Mở thị trường cho ngành công nghiệp ô-tô

Theo ước tính của Bộ Công thương, năm 2019, Việt Nam sẽ chi khoảng 3,4 tỷ USD cho hoạt động nhập khẩu ô-tô, chủ yếu là các dòng xe cá nhân dưới chín chỗ ngồi.

Xe nhập khẩu đang "đổ bộ" vào thị trường Việt Nam sau hiệu ứng tác động từ chính sách giảm thuế nhập khẩu ô-tô về 0% theo cam kết tại Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Sản lượng ô-tô nhập khẩu bảy tháng đầu năm 2019 đã tăng 500% so cùng kỳ năm 2018 và đến hết tháng 9 đã vượt ngưỡng 100 nghìn chiếc.

Xe ô-tô sản xuất ở nước ngoài nhập về ngày càng nhiều không chỉ làm gia tăng sức ép đối với các doanh nghiệp sản xuất ô-tô trong nước mà còn khiến cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam trở nên khó khăn. Do hoàn cảnh lịch sử, xuất phát điểm của ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam chậm hơn khoảng 20 năm so với các nước trong khu vực. Với đặc thù tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá thành cao, ngành sản xuất ô-tô Việt Nam không chỉ vất vả cạnh tranh với các nước đi trước mà còn phải cạnh tranh với sự phát triển của các nước đi sau như Mi-an-ma, Lào, Cam-pu-chia. Nguyên nhân khiến xe ô-tô Việt yếu thế là do các chính sách, chiến lược phát triển ngành trong thời gian dài trước đây còn duy ý chí, chưa phù hợp quy luật thị trường.

Cơ quan hoạch định chính sách đề ra mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa quá cao so với dung lượng thị trường trong khi lại thiếu các chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho người dân sở hữu ô-tô. Nếu không thể duy trì ngành sản xuất, lắp ráp ô-tô nội địa sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách lớn, bởi ngành công nghiệp ô-tô mỗi năm đang đóng góp hàng tỷ USD vào ngân sách nhà nước, tác động đến ngành công nghiệp hỗ trợ, ảnh hưởng việc làm của hơn 100 nghìn lao động.

Ðáng mừng là ở thời điểm hiện tại, công nghiệp ô-tô Việt Nam đang xuất hiện những nhân tố mới. Về phía cung, cục diện thị trường dần xoay chuyển khi Công ty cổ phần ô-tô Trường Hải tăng công suất dây chuyền lắp ráp và sự ra đời của hãng xe Vinfast sản xuất ô-tô mang thương hiệu Việt Nam. Về phía cầu, thị trường cũng đang mở dần đối với xe nội địa. Mới đây, gần 400 xe ô-tô của Vinfast được đưa vào sử dụng làm phương tiện tài trợ phục vụ nhu cầu di chuyển của các đại biểu quốc tế đến Việt Nam dự Hội nghị ASEAN 2020. Bên cạnh đó, theo kết quả đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010 - 2017, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt gần 3.000 USD /năm thay vì mức 2.385 USD trước đây. Ðiều này cho thấy xu thế ô-tô hóa ở Việt Nam rất có thể sẽ đến sớm hơn dự kiến.

Một trong những nút thắt lớn nhất cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam là hạn chế về dung lượng thị trường. Ðây là ngành có lợi thế về quy mô nhưng thị trường ô-tô Việt Nam nhỏ nhất trong năm nước có ngành công nghiệp ô-tô tại ASEAN. Do đó, rất cần Nhà nước hỗ trợ tạo ra thị trường, làm tiền đề để đẩy mạnh nội địa hóa trong ngành công nghiệp ô-tô.

Yếu tố quan trọng được các doanh nghiệp trong ngành chờ đợi là các chính sách bứt phá về thuế, tài chính. Ðó là không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước; điều chỉnh thuế nhập khẩu về 0% đối với một số cụm chi tiết quan trọng của ô-tô dưới chín chỗ ngồi, áp dụng có thời hạn đến năm 2025. Về chính sách tín dụng, hình thành gói tín dụng ưu đãi cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô-tô như đối với gói tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao,…

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh chính sách thuế có thể làm hụt thu ngân sách trong ngắn hạn nhưng sẽ góp phần bảo vệ được thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và là cơ sở thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam.

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/42231202-mo-thi-truong-cho-nganh-cong-nghiep-o-to.html