Mở rộng và thúc đẩy hoạt động sáng tác sân khấu

Nhiều năm nay, không ít tỉnh, thành phố phát động các cuộc thi sáng tác và trao giải thưởng về văn học nghệ thuật (VHNT).

Nhiều năm nay, không ít tỉnh, thành phố phát động các cuộc thi sáng tác và trao giải thưởng về văn học nghệ thuật (VHNT).

Qua đó, động viên, khuyến khích hoạt động sáng tác của văn nghệ sĩ. Sự quan tâm, khích lệ nêu trên là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, với một số loại hình nghệ thuật đặc thù như sân khấu, tiêu chí và nội dung của các cuộc thi chỉ gói gọn trong các đề tài, vấn đề phản ánh liên quan địa phương thì lại là điều cần bàn. Nếu bó hẹp như vậy, các kỳ phát động sáng tác sân khấu hằng năm của địa phương sẽ khó có thể khích lệ, mở rộng sự sáng tạo, dễ tạo ra lối mòn nhàm chán và không thể có nhiều đóng góp về tư tưởng và nâng cao chất lượng nghệ thuật.

Thông thường chỉ những kịch bản, vở diễn sân khấu dự thi liên quan tới các tỉnh, thành phố mới được xét trao giải hoặc được chọn đầu tư kinh phí dàn dựng. Chính vì vậy, để bảo đảm "đầu ra", các tác giả và đơn vị sân khấu thường lựa chọn đề tài lịch sử liên quan các danh nhân hay các sự kiện ở địa phương. Ðã thành chuyện thật như đùa, có những cuộc thi mà số lượng kịch bản, vở diễn về cùng một nhân vật lịch sử chiếm phần lớn trong số lượng tác phẩm tham dự. Lại có tỉnh, thành phố khi mời các tác giả tham gia sáng tác kịch bản sân khấu đã tặng rất nhiều sách, tài liệu về danh nhân của nơi đó và không hiểu như thế là vô tình hay đã có định hướng cho các kịch mục sân khấu thành kịch lịch sử và kịch về danh nhân. Tất nhiên các tác giả sân khấu phải tạm gác những đề tài hiện đại mà họ đang ấp ủ, để đầu tư viết cho các đề tài chưa hẳn am hiểu hoặc thật sự hứng thú. Ðiều đó đã khiến các kịch bản sân khấu lịch sử nhiều khi chỉ là những bản minh họa nhân vật, sự kiện lịch sử bằng thoại trên sân khấu. Có thể thấy rõ sự mất cân đối trong kịch mục và chất lượng yếu kém của vở diễn ở nhiều liên hoan, hội diễn sân khấu.

Sân khấu đã và đang rất cần những tác phẩm về cuộc sống hôm nay, con người hôm nay nhưng thiếu vắng tới mức báo động phải chăng một phần vì lý do này?

Chưa kể, với không ít tác giả, viết và dựng vở về đề tài hiện đại, phản ánh cuộc sống đương đại thì khó mang vào đó những đặc trưng mà ban tổ chức cuộc thi ở các địa phương mong muốn và định hướng một cách hạn hẹp như vậy. Không lẽ, cùng là những nhân vật người lao động, trí thức hay lực lượng vũ trang ở địa phương, rồi các nhân vật chính diện và phản diện nhưng ở nơi này phải khác các nơi kia? Hay các vấn đề đấu tranh, chống tiêu cực và đời sống nơi đô thị, nông thôn đang diễn ra trong cuộc sống cũng phải có đặc trưng, mang tính địa phương riêng biệt? Viết đề tài sân khấu hiện đại, nhưng để khán giả, ban tổ chức cuộc thi và các nhà quản lý nhận ra đang phản ánh về địa phương mình quả là sự thách đố khi trong sân khấu nhân vật là trung tâm.

Nếu nhìn lại, chúng ta thấy từng có không ít cuộc vận động sáng tác, tổ chức dàn dựng những tác phẩm thành công, trở thành hiện tượng và ghi được dấu ấn trong lịch sử sân khấu Việt Nam, thu hút đông khán giả ở khắp mọi miền đất nước với hàng trăm đêm diễn mà đề tài và nội dung không gắn liền với địa phương, song lại là niềm tự hào của sân khấu các tỉnh, thành phố. Sân khấu Hà Nội từng có vở Tôi và chúng ta; kịch Nam Ðịnh có vở Rừng cháy đề cập câu chuyện ở tận tỉnh Bình Thuận, có vở Ðường về là câu chuyện xảy ra ở một trại giam nơi khác; rồi sân khấu Hải Dương trước đây có vở Qua dòng với nội dung kịch diễn ra tận miền nam. Ngoài ra, còn nhiều vở diễn ở các loại hình sân khấu đâu có nói về địa phương, nhưng vẫn được khán giả nơi đó hồ hởi đón nhận và đoạt giải cao trong các liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng kinh phí của tỉnh, thành phố đầu tư, cho nên phải nói về địa phương là hiển nhiên. Tuy nhiên, cần hiểu rằng sân khấu về địa phương và sân khấu về ngành là hoàn toàn khác nhau. Khác căn bản giữa nhân vật và chuyện kịch. Những kịch bản, vở diễn về ngành công an, giáo dục, y tế là do các ngành này vận động, đầu tư sáng tác và dàn dựng, song các nhân vật công an, thầy thuốc, thầy giáo là nhân vật mang tính điển hình trên cả nước. Còn các cuộc thi kịch bản, vở diễn chỉ chuyên về lịch sử, con người địa phương sẽ hạn chế sáng tạo của đội ngũ làm sân khấu và sự phát triển của các đơn vị sân khấu địa phương, hay nói cách khác là đang làm nghèo sân khấu, dẫn đến sân khấu chỉ thấy chuyện mà không thấy người. Khi sân khấu quay lưng với cuộc sống hiện tại, khán giả sẽ quay lưng với sân khấu. Ðó dường như là sự tất yếu.

Ðã đến lúc, các nhà quản lý và hội sân khấu cũng như các đơn vị nghệ thuật ở các địa phương nên tổ chức, đầu tư, tạo điều kiện mở rộng sáng tác để từ đó có được những tác phẩm sân khấu mang tầm vóc tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao.

Nhà viết kịch LÊ QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/mo-rong-va-thuc-day-hoat-dong-sang-tac-san-khau-644165/