Mở rộng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu an toàn, hiệu quả

Trong quý I/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, sẵn sàng cho nhu cầu điều tiết thị trường, đồng thời thực hiện các biện pháp hút tiền về để kiểm soát tiền tệ...

Tiếp tục hạn chế tín dụng ngoại tệ

Tại buổi họp báo, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, chính sách tiền tệ là chính sách mang tính chất ngắn hạn, nên tùy thuộc vào diễn biến của nền kinh tế tại từng thời điểm cụ thể để có những thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp.

Do đó, các chính sách của NHNN trong quý I cũng như các quý còn lại của năm 2019 sẽ khác nhau. Tuy nhiên, mục tiêu và phương châm điều hành của NHNN là kiên định với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng, nhưng vẫn kiểm soát lạm phát, mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả.

Về tỷ lệ tín dụng/GDP trong năm nay, để đạt mục tiêu 130% như kế hoạch, bà Hồng cho biết, quan điểm của NHNN là tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, định hướng tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 ở mức 14% (con số của năm 2018 là 13,8%). Cuối năm 2016, tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức 122%, sau đó tăng lên 130% vào cuối năm 2017.

Trong năm 2018, với chính sách điều hành lnh hoạt, tỷ lệ này được duy trì ở mức 130%. Theo một số tổ chức tài chính quốc tế như Standard&Poor (S&P), cách thức điều hành của NHNN trong năm qua là đúng định hướng, giúp giảm tỷ lệ tín dụng/GDP.

Trước sự tác động của các diễn biến mới trên thị trường quốc tế đến hoạt động điều hành thị trường tài chính - tiền tệ của NHNN, bà Hồng phân tích, quý I/2019, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc và những bất ổn còn tồn tại như Brexit hay chiến tranh thương mại, các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã giữ nguyên mức lãi suất điều hành.

Đồng thời, theo đánh giá của Tập đoàn Giao dịch kỳ hạn CMI, xác suất Fed không tăng lãi suất trong năm 2019 là 100%, một số ngân hàng trung ương trên thế giới cũng có xu hướng giảm dần việc thắt chặt chính sách tiền tệ...

“Do Fed không tăng lãi suất nên nhiều khả năng USD sẽ không tác động nhiều đến tỷ giá trong nước. Tuy nhiên, khi kinh tế thế giới giảm tốc, đặc biệt là tại 2 nền kinh tế hàng đầu như Mỹ và Trung Quốc, sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu và đầu tư tại Việt Nam. Do đó, NHNN phải đánh giá được thực trạng của thị trường, theo dõi các yếu tố bất lợi để có thể đưa ra phương án điều hành tốt nhất, hoàn thành mục tiêu đã đề ra”, bà Hồng nói.

Thông tin thêm về việc điều hành thị trường ngoại hối của NHNN, bà Hồng chia sẻ, lộ trình trong năm 2019 là NHNN tiếp tục hạn chế tín dụng ngoại tệ, không khuyến khích với tiền gửi ngoại tệ. Các giải pháp của NHNN là hướng tới thu hẹp cho vay ngoại tệ, thực hiện theo đúng chủ trương của Chính phủ chuyển dần từ quan hệ tiền gửi - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ theo Thông tư số 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay là người cư trú.

“Trong quý I/2019, do thị trường thuận lợi, NHNN đã mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, sẵn sàng cho nhu cầu điều tiết thị trườngkhi cần thiết, đồng thời thực hiện các biện pháp hút tiền về để kiểm soát tiền tệ...”, bà Hồng nói.

Về P2P Lending, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là hình thức giao dịch dân sự mới, nhưng hiện chưa được giao cho cơ quan chức năng nào quản lý. P2P Lending có tốc độ giao dịch nhanh, nhưng có thể gây rủi ro nhất định cho người tham gia do chưa có cơ chế kiểm soát.

NHNN đề xuất đưa hoạt động kinh doanh P2P Lending thành ngành kinh doanh có điều kiện và trong thời gian tới sẽ thực hiện thí điểm, từ đó