Mộ vua Quang Trung: Ông Trần Viết Điền thiếu lý luận

Trong nghiên cứu lịch sử, nhất là khi phản biện công trình sử học, người muốn phản biện phải có đầy đủ tư liệu tham khảo cần thiết.

Nghiên cứu cần nghiêm túc

Mới đây, nhà nghiên cứu Trần Viết Điền đã đưa ra nhận định lăng Ba Vành nằm ở khu vực đồi Thiên An, phía tây thành phố Huế, mới là nơi an táng vua Quang Trung.

Trước nhận định trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 25/9, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết: "Đây là câu chuyện đã cũ, cách đây chục năm, những kết quả nghiên cứu của ông Trần Viết Điền không nhận được sự ủng hộ của giới nghiên cứu văn hóa Huế nói chung, thậm chí tôi cũng đã đưa ra những lý lẽ để phản biện cụ thể.

Tôi rất khích lệ và ủng hộ cho tinh thần nghiên cứu của ông Điền nhưng mọi kết quả đều cần có sự đánh giá khách quan.

Trong khi, kết quả nghiên cứu của tôi đã được Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Lịch sử Việt Nam và rất nhiều chuyên gia khác đánh giá cao và công nhận.

Tôi chỉ tập trung ở vị trí nằm tại gò ấp Bình An (thuộc phường Trường An, TP Huế, bao gồm khu vực chùa Thuyền Lâm, chùa Vạn Phước và khu dân cư chung quanh).

Năm 2016, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế và Viện Khảo cổ học đã có những bước đầu khảo sát khu vực này.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Viết Điền

Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có chủ trương giao cho Bảo tàng Lịch sử phối hợp với Viện khảo cổ Việt Nam tiếp tục mở rộng khảo cổ học ở khu vực này để tìm kiếm thông tin về dấu tích cung điện Đan Dương cũng như lăng mộ hoàng đế Quang Trung".

Bên cạnh đó, ông Xuân cũng tiết lộ thông tin sắp tới ông cho ra đời cuốn sách chùa Thiền Lâm - ngôi chùa lịch sử, cuốn sách được ông Lê Trọng Sâm nguyên là Trưởng phòng Thông tin văn hóa Thành phố Huế, đánh giá đây là một phần quan trọng trong Công trình nghiên cứu Cung điện Đan Dương sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung.

Và ông Xuân cho rằng, các cấp ngành liên quan nên gấp rút đi đến một cuộc khai quật ở địa điểm trên để có kết luận dứt khoát, tất cả đều minh chứng cho một nghiên cứu nghiêm túc.

"Tôi cũng đã thành lập nhóm nghiên cứu Đan Dương nhằm kế thừa những kết quả nghiên cứu về cung điện Đan Dương, vua Quang Trung, triệu đại Tây Sơn tại Huế...của tôi nhiều năm qua.

Để tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về tất cả các lĩnh vực liên quan triều đại Tây Sơn tại Phú Xuân (Huế); làm sáng tỏ vai trò triệu đại Tây Sơn trong lịch sử, tìm kiếm dấu tích cung điện Đan Dương, phủ Dương Xuân nói chung và lăng mộ Hoàng đế Quang Trung tại Huế nói riêng.

Cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung - công trình nghiên cứu trên 20 năm của tôi đã báo cáo nhiều nơi ở Huế, Hà Nội, TPHCM và cả ở nước ngoài (Pháp, Mỹ). Tháng 10/2007, Nhà xuất bản Thuận Hóa đã in công trình "Cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung", ông Xuân cho biết thêm.

Nghiên cứu cần sự thận trọng

Ở góc độ khác, theo ông Xuân trên trang web Cungdiendanduong.net của ông, ông đã có nhiều bài viết phân tích cụ thể về các kết quả nghiên cứu của nhà nghiên cứu Trần Viết Điền.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân bên hố khảo cổ của Viện Khảo cổ học đang tiến hành tìm dấu tích triều Tây Sơn và lăng mộ vua Quang Trung tại gò Dương Xuân, phường Trường An, TP Huế ngày 9/10/2016.

Cụ thể, tháng 11/2007, ông Trần Viết Điền người theo đuổi chứng minh lăng Ba Vàng ở phía nam tu viện Thiên An (bị nhiều nhà khoa học bác bỏ từ 20 năm qua). Ngay sau đó, ông Xuân đã có hai bài phản biện: Bài 1: "Có một bài phản biện về công trình "Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương - sơn lăng Hoàng đế Quang trung như thế"; Bài 2: "Trần Viết Điền viết phản biện công trình "Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung" của Nguyễn Đắc Xuân trong tâm cảnh nào".

Trong bài 1, ông tôi đã chứng minh ông Trần Viết Điền đã có tình "phịa" ra 6 thông tin lịch sử hòng đánh đổ công trình nghiên cứu của tôi nhưng không thành công.

Bài 2, tôi đã tố cáo nhà nghiên cứu Trần Viết Điền đã vu khống tôi và dẫn chứng cho độc giả thấy rõ công trình chứng minh lăng "Ba Vành ở phía Nam nhà thờ Thiên An là lăng mộ vua Quang Trung" đã bị các nhà khoa học (trong đó nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh) bác bỏ với đầy đủ tư liệu khẳng định lăng Ba Vành là lăng mộ Lê Quang Đại - Thượng thư Hộ bộ kiêm Binh bộ thời Nguyễn Phúc Hoạt/Khoát.

Hay như việc ông Trần Viết Điền cố tình chứng minh Miếu lễ Lê Thánh Tôn ở vùng chùa Vạn Phước nên tất cả những cổ vật tôi phát hiện ở vùng chùa Vạn Phước là của Miếu lễ Lê Thánh Tôn chứ không phải của Phủ Dương Xuân/Cung điện Đan Dương.

Nhưng ông Xuân đã phán bác ý kiến này và ông Điền đã phải nhận đó chỉ là giải thiết và Miếu lễ Lê Thánh Tôn chưa hề tọa lạc vùng chùa Vạn Phước.

Theo bài viết của ông Xuân thì trong nghiên cứu lịch sử, nhất là khi phản biện công trình sử học, người muốn phản biện phải có đầy đủ tư liệu tham khảo cần thiết, hết sức thận trọng trong từng chi tiết, xuất xứ tư liệu.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/mo-vua-quang-trung-ong-tran-viet-dien-thieu-ly-luan-3343861/