Mơ về một phố bên sông

'Nhà Bè nước chảy chia hai/Ai về Gia Định Đồng Nai thì về'

Từ khi chưa đặt chân tới Sài Gòn, đã nghe ngân nga câu ca ấy. Chưa bao giờ nghĩ rằng, ở nơi hai dòng sông Sài Gòn và Đồng Nai hợp lưu thành sông Nhà Bè trong câu ca dao ấy, lại sẽ là nơi gắn bó với mình. Không biết từ đâu và từ bao giờ, những địa danh ấy ngấm dần vào vô thức. Để khi lần đầu đặt chân tới nơi mang tên gọi TP.HCM cách đây đã 27 năm, không thấy quá ngỡ ngàng trước một thành phố bên sông.

Sinh ra cũng tại một thành phố bên sông, nhưng sự gắn bó với dòng sông quê có lẽ không bằng con sông ở nơi quê do mình tự chọn. Cũng phải thôi, vì khi còn ở nơi gọi là quê, thực ra lại là ở trong phố. Còn khi ở “thành phố”, thì nơi ở lại gần sông. Suốt một thời gian dài, tiếng còi tàu trên bến cảng thay tiếng chuông báo thức ngày ngày vào lúc năm giờ sáng. Những đêm về khuya qua cây cầu nổi tiếng giới giang hồ anh chị mà “tim đập chân run”. Lòng sông luôn tối sẫm một màu, lúc nào cũng như ẩn chứa những rủi ro khôn lường. Ngay bên bến Nhà Rồng, những chiếc ghe nhỏ đèn nhấp nháy trên nền bán đảo Thủ Thiêm tối đen như mực. Mỗi lần có việc đi ngang kênh Nhiêu Lộc, rạch Thị Nghè, những xóm nhà lá bên kênh nước đen như trong phim Mối tình đầu năm nào lại hiện ra, đặc quánh một mùi lam lũ, xa lạ, bất trắc, nên đầy e dè.

Vậy mà từ bao giờ không biết, tự nhiên thấy thiếu thiếu, nếu nói về Sài Gòn mà không nói về sông và kênh rạch. Từ bao giờ không biết, những tên gọi như rạch Thị Nghè, rạch Bến Nghé, Kinh Tẻ, kênh Tàu Hũ, Hàng Bàng, Lò Gốm…, các tên bến như Bến Bình Đông, Chương Dương, Hàm Tử, Vân Đồn…, đã xuất hiện thường xuyên trong những lời giới thiệu về lịch sử Sài Gòn với khách thập phương. Chương trình tham quan Sài Gòn mà tôi hay đưa khách đi ngày đó, luôn là chương trình “vượt rào”, so với các sản phẩm du lịch đại trà nhan nhản khắp nơi.

Một đoạn kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Ảnh: Zing

Một đoạn kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Ảnh: Zing

Chúng tôi thường bắt đầu từ đường Nguyễn Huệ, con đường hình thành khoảng những năm 1887-1888, khi người Pháp lấp con kinh xưa chạy từ sông Sài Gòn tới Dinh Xã Tây (Ủy ban Nhân dân TP ngày nay). Trong các bưu thiếp cổ xưa, chợ Bến Thành từng nằm bên con kinh này, trước khi dời về vị trí hiện nay vào năm 1814. “Sài Gòn trên bến dưới thuyền” đã luôn là câu mở đầu cho bài giới thiệu về lịch sử phát triển của vùng đầm lầy và rừng nguyên sinh hơn 300 năm này.

Lộ trình của những chuyến tham quan như vậy không bao giờ thiếu sông, cũng chẳng thế thiếu rạch, và cuối cùng luôn đưa du khách ngược lại quá khứ, tới bến Bình Đông, một trong những địa danh cổ nhất của Sài Gòn. Trong lòng luôn trào dâng một niềm tự hào khó gọi tên đối với vùng đất không sinh ra mình, khi thấy khách đưa máy lên chụp lia lịa những nhà cổ, xưởng xay lúa…, ghi lại một không khí ít nhiều còn lại của một vùng sông rạch ghe tàu sầm uất xa xưa.

Nhớ cả lần nổi hứng, đưa khách đi thăm những con hẻm ngoằn ngoèo thiếu sáng, những cây cầu bắc ngang rạch Thị Nghè, đi xích lô bên dòng nước đen ngòm Nhiêu Lộc, chỉ vì khách tỏ ý muốn nhìn thấy cuộc sống đời thường thực sự của cư dân thành phố. Những Đồng Khởi, Lê Lợi sáng choang đèn màu, những biệt thự, kiến trúc Pháp xưa còn lại, khách sạn lộng lẫy, chùa chiền, nhà thờ tôn kính uy nghiêm..., tất cả đều là cuộc sống thực, là hơi thở của một thành phố đang từng ngày chuyển mình. Nhưng những khu nhà chật hẹp, lô xô trong hẻm, hay nhà “cao cẳng” bên những dòng kênh, chợ chim chóc, chó mèo, gà vịt bên cầu Mống, chợ vật liệu xây dựng bên cầu Ông lãnh, bến Chuơng Dương... ngày đó, cũng là thực và luôn có sức hút kỳ lạ đối với du khách phuơng xa. Không có những thứ đó, chưa thể vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về bản sắc Sài Gòn.

