Mở tờ khai gạo giữa đêm: Kiến nghị hủy toàn bộ khai khống, khai 'xí phần'

Ngày 15/4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam - VFA đưa ra nhiều kiến nghị, liên quan đến những bức xúc, khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Theo đó, VFA có báo cáo nhanh gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan và các đơn vị khác có liên quan về những bất cập, khó khăn gặp phải của các thương nhân khi mở tờ khai hải quan để xuất khẩu gạo.

Theo VFA, 41/92 thương nhân có ý kiến gửi đến đơn vị này nhờ can thiệp, giúp đỡ liên quan đến vấn đề khai báo hải quan. Hầu hết đều khẩn thiết đề xuất các phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trước hết là giải tỏa toàn bộ lượng gạo hàng hóa có tại các cảng bằng cách tạo điều kiện cho các thương nhân khai tiếp những đơn hàng còn đang khai dở dang và cho thông quan hết toàn bộ số lượng gạo hàng hóa đã nằm trên cảng trong thời gian sớm nhất có thể (số lượng thực tế ước không vượt quá 300.000 tấn).

Đề xuất cho phép xuất khẩu lại gạo nếp (HS 1006.30) và các mặt hàng gạo hữu cơ không giới hạn sản lượng do thực tế phân khúc này hoàn toàn không ảnh hưởng đến cân đối cung cấu lương thực trong nước.

Đề xuất Tổng cục Hải quan xem xét tạo điều kiện phân luồng xanh và luông vàng (vì gạo là mặt hàng xuất khẩu ưu đãi với thuế suất xuất khẩu là 0%) cho các lô hàng đã sẵn sàng ở cảng khi khai báo hải quan để được thông quan nhanh chóng. Vì phân luồng đỏ toàn bộ các lô hàng sẽ dẫn đến tình trạng mất rất nhiều thời gian thông quan và chi phí phát sinh cho việc kiểm hóa kéo theo rất tốn kém và có thể khiến tình trạng tiêu cực xảy ra.

Song song đó, vẫn phân luồng đỏ và thực hiện kiếm hóa chặt chẽ, minh bạch đối với những tờ khai nghi ngờ khai khống giành chỗ trước (đối với hàng container) và những tờ khai chưa có thông tin tên tàu chính xác, tàu chưa cập phao (đối với hàng tàu).

Đối với những đơn hàng đã ký hợp đồng nhưng hàng hóa chưa sẵn sàng tại cảng, các thương nhân tham gia báo cáo cho biết họ đang nỗ lực đàm phán với phía khách hàng nhằm hòa hoãn thời gian giao hàng, qua đó góp phần đảm bảo được mục tiêu an ninh lương thực mà Chính phủ Việt Nam đang theo đuổi giữa bối cảnh khó khăn hiện nay của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Về hạn ngạch 400.000 tấn, đối với hàng container, tiến hành kiểm tra số container, số seal đã được các thương nhân mở tờ khai qua mạng xem có hay không. Tùy thực tế có thể vừa kiểm tra và vừa xuất hàng bị tồn đọng tại cảng, vừa phát hiện được thương nhân khai báo khống nhằm giữ lượng hạn ngạch.

Các cơ quan có thẩm quyền phải áp dụng biện pháp chế tài đối với các thương nhân không xuất trình đúng, đủ số lượng hàng hóa, số container và số seal hàng như đã khai báo. Hủy toàn bộ tờ khai của thương nhân tại hệ thống nếu phát hiện việc khai khống số lượng, khai khống số container và số seal, không xuất trình được hàng hóa khi kiểm hóa.

Đối với hàng tàu, ưu tiên thực hiện thủ tục hải quan cho các thương nhân có tàu đã vào cảng nhận hàng trước và trong ngày 12/4 để các thương nhân tranh thủ xếp hàng nhanh. Cũng như hàng container, các cơ quan có thẩm quyền phải có biện pháp chế tài đối với các thương nhân không xuất trình đúng, đủ số lượng hàng hóa như đã khai báo. Hủy toàn bộ tờ khai của thương nhân tại hệ thống nếu phát hiện tình trạng không có tàu tại phao, khai khống số lượng, không xuất trình được hàng hóa.

Ngoài ra, các thương nhân còn yêu cầu xem xét miễn giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn chung này, tạo điều kiện cho thương nhân tiếp tục thực hiện các hợp đồng bao tiêu tiêu thụ lúa gạo với nông dân.

Bộ Công Thương kiến nghị xuất khẩu gạo trở lại

THANH TIẾN

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bao-ve-nguoi-tieu-dung/mo-to-khai-gao-giua-dem-kien-nghi-huy-toan-bo-khai-khong-khai-xi-phan-ar540361.html