với các nước. Nhất là ở các lĩnh vực xuất khẩu như gỗ, da giày..., doanh nghiệp đã có sự chủ động trong việc tự tìm hiểu, tự làm quen với thông tin, thậm chí doanh nghiệp còn có các nhà tư vấn riêng hỗ trợ thêm các vấn đề pháp lý, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa - C/O, với những doanh nghiệp này họ không cần hỏi thêm thông tin.

Thứ ba, đối với nhóm những doanh nghiệp nhỏ và vừa, do sản xuất hàng hóa có chất lượng không cao, chưa đủ tiêu chuẩn đi vào các thị trường châu Âu, chính vì biết rõ nội lực doanh nghiệp còn hạn chế, quy mô nhỏ, chưa có điều kiện tài chính để nâng cấp, đầu tư thiết bị công nghệ, sản phẩm sản xuất ra cũng khó đi được vào thị trường châu Âu nên cũng chưa có nhiều nhu cầu tìm hiểu thông tin về hiệp định này.

Không thay đổi, lợi ích sẽ vào tay FDI

Trước lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài sẽ lấy hết cơ hội của doanh nghiệp trong nước, ông Phạm Ngọc Hưng cho rằng, đây là điều rất thực tế.

Ông Hưng cho biết, tỉ lệ hàng hóa của các doanh nghiệp Việt xuất vào thị trường châu Âu mới chỉ chiếm khoảng 2% tỉ trọng xuất khẩu, dư địa vẫn còn rất lớn và cơ hội dành cho doanh nghiệp cũng vẫn còn rất nhiều.

Tuy nhiên, nếu muốn các doanh nghiệp trong nước tận dụng được cơ hội và phát triển từ EVFTA thì điều quan trọng đầu tiên là bản thân doanh nghiệp phải tự đổi mới về quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng hàng hóa. Hàng hóa sản xuất ra phải đủ tiêu chuẩn, chất lượng thì mới có thể xuất được vào thị trường châu Âu. Đây là điều quan trọng hàng đầu mà doanh nghiệp bắt buộc phải làm nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường các nước này.

Nêu một ví dụ so sánh để chứng minh cho yêu cầu phải tự đổi mới của doanh nghiệp, ông Hưng nói: "chúng ta đang kêu gọi mở ra một xa lộ để đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường châu Âu nhưng muốn mở xa lộ để đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường châu Âu thì phải có Toyota hay Hyundai chứ không thể chạy trên xa lộ bằng xe lam, hay xe bò được.

Nói như vậy để thấy rằng, doanh nghiệp muốn đưa được hàng vào thị trường châu Âu thì phải tự nâng mình lên", ông Hưng nói.

Tiếp theo, phải tuân thủ chặt chẽ, nghiêm túc các quy định về thủ tục hành chính như quy định xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm của mình.

Tận dụng EVFTA, không để nước ngoài lấy hết quyền lợi

Một vấn đề nữa dù đang được Bộ Công thương làm tốt nhưng cần làm tốt hơn nữa là tăng cường kết nối, liên kết giữa tham tán thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt ở các nước châu Âu nhằm cung cấp thông tin, giao lưu, hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp trong nước, giảm thiểu những rủi ro về mặt pháp lý, các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật... đây là trách nhiệm và vai trò của ngành công thương phải làm.

"Nếu những vấn đề trên còn chưa được khắc phục, bản thân doanh nghiệp cũng chưa có ý thức thay đổi thì khi hiệp định có hiệu lực, các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam với tiềm lực về nguồn vốn, khả năng đổi mới công nghệ, chất lượng hàng hóa... sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhất.

Bằng cách sử dụng chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam để đi vào các thị trường thực hiện cam kết thương mại tự do với Việt Nam, những lợi ích từ các hiệp định thương mại mang lại đều dồn hết cho các nhà đầu tư FDI. Như vậy, người được lợi không phải là doanh nghiệp Việt Nam mà lại chính là các nhà đầu tư nước ngoài", ông Hưng nói.

Cũng liên quan tới vấn đề chứng nhận xuất xứ hàng hóa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, các thủ tục hành chính đang làm khó chính doanh nghiệp trong nước. Hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký xuất xứ hàng hóa đang quá rắc rối, mất nhiều thời gian, làm mất cơ hội, thậm chí khiến hàng hóa của doanh nghiệp bị găm lâu, dẫn tới thua lỗ.

"Một là cả Bộ Công thương, VCCI đều phải thay đổi phương thức làm việc, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, rút ngắn thời gian đi lại cho doanh nghiệp.

Song song với đó là mở rộng mạng lưới, các chương trình tư vấn, hỗ trợ để doanh nghiệp tự khai xuất xứ hàng hóa.

Hai là, Bộ Công thương phải tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp cách khai xuất xứ như thế nào để hàng hóa doanh nghiệp trong nước được hưởng ưu đãi khi xuất sang thị trường châu Âu cũng như khi doanh nghiệp nhập hàng về mà hải quan có thể chấp nhận và cho thông quan. Đây là vấn đề Bộ Công thương phải làm và phải làm tốt hơn nữa", ông Hưng khuyến nghị.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/mo-xa-lo-dua-hang-viet-vao-chau-au-can-dieu-gi-3410049/