Những cây cầu bắc qua kênh rạch và con sông ngày càng trở nên quen thuộc qua hơn qua từng chuyến đi. Sông Sài Gòn với chiều dài là 200 km, bắt nguồn từ Hớn Quản (Bình Phước) chạy ngang Thủ Dầu Một, có chiều dài đô thị là 80km, có thể chào mời một cảnh quan đặc sắc, giúp du khách hiểu hơn về nơi từng “trên bến dưới thuyền”, một nơi từng là “phố giữa rừng”. Vẫn còn đó một ước mong cho những chuyến tham quan bằng tàu, bằng thuyền trên sông, trên những con kênh ngang dọc trong thành phố, như ở đa số các đô thị bên sông khác trên thế giới. Thật là phi lý, khi trong lòng một “phố ôm sông” lại chỉ được ngắm sông từ phố, mà không thể chiêm ngưỡng phố từ lòng sông.

Con sông Sài Gòn ấy, thực ra là một “sông ôm phố”, hay thành phố này là một “phố ôm sông”? Nói như nhà văn lừng danh Lev Tolstoï thì: Dòng chảy của sông giống như dòng chảy của một đời người, ẩn chứa biết bao điều không thể đoán được. Và ở Sài Gòn, không giống bất cứ thành phố nào ở Việt Nam, kênh rạch chằng chịt đan xen đường, ngang qua phố, như những dòng chảy ôm lấy nhau, tách ra và hợp lại, chở theo bao bí ẩn của kênh, của rạch, của sông và của người. Ngày ngày đi trên những con phố, dõi mắt theo dòng sông và những con kênh, thấy cuộc đời cũng đôi lần lên xuống, cũng dao động theo dòng triều bán nhật của biển Đông.

“Nhớ những con kênh nối hai dòng sông…” (*)

Không phải đa số người sống tại thành phố này đều biết về những con kênh. Nhiều tên gọi đã thành quen đến độ không mấy ai quan tâm, rạch này bắt nguồn từ đâu, hay những gì đã xảy ra, đã in dấu trên dòng nước kênh kia khi nào. Đằng sau những bộ mặt mang hình nước, luôn là một quá khứ, là một thời trong trẻo tươi xanh hay đục ngầu đen tối. Rạch Bến Nghé và rạch Thị Nghè đã từng là những đường giao thông quan trọng nhất của phố bên sông.

Rạch Bến Nghé – điểm nối Sài Gòn với các tỉnh miền Tây - ngay từ năm 1778 đã góp phần hình thành nên một đô thị song sinh sầm uất mang tên Chợ Lớn với các chợ phố, các bến ghe lừng danh một thời: Bến Chương Dương, Bến Hàm tử, Bến Bình Đông,v.v. Rạch Thị Nghè được đặt theo tên bà vợ một ông Nghè, con gái của quan Thống suất Nguyễn Cửu Vân vào đầu thế kỷ 18, người đã bắc cây cầu Thị Nghè, và con rạch cũng mang tên này từ đó. Rạch này từng được coi là ranh giới giữa nội thành và ngoại thành Sài Gòn xưa.

Nội thành Sài Gòn nay có năm hệ thống kênh rạch chính: Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Kênh Tẻ - Bến Nghé, Tàu Hũ - Kênh Đôi, Tân Hóa - Lò Gốm và Tham Lương - Bến Cát. Thành phố đang đổi thay và bộ mặt những kênh rạch cũng đã khác xưa rất nhiều. Không còn một Nhiêu Lộc đen ngòm hôi thối nữa. Những ngôi nhà ổ chuột biến mất gần hết. Con kênh uốn lượn theo phố, khiến bộ mặt thành phố nhìn tuyệt đẹp từ tầm cao. Cảnh quan và môi trường sống của dân cư ven bờ kênh đã được cải thiện rất nhiều. Những con đường ven kênh dần trở nên xanh mát, cho người dân chiều chiều đón gió từ sông thổi về. Có một Sài Gòn rộng mở hơn đang hình thành.

Nhưng thành phố này cũng đã phải trả giá quá đắt vì đã lấp hơn 30% kênh rạch, là đường thoát nước, tích nước tự nhiên và điều hòa môi trường (thông tin của Viện khoa học công nghệ và quản lý môi trường). Thành phố đã quyết định khôi phục lại và mở rộng kênh Hàng Bàng - từng bị lấp để làm cống hộp và bị ô nhiễm nặng - như một giải pháp thoát nước, chống ngập và làm sạch môi trường. Sự thay da đổi thịt của thành phố trên nhiều phương diện, có làm Sài Gòn thay hồn đổi cốt hay không? Đâu đó vẫn là một mối lo rõ dần khi không còn một “Sài Gòn trên bến dưới thuyền” nữa, khi những ngôi nhà cổ dần biến mất, những rặng cây cổ thụ cũng lên đường. Những con kênh và những dòng sông bị thu hẹp lòng vì muôn vàn lý do trong vỏ bọc an toàn mang tên “phát triển”, đang trần mình giữa bê tông, trong cái thờ ơ đến nhẫn tâm của con người trước sự ô nhiễm môi trường và trong cái nắng ngày một chói chang của thời kỳ biến đổi khí hậu không gì ngăn nổi.

Chuyện về những dòng kênh và dòng sông còn dài lắm. Trong mỗi con sông, mỗi dòng kênh, đều ẩn chứa vô vàn câu chuyện nho nhỏ về số phận của chúng và cuộc đời của nhiều thế hệ con người đã sinh ra, lớn lên và gắn bó với chúng. Nhiều câu chuyện nhỏ làm nên một câu chuyện lớn về đất và người. Nhiều câu chuyện lớn làm nên lịch sử của một vùng đất và lịch sử của một dòng sông.

Người ơi, hãy tiếp tục mơ, một giấc mơ mang tên: Sài Gòn - Phố bên sông.

Họa sĩ Trần Thùy Linh

__________

(*) Lời bài hát “Em còn nhớ hay em đã quên” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/mo-ve-mot-pho-ben-song-26583.html