Mơ ước xây nhà cho mẹ của thanh niên đi tù vì ma túy

Từ ngày vào trại giam cải tạo lao động, Giàng A Tỏa, SN 1995 ở Lầu Thí Ngài, Bắc Hà ( Lào Cai) được học nghề xây dựng. Hàng ngày tiếp xúc với vôi vữa, đánh hồ và khuân gạch, Tỏa ao ước sau này ra trại sẽ xây cho mẹ một căn nhà và kiếm sống bằng công việc này.

Ngồi lọt thỏm giữa hai phạm nhân khác, Tỏa nổi bật với nước da rám nắng và vóc dáng rắn rỏi. Nam phạm nhân này khoe thành tích đáng nhớ nhất trong khoảng thời gian 4 năm ở trại cải tạo chính là học được nghề xây dựng cho dù công việc mà anh ta đang làm chỉ là khuân gạch và đánh vữa. Hỏi về tội danh, Tỏa cười ngượng nghịu bảo vận chuyển thuê ma túy. Tiền công chưa thấy đâu nhưng hình phạt nhận về là 11 năm tù

Chỉ vì muốn có tiền tiêu

Ngập ngừng kể về tội lỗi của mình, Tỏa bảo tại vì lúc đó bạn rủ qua biên giới chơi nhưng trong túi không có tiền. Đang lúc đắn đo thì một người đàn ông nhờ cầm hộ gói đồ qua biên giới sẽ có vài triệu để tiêu nên đã nhận lời. Hỏi Tỏa có biết gói đồ ấy là gì không, nam phạm nhân này gật đầu. “Có gì mà không biết. Gói hàng nhỏ con thế không mất công sức vận chuyển lại được món tiền lớn thì chỉ có là ma túy thôi. Tại mình tham mà”, Tỏa tâm sự.

Sinh ra trong một gia đình nghèo lại đông con, bố mẹ làm nông nghiệp nên cuộc sống của Tỏa vốn chỉ là thanh đạm, bần hàn. Tỏa bảo anh ta cũng được đi học nhưng chỉ hết cấp tiểu học là nghỉ. Thời gian ở nhà, Tỏa đi nương với bố mẹ, rảnh rỗi lại vào rừng chặt củi khô đem về chợ bán. Tỏa bảo nhà cách chợ Bắc Hà không xa lắm nên ngoài những lần mang củi, mang rau củ hay những vật nuôi được như gà, lợn ra chợ bán thì những phiên chợ chính, Tỏa vẫn có mặt. Hỏi để làm gì, anh ta cười bảo để dắt hộ ngựa, trông thuê ngựa và thấy có khách mua thì nói đỡ vài câu cho chủ, thế nào cũng được cho tiền hoặc mời uống rượu. Được va chạm với nhiều người, Tỏa khôn lanh hơn so với đám bạn, thế nhưng chẳng biết có phải vì cái sự khôn ngoan ấy mà đến khi bị bắt, Tỏa vẫn chưa có vợ.

Hỏi Tỏa lý do vì sao chưa lập gia đình, phạm nhân này gãi tai ngắc ngứ: “Tại con gái nó chê xấu, nhà nghèo”.
Theo lời phạm nhân này thì anh ta cũng từng nhiều đêm theo đám bạn đi tán gái, cũng từng nhiều lần đứng mỏi cả chân để ngóng đợi và cũng từng đứng ngắt nát cả bờ rào nhà người nhưng các cô gái chỉ đi chơi với Tỏa vài lần rồi cứ lần lượt làm vợ người khác. Tỏa bảo ngày đó mỗi lần bố mẹ hỏi sao không đi bắt vợ, anh ta chỉ cười trừ vì nghĩ mình còn trẻ lắm, mới hai mươi tuổi thì lo gì. Thế nên tiền kiếm được không nhiều lắm, song cũng chỉ để anh ta tiêu xài cá nhân. “Chúng tôi hay đi chơi lắm, lúc thì lên SaPa, có khi thì sang bên Trung Quốc. Để mua gì ư, muốn mua cả chợ về dùng nhưng làm gì có tiền mà mua, đi chơi để ngắm thôi”, Tỏa tâm sự.

Lần ấy, theo lời Tỏa kể thì vào khoảng giữa tháng 8-2016, anh ta cùng nhóm bạn rủ nhau sang Trung Quốc chơi. Tỏa thích lắm vì trong nhóm có một thiếu nữ mà anh ta có cảm tình nên đặt nhiều hy vọng vào chuyến đi này. Nuôi ý định sẽ mua tặng thiếu nữ nọ một món quà, ngày nào Tỏa cũng ra chợ với mong muốn kiếm được ít tiền. Thế nhưng chẳng hiểu sao những người hay nhờ Tỏa trong việc dắt hộ, canh chừng hay cho ngựa uống nước lại không ai thuê anh ta cả. Đang không biết phải làm gì để có tiền đi chơi thì một người đàn ông xuất hiện, nhờ Tỏa cầm hộ gói hàng qua biên giới, sẽ có người tìm gặp nhận. Ông ta lấy số điện thoại của Tỏa, hứa sau khi gói hàng đến tay người nhận thì Tỏa sẽ được người này cho 2 triệu đồng tiền công. Chỉ nghe thôi, Tỏa đã biết gói hàng đó là gì nhưng vì cần tiền nên anh ta vẫn nhận lời.

