Mơ thành phố thông minh trong... bão

Cũng may là bão số 9 đã chuyển thành áp thấp nhiệt đới khi vào TPHCM, chứ không hậu quả chắc không dừng ở chỗ do... mưa lớn. Cũng may nó càn quét thành phố trong hai ngày cuối tuần - thời điểm số đông người dân không phải đi làm, đi học. Cũng may là bên cạnh cách cảnh báo cũ qua ti vi, đài, báo... mà nhiều người ít theo dõi, nhà mạng viễn thông 'sáng tạo' gửi tin nhắn đến các thuê bao của mình. Cũng may ông Trời có mưa thiệt từ sớm, từ khuya thứ Bảy, để đến sáng Chủ nhật, dù chưa rất to như trong chiều và tối sau đó, nhiều người vì ngại nên 'hạn chế' ra đường theo lời khuyên trong tin nhắn.

Nhiều tuyến đường nước ngập mênh mông sau cơn mưa do ảnh hưởng của bão số 9. Ảnh: Thành Hoa.

May nhưng mà... không may. Nói gì thì nói, cái thành phố cả chục triệu người này không thể án binh bất động, nhất là khi, tin tức từ các địa phương khác cho thấy sức gió từ bão số 9 không “khủng” như cảnh báo. Cái sự khủng nằm ở lượng mưa mà nó gây ra trên chính địa bàn thành phố. Và thật không may, đó lại là điều “vượt quá dự đoán của đài khí tượng thủy văn ban đầu”, theo ông Nguyễn Văn Trực - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM. Mà nếu có dự đoán được thì hạ tầng chống ngập cũng vô phương chống đỡ, vì “Thành phố chưa xây dựng được kịch bản cũng như cơ sở vật chất để ứng phó với lượng mưa 400 mi li mét. Hiện chương trình chống ngập của thành phố đang được tính toán trên lượng mưa trung bình khoảng 200 mi li mét...”, cũng theo ông Trực.

Sẽ còn nhiều bàn luận về khả năng dự đoán ban đầu cũng như tính phù hợp về giải pháp, quy mô, tiến độ của chương trình chống ngập mà thành phố đang thực hiện và đang bị đình trệ một dự án thành phần quan trọng. Ở đây chỉ xin nói về việc ứng phó với trận mưa có “lượng mưa cao đột xuất, trên bình diện rộng và thời gian kéo dài” vừa qua, trên cơ sở những khả năng hiện có.

Phản hồi bài báo phản ánh mức độ ngập trên đường Phan Huy Ích, quận Tân Bình, với hình ảnh hàng chục ô tô bị tài xế bỏ lại nằm lăn lóc trong nước, một bạn đọc viết rằng mình may quá, vừa qua đường này lúc nước còn chưa dâng cao, bạn đọc khác nói rằng mình thật là xui khi nước đã cao rồi mà không biết, vẫn đâm đầu vào đó. Giá như người dân có thể... mua may cho mình qua các phương tiện thông tin đại chúng, tin nhắn hay qua mạng xã hội. Điều này hoàn toàn có thể làm được như với việc thông tin về tình trạng kẹt đường mà VOH đang làm. Chúng ta có hệ thống camera giao thông có thể quan sát được tình trạng ngập, có lực lượng cảnh sát giao thông trực chiến một số nơi, có lực lượng tại chỗ của địa phương và có vô vàn cộng tác viên là người dân sống tại hiện trường, người đi đường. Vấn đề là đầu mối tiếp nhận và xử lý. Và, nếu chính quyền có một Fanpage trên Facebook, nội chuyện tổng hợp tin tức khắp các nơi từ “lực lượng” Facebooker cũng đã phản ánh được một phần của bức tranh rồi.

Tất nhiên, nếu tình trạng ngập lụt diễn ra khắp nơi, cả thành phố trở thành một điểm ngập khổng lồ duy nhất thì cho dù được cảnh báo, người dân một khi đi ra đường có chạy đằng trời cũng không khỏi... nước. Nhưng nghĩ đến đây, lại nghĩ cũng có cách để giảm thiểu việc người dân do chưa đánh giá hết mức độ mưa mà vẫn đi ra đường khi không thật sự cần thiết. Ấy là thông tin cần được thông báo, cập nhật liên tục đến người dân, có thể cũng bằng tin nhắn như lúc đầu.

Gần đây, chúng ta nghe nói nhiều về việc xây dựng thành phố thông minh, ứng dụng Internet, Big data (dữ liệu lớn) để kết nối chính quyền với doanh nghiệp, người dân và giữa doanh nghiệp, người dân với nhau. Hãy bắt đầu... thông minh từ những nền tảng hiện có, để phục vụ cho nhu cầu khẩn cấp trước mắt như trong tình huống thiên tai vừa rồi, trước khi tính đến và chờ thực hiện các khoản đầu tư lớn.

Cần tầm nhìn thông minh, xuất phát từ nhu cầu thiết thực của đời sống, trong việc xây dựng thành phố thông minh. Nhìn lại cuộc ông Trời “thử nghiệm sự kiên trì của thành phố về công tác phòng chống lụt bão” (lời ông Trực) vừa qua, có thể thấy, cái khó nằm ở chỗ nghĩ ra được đề bài cho mình. Nếu ngay từ đầu có ý tưởng tổng hợp, tích hợp thông tin tình hình mưa gió, ngập lụt, cây đổ, tai nạn... rồi truyền tải, cập nhật đến người dân, dựa vào lực lượng hiện có và sự tương tác của chính người dân, thì cuộc “thử nghiệm” đã cho tín hiệu tích cực ở khía cạnh giải pháp phi công trình.

Có thể cuộc thử nghiệm vừa qua bất ngờ về quy mô, cường độ đối với chính quyền thành phố và cả người dân nên việc ứng phó bị động, nhưng hãy từ đây mà tính đến các kịch bản xấu hơn vì diễn biến của biến đổi khí hậu càng ngày càng xấu hơn. Từ bây giờ, cùng bắt đầu hiện thực hóa giấc mơ về một đô thị thông minh...

Nguyên Lê

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/td/282186/mo-thanh-pho-thong-minh-trong-bao-.html