Mộ tặc hoành hành ở Chiết Giang, Trung Quốc

Một ngày vào tháng 4 năm 2015, bà Vương, người ở thôn hẻo lánh thuộc trấn Bình Thủy, huyện Thiệu Hưng, tỉnh chiết Giang lên núi hái măng. Đang đi bỗng 'hẫng' một cái bà bị ngã xuống một cái hố rất sâu được ngụy trang khéo léo.

Cú ngã này làm bà bị gãy một chân và càng nghĩ bà càng thấy có cái gì đó rất lạ. Con đường trên sườn núi này bà đã đi bao nhiêu năm nay, mấy hôm trước bà cũng đã đi lên đây nhưng không thấy cái hố này? Mang trong lòng mối nghi ngờ bà đến Công an trình báo sự việc xảy ra.

Khi cảnh sát đến xem xét hiện trường, họ kết luận đây là một đường hầm bọn mộ tặc đào vào trong một ngôi mộ cổ để lấy đồ vật táng trong mộ.

Thiệu Hưng là một thành phố nổi tiếng về lịch sử. Những ngôi mộ cổ là “Cái kén vàng” trong mắt bọn mộ tặc. Cảnh sát phải mời các chuyên gia Cục Bảo tồn di sản văn hóa đến phối hợp cùng kiểm tra thật kỹ càng và họ thấy rằng đây là một đường hầm nhỏ nhưng kỹ thuật đào nó vô cùng chuyên nghiệp. Khi kiểm tra các khu vực xung quanh cảnh sát còn thấy có hơn 100 đường hầm giống như vậy mà bọn mộ tặc đã mở đi vào trong các ngôi mộ cổ.

Các cổ vật thu được trong vụ án.

Các cổ vật thu được trong vụ án.

Sau vụ việc ở Bình Thủy cảnh sát lại liên tiếp phát hiện ở Việt Thành, Kha Kiều, Thượng Ngu có rất nhiều ngôi mộ cổ bị mộ tặc và chuyện xảy ra không hề đơn giản nữa. Cảnh sát Thiệu Hưng thành lập một tổ chuyên án và thông qua 3 tháng điều tra, trinh sát đã phát hiện năm băng nhóm mộ tặc với hơn một trăm tên tội phạm. Những băng nhóm tội phạm này nằm vùng ở Thiệu Hưng và các khu vực lân cận, nhiều năm nay bọn chúng chuyên tổ chức đào trộm mộ và buôn bán trái phép cổ vật.

Ngày 22 tháng 7, Cục công an Thiệu Hưng huy động hơn 800 cảnh sát tiến hành phá án. Ngay trong ngày hôm đó truy bắt 106 tên tội phạm mộ tặc và buôn bán cổ vật trái phép thu hồi được 400 hiện vật, những ngày hôm sau tiếp tục bắt những tên tội phạm còn lại. Theo Cục Cảnh sát, đây là lần tấn công lớn nhất của công an Thiệu Hưng vào bọn tội phạm mộ tặc và bọn buôn bán trái phép cổ vật.

Trong vụ án này có tổng cộng 144 ngôi mộ bị đạo tặc tấn công và có rất nhiều băng nhóm tội phạm tham gia. Theo tin của cảnh sát thì đa số trong bọn tội phạm đều là người địa phương. Ngay trong ngày đầu tiên những tên tội phạm chủ chốt, những tên cầm đầu các băng nhóm tội phạm và buôn bán trái phép cổ vật đã bị bắt.

Trong những người chơi đồ cổ ở Thiệu Hưng, Trương Minh là kẻ tinh ranh. Có phải đồ cổ hay không? Là đồ gia truyền hay là đồ đào trộm trong mộ hắn ta chỉ liếc qua là nói mười phần chắc chín. Trương Minh cũng bị bắt trong vụ án này vì dính líu vào việc mua bán cổ vật trái phép.

Cùng bị bắt với Trương Minh còn có một ông chủ cửa hàng đồ cổ nổi tiếng ở Thiệu Hưng là Thẩm Tân, năm nay 40 tuổi và là một kiến trúc sư. Ở đơn vị mọi người gọi hắn ta là “Lão Thẩm” nhưng trong bọn mộ tặc, do hắn có học vấn cao nên bọn chúng gọi hắn là “sư phụ”.