Hỏi Tỏa hàng bị bắt, bản thân thì đi tù thì người mất hàng có tìm đến nhà đòi không. Anh ta tròn mắt trước câu hỏi của chúng tôi. Gần một phút trôi qua, nam phạm nhân này thủng thẳng: “Không ai dám đến nhà đòi đâu, nó cũng sợ bị đi tù mà”.

Thế nhưng chuyến đi ấy đã không thành công. Khi Tỏa với nhóm bạn còn đang lang thang ở TP Lào Cai, còn chưa kịp tìm được qua biên giới thì anh ta bị bắt giữ. Với nửa bánh heroin trong túi áo, Giàng A Tỏa bị kết án 11 năm tù, thi hành án ở trại giam số 5.

Các phạm nhân trại giam số 5 tham gia lớp học tìm hiểu về kiến thức pháp luật .

Các phạm nhân trại giam số 5 tham gia lớp học tìm hiểu về kiến thức pháp luật .

Và một ước mơ giản dị

Theo lời phạm nhân này kể thì thời gian đầu về trại cải tạo, anh ta chưa được học nghề xây dựng ngay đâu mà làm việc ở đội làm mi giả. Tỏa bảo do tay chân vụng về, không quen với công việc tỉ mỉ ấy nên sản phẩm làm ra toàn bị lỗi. Tỏa được chuyển về đội làm hàng mã nhưng cũng không thể thành thạo được nên được chuyển về đội xây dựng.

Nói về công việc đang làm, nam phạm nhân này kể rằng, ngày đầu chưa quen nên thấy đau lưng, nhưng một thời sau thấy quen rồi lại thích. Tỏa bảo công việc đòi hỏi phải có sức khỏe để bưng bê, gánh gạch nhưng bù lại thì làm việc ngoài trời sẽ thoáng đãng và thoải mái chứ không bức bối hay gò bó như trong nhà xưởng. Tỏa bảo công việc chính của anh ta là bê gạch và gánh cát. Thi thoảng cũng được cho đánh vữa nhưng phải trộn bao nhiêu cát, bao nhiêu xi măng thì anh ta không biết. Nhiều lúc rảnh rỗi, Tỏa cũng được bạn tù cho cầm dao xây, dạy cho cách đặt vữa, đặt gạch.

Hỏi về gia đình, bố mẹ và các anh chị, Tỏa bảo nhớ nhà và thương bố mẹ. Anh ta thành thật tâm sự rằng ngày còn ở nhà chỉ biết đi chơi, đến khi vào đây rồi mới thấy thương bố mẹ. Nhiều hôm trại khẩu phần ăn có cá kho, Tỏa lại chạnh lòng nghĩ tới bố mẹ, giờ này ở nhà đang nai lưng ngoài rẫy mà tháng giáp hạt vẫn không có gạo để ăn… Tỏa bảo sau này ra trại sẽ đi làm thợ xây để kiếm tiền chứ không về quê làm ruộng. Anh ta ao ước sau này về nhà sẽ dựng một căn nhà xây cho bố mẹ ở, không còn phải chịu cảnh nắng mưa, nhà dột hay vất vả vào rừng chặt cây về dựng nhà, bưng vách nữa.

“Em vào đây được mấy năm rồi, chưa được gặp người thân vì nhà ở xa, bố mẹ cũng không có điều kiện. Nói chuyện qua điện thoại thì anh trai bảo ở nhà mọi người vẫn khỏe, mẹ không đi rẫy nữa, ở nhà trông cháu thôi. Em đoán mẹ chắc già rồi, các anh chị lại sinh nhiều con nên mẹ phải ở nhà giữ cháu cho các anh chị ấy đi nương”, Tỏa bộc bạch.

Hỏi Tỏa ngoài thời gian đi lao động, có tham gia vào các hoạt động khác như văn hóa, văn nghệ, thể thao của trại không, Anh ta cười bảo có vào đội bóng đá và tham gia thi đấu vào các dịp lễ Tết do trại giam tổ chức. Thời gian rảnh rỗi và nhất là 2 ngày nghỉ cuối tuần không phải đi lao động, Tỏa dọn dẹp chỗ ở, giặt giũ quần áo và xem tivi. Hỏi có viết thư về cho gia đình không, anh ta lắc đầu kêu ngại.

“Em chỉ mong cải tạo tốt để sớm trở về nhà thôi. Nếu không được giảm án, đến lúc ra trại em cũng mới ngoài 30 tuổi thôi”, Tỏa cho biết. Anh ta chỉ nói đến ước mơ sau này xây nhà cho mẹ và giấu kín ý định của mình khi nhắc đến cái tuổi ngoài ba mươi khi ra trại. Có thể nam phạm nhân này nghĩ đến chuyện lấy vợ, cũng có thể anh ta đang nghĩ tới cô gái trong mộng mà ngày ra đi chưa kịp hẹn hò. Dẫu không biết được chính xác ẩn ý gì phía sau câu nói đó thì chúng tôi cũng thầm chúc cho anh ta toại nguyên bởi đó là một ước mơ rất chính đáng và lương thiện.

Nguyễn Vũ – Hà My

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/mo-uoc-xay-nha-cho-me-cua-thanh-nien-di-tu-vi-ma-tuy-192930.html