Mở rộng TP Điện Biên Phủ không nên kéo dài lên đồi

Theo Đề án, tỉnh Điện Biên sẽ sắp xếp mở rộng TP Điện Biên Phủ theo hướng: sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 4 xã gồm: Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng, Pá Khoang thuộc huyện Điện Biên vào TP Điện Biên Phủ quản lý. Đồng thời, điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 2 xã Thanh Luông, Thanh Hưng thuộc huyện Điện Biên vào TP Điện Biên Phủ.

Một góc TP Điện Biên Phủ.

Một góc TP Điện Biên Phủ.

Sáng nay (5/9), Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng chủ trì hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên Lê Hữu Khang cho biết, tỉnh Điện Biên có 10 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, Số ĐVHC cấp huyện có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là TP Điện Biên Phủ.

Theo Đề án, tỉnh Điện Biên sẽ sắp xếp mở rộng TP Điện Biên Phủ theo hướng: sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 4 xã gồm: Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng, Pá Khoang thuộc huyện Điện Biên vào TP Điện Biên Phủ quản lý. Đồng thời, điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 2 xã Thanh Luông, Thanh Hưng thuộc huyện Điện Biên vào TP Điện Biên Phủ quản lý.

Như vậy, sau khi sắp xếp, TP Điện Biên Phủ có 12 ĐVHC cấp xã; có 308,18 km2 diện tích tự nhiên, đạt 205,45%; dân số có 80.366 người, đạt 53,58% theo quy định.

Tỉnh Điện Biên cũng đề xuất phương án mở rộng thị trấn Tủa Chùa trên cơ sở điều chỉnh 11,91 km2 diện tích tự nhiên và 4.255 người thuộc xã Mường Báng sáp nhập vào thị trấn Tủa Chùa. Sau khi sắp xếp, thị trấn Tủa Chùa có diện tích tự nhiên là 14,49 km2, đạt 103,50%; dân số là 8.184 người, đạt 102,30%.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Ngoài việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã, tỉnh Điện Biên cũng lên phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức; bố trí, sắp xếp những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố và các chế độ chính sách đối với những trường hợp dôi dư.

Các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ, Đề án của tỉnh Điện Biên chu đáo, đảm bảo đúng thời gian và đầy đủ nội dung. Tuy nhiên, thành viên Hội đồng cũng cho rằng, TP Điện Biên Phủ là một TP đặc biệt, gắn với dấu mốc lịch đặc biệt quan trọng của Việt Nam, là TP lòng chảo, có tính chất rất đặc trưng, do đó, đề nghị không nên kéo dài TP lên đồi. Đề nghị tỉnh Điện Biên bổ sung việc đánh giá tác động của việc sắp xếp, nhất là đối với việc sử dụng tài sản công và việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Bên cạnh đó, thành viên Hội đồng cũng đề nghị có phương án chi tiết sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư để khi phê duyệt Đề án là có thể thực hiện được ngay, đảm bảo chế độ và sự yên tâm công tác của đối tượng dôi dư. Đặc biệt, đối với cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số cần được tỉnh ưu tiên bố trí, sắp xếp, có tỷ lệ hợp lý để tránh các thế lực bên ngoài tác động làm ảnh hướng đến tình hình an ninh chính trị trên địa bàn.

Đối với Nhân dân thuộc các ĐVHC được sắp xếp, cần có phương án đảm bảo thuận lợi nhất trong việc sử dụng các giấy tờ liên quan; đề nghị tỉnh Điện Biên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc số hóa, quản lý hồ sơ, giấy tờ công dân.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đánh giá cao công tác chuẩn bị, xây dựng hồ sơ, Đề án của tỉnh Điện Biên, thể hiện sự nghiêm túc chấp hành chủ trương, đường lối và quy định pháp luật của lãnh đạo các cấp thuộc tỉnh Điện Biên.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn giao Vụ Chính quyền địa phương tiếp thu ý kiến thành viên Hội đồng thẩm định, phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên nghiên cứu, hoàn thiện Đề án trình Chính phủ đúng quy định. Đặc biệt, các số liệu thể hiện trong Đề án phải sử dụng số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê.

Vân Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/mo-rong-tp-dien-bien-phu-khong-nen-keo-dai-len-doi-469555.html