Do ham mê đồ cổ, khi nhàn rỗi Thẩm Tân thường dạo chơi ở thị trường đồ cổ và quen biết với một số mộ tặc. Vì khá am hiểu đồ cổ nên hắn được gọi là sư phụ giúp bọn chúng đánh giá phân loại cổ vật để bán được giá. Nghe nhiều, xem nhiều và dần dần Thẩm Tân trở thành “dân mộ tặc” vừa muốn có của báu lại vừa kiếm tiền nhanh. Kết quả hắn trở thành một người buôn bán đồ cổ lớn và cảnh sát đã để mắt đến hắn.

Trong sự náo nhiệt, bình yên xưa nay của giới chơi và buôn bán đồ cổ Thiệu Hưng thì việc Trương Minh và Thẩm Tân bị cảnh sát bắt đã gây nên một tiếng sét.

Sau khi phá vụ án, cảnh sát Thiệu Hưng đã họp báo công bố chi tiết về công tác điều tra, trinh sát phá vụ án mộ tặc được gọi là “Vụ án mộ tặc và buôn bán trái phép cổ vật lớn nhất trong lịch sử Thiệu Hưng”. Vụ án này có 124 tên tội phạm bị bắt trong 144 vụ án đào trộm mộ lớn nhỏ, thu hồi 1.335 hiện vật.

Cảnh sát thông báo rằng, những tên tội phạm trong vụ án này đại đa số là người dân địa phương, bọn chúng sử dụng xẻng Lạc Dương cộng với công nghệ kỹ thuật cao để đào trộm mộ lấy cổ vật. Đất Thiệu Hưng có hàng ngàn năm lịch sử, di chỉ văn hóa rất nhiều và những tên mộ tặc đã thò bàn tay vào địa phương này gây nên mối hiểm họa khó lường.

Thu hồi cổ vật quý hiếm

Trong những hiện vật thu hồi được trong vụ án có rất nhiều cổ vật đồ gốm sứ từ thời Xuân Thu và đồ đồng thời Ngụy Tấn. Các chuyên gia Cục bảo tồn di sản đã tiến hành giám định và xác nhận các cổ vật này có nhiều thứ thuộc loại văn vật cấp 2, cấp 3 cấp quốc gia, có những cổ vật không những có lịch sử lâu dài mà còn là vật báu quốc gia.

Ví dụ những bức tranh chân dung khắc các nhân vật lịch sử trên vật liệu đồng về “Ngô Việt tranh bá” như Câu Tiễn, Phù Sai, Phạm Lãi và Ngũ Tử Tư... rất sinh động, giống như thật, các chuyên gia giám định cho rằng đây là những cổ vật rất đặc biệt.

Đồ vật táng trong một ngôi mộ cổ.

Cảnh sát còn thu hồi được một chiếc gương đồng ở Chương Châu được xác định niên đại từ thời Ngụy Tấn nam bắc triều cách đây 1.800 năm có giá trị nghiên cứu khảo cổ và lịch sử rất lớn.

Công an Kha Kiều còn thu được hơn 20 thứ đồ sứ tinh xảo có niên đại từ thời Xuân Thu đến thời Tam Quốc. Những đồ vật này chứng tỏ từ thời cổ con người đã có trình độ tay nghề rất cao.

Những tên tội phạm đa số là người địa phương

Bọn tội phạm đa số đều là người địa phương nên bọn chúng đều hiểu rất rõ lịch sử Thiệu Hưng, một số là người ở những thôn cạnh các dãy núi nên họ biết chỗ nào có mộ cổ.

“Vì sao lại đi bới tung mồ mả tổ tiên lên? Khi đào mồ mả ban đêm không sợ âm hồn người chết à?” - “Tất nhiên là rất sợ nhưng kiếm được tiền nhanh”.

Mấy người bị bắt là dân địa phương khai: "Tháng trước khi họ đang làm ở công trình gần khu vực núi thì có mấy người lạ đến xem, cuối cùng đến một ngày mấy người đó tìm gặp bọn họ nói là ở đây có nhiều mộ cổ yêu cầu họ hợp tác và cùng được hưởng lợi. Buổi chiều một ngày, 3 người dân địa phương và 4 tên mộ tặc hành động, ba người địa phương đứng canh gác còn 4 tên mộ tặc thay nhau đào. Bọn chúng đào hết sức cẩn thận, hố đào rất nhỏ chỉ vừa một người chui lọt. Khi đào sâu độ 3m chúng lấy được từ trong mộ một cái gương đồng, lúc đó khoảng 6 giờ chiều, chúng gọi điện thoại cho ai đó rồi tất cả lên xe đi Thiệu Hưng. Đến nơi chúng bán cái gương cho một người buôn đồ cổ và mỗi người được chia 4 ngàn đồng”.

