'Mỏ vàng' của sân khấu không dễ khai thác

Sân khấu Việt thời gian qua đã có nhiều nhà hát thành công khi đưa những tác phẩm văn học lên sàn diễn.

Khai thác triệt để

Những tác phẩm nổi bật có thể kể đến Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây, Giông tố (tác giả Vũ Trọng Phụng); Tắt đèn (Ngô Tất Tố); Cuộc phiêu lưu những bức thư tình (Nguyễn Đông Thức); Chiều vắng, Dòng nhớ (Nguyễn Ngọc Tư); Trăng nơi đáy giếng (Thùy Mai)...

Để khởi động sân khấu Thủ đô sau thời gian trầm lắng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Sân khấu Lệ Ngọc vừa khởi dựng vở Dế Mèn (kịch bản Lê Chí Trung, đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng) dựa trên tác phẩm văn học Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài. Theo ê-kíp thực hiện, Dế Mèn sẽ tái hiện cuộc phiêu lưu kỳ thú của nhân vật Dế Mèn, mở ra thế giới loài vật sinh động với các nhân vật Dế Choắt, Nhà Trò, Dế Trũi, Xén Tóc, Nhện... Bên cạnh đó, vở diễn còn lồng ghép thông điệp về bảo vệ môi trường và tự do tuổi trẻ: “Thế giới rộng lớn, tuổi trẻ bao la - Phải đi thật xa để hiểu: Thiên nhiên là nhà!”. Dự kiến tháng 4/2021, Dế Mèn sẽ ra mắt khán giả.

Sân khấu Kịch Phú Nhuận vừa trình làng vở kịch Làm đĩ dựa theo tác phẩm văn học của nhà văn Vũ Trọng Phụng, tác giả Chu Thơm chuyển thể kịch bản sân khấu, NSND Hồng Vân đạo diễn. Đưa tác phẩm văn học lên sân khấu trong thời đại mới, vở kịch tái dựng cuộc sống trác táng của giới thượng lưu và sự thăng trầm của từng nhân vật từ giàu tới nghèo. Đáng chú ý, vở kịch này do 12 diễn viên trẻ đảm nhận, được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao vì đã thể hiện đầy đặn cảm xúc của nhân vật, mang lại cảm nhận tươi mới qua cách kể chuyện của diễn viên thời nay.

Cũng cần phải nói đến vở ballet Kiều (chuyển thể từ Truyện Kiều của Nguyễn Du) do biên đạo múa Tuyết Minh tổng đạo diễn, từng gây nên hiện tượng “cháy vé” khi biểu diễn ở hai miền Nam - Bắc năm 2020. Sự hòa trộn nhuần nhuyễn các thủ pháp, kỹ thuật của múa ballet kinh điển châu Âu với múa truyền thống của Việt Nam, sự kết hợp giữa âm nhạc phong cách hiện đại với âm điệu dân gian dân tộc nước nhà, cùng với hiệu ứng về phục trang, đạo cụ, sân khấu và nghệ thuật thị giác hiện đại, mới mẻ khiến cho ballet Kiều là một tác phẩm múa mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả.

Ballet Kiều được đánh giá cao và gây sốt với khán giả.

Ballet Kiều được đánh giá cao và gây sốt với khán giả.

Muốn “chất” cần phải sáng tạo

NSND Hồng Vân đã đưa nhiều tác phẩm văn học lên sàn diễn chia sẻ, kịch văn học có bố cục câu chuyện chặt chẽ, giàu tính nhân văn, lời thoại giàu ý thơ, tâm lý nhân vật dễ khai thác. Quan trọng hơn là thủ pháp dàn dựng có sự tương tác, nâng tầm tác phẩm để người xem rời khỏi trang sách vẫn có thể bay bổng cảm xúc theo câu chuyện kịch.

Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ sân khấu cũng thừa nhận, không phải tác phẩm văn học nào đưa lên sân khấu đều thành công. Bởi thực tế cho thấy, sân khấu là nghệ thuật biểu diễn nên khi chuyển thể tác phẩm văn học, biên kịch cũng như đạo diễn phải lựa chọn tình tiết, hành động, nhân vật phù hợp để đưa lên không gian của sàn diễn sao cho phù hợp và đạt hiệu quả tốt nhất. Vì thế khi chuyển thể, có những nét tinh túy, đặc sắc của tác phẩm văn học như ngôn từ, hình ảnh... phải được các nghệ sĩ tính toán kỹ nên giữ lại hay cắt bỏ. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tác phẩm văn học.

NSND Doãn Hoàng Giang cho rằng, để đưa tác phẩm văn học lên sân khấu rất cần có sự sáng tạo, nhất là đối với những trích đoạn được coi là phức tạp, nếu xử lý không khéo thì sẽ làm hỏng cả tác phẩm. Một số người trong nghề lại chia sẻ, muốn chuyển thể thành công tác phẩm văn học thì các nhà biên kịch phải đọc nhiều, cảm nhiều. Hay đạo diễn Ái Như có bí quyết, mỗi lần làm kịch văn học thì gần như trung thành tuyệt đối với tác phẩm, chỉ phát triển thêm những tình huống nhằm đẩy cao trào vở diễn, điều này đã giúp cho vở kịch không bị sai lạc đường dây cốt truyện nhưng không “đồ theo” truyện đọc, khán giả có thể đẩy suy nghĩ của mình vào cùng với nghệ sĩ tháo gỡ các nút kịch.

Mộc Lan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mo-vang-cua-san-khau-khong-de-khai-thac-n188581.html