Một ngôi mộ cổ ở Thiệu Hưng.

Theo cảnh sát, bọn mộ tặc chỉ hoạt động vào mùa xuân và mùa thu, một đêm kiếm được tiền vạn không thành vấn đề; nếu đào được chỗ tốt kiếm được vài vạn là chuyện thường. Ở những nơi hoang vắng, chúng hoạt động cả ban ngày, còn nếu ở gần thôn làng thì bọn chúng hoạt động vào ban đêm.

Một nhân viên của Cục Bảo vệ di sản văn hóa nói: “Những băng nhóm mộ tặc ở Thiệu Hưng được gọi đùa là Đội địa chất dân gian, bọn chúng năm ba người họp lại thành một nhóm, số lượng nhóm rất đông làm cho người ta kinh ngạc. Những tên mộ tặc ở địa phương đa số là những tên ham mê cờ bạc nên bọn chúng mơ mộng làm giàu chỉ qua một đêm”.

Phiên tòa xét xử bọn tội phạm.

“Bọn mộ tặc đều có thiết bị thăm dò kim loại tự chế gắn vào xẻng Lạc Dương. Thiết bị thăm dò có tác dụng báo cho bọn chúng biết trong ngôi mộ có cổ vật hay không, ngoài ra một thiết bị khác cũng gắn vào xẻng Lạc Dương còn có thể lấy mẫu đất và gạch bên trong ngôi mộ, mộ táng thường xây bằng gạch khác niên đại thì gạch và bùn đất khác nhau khi cắm que thăm dò xuống rút lên sẽ lấy được mẫu đất và gạch qua mẫu đất và gạch lấy lên phán đoán niên đại ngôi mộ để xác định ngôi mộ có giá trị hay không và đương nhiên người biết điều này phải là người giàu kinh nghiệm. Tác dụng thứ hai của gậy sắt là thăm dò mộ táng to hay nhỏ. Đầu tiên xác định một điểm sau đó thăm dò xung quanh để nhận biết, nói chung trong nhóm mộ tặc bao giờ cũng phải có một cao thủ giàu kinh nghiệm”

Sự hủy hoại di sản văn hóa không thể tính được

Phóng viên báo “Thiệu Hưng buổi chiều” đã phỏng vấn một kiểm sát viên huyện Thiệu Hưng, ông đã từng xử lý nhiều vụ án mộ tặc nên kinh nghiệm vô cùng phong phú, đối với nhiều vụ mộ tặc xảy ra liên tiếp ở Thiệu Hưng ông phân tích rằng: “Đầu tiên, việc xảy ra nhiều vụ đào trộm mộ cổ ở Thiệu Hưng có liên quan đến lịch sử văn hóa, nơi có vị trí địa lý đắc địa liên quan đến những câu chuyện truyền thuyết, ví dụ ở Kha Kiều tương truyền đây là nơi tập trung quân đội. Bọn tội phạm đã nghe những câu chuyện truyền thuyết để đi tìm dấu vết những di tích cổ vì trong mắt bọn chúng những nơi đó là kho báu.

Thứ hai, trên chủ thể mà nói, những tên tội phạm mộ tặc đa số là người địa phương cho nên họ rất thông thuộc địa hình, hiểu từng con suối, khe núi nên chúng không lạ gì những nơi có mộ cổ.

Thứ ba, bọn tội phạm có những công cụ rất đơn giản nhưng đầy đủ như thiết bị thăm dò, la bàn, xẻng Lạc Dương... những công cụ này đủ để phá hủy những ngôi mộ cổ có giá trị về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật, bọn chúng đã gây ra những tổn thất không thể tính được”.

Trước mắt huyện Thiệu Hưng đã thành lập 7 khu bảo hộ trọng điểm yêu cầu công an, bộ phận bảo tồn di sản và các bộ môn liên quan tăng cường kiểm tra và đẩy mạnh biện pháp phòng chống bọn tội phạm mộ tặc. Công an Thiệu Hưng đã phát thông báo: Nếu ai báo tin có tính xác thực về việc mộ tặc sẽ được thưởng từ 2 ngàn đến 20 ngàn đồng.

Nguyễn Đình Thiêm (theo “Xinhuanet.com”)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/mo-tac-hoanh-hanh-o-chiet-giang-trung-quoc-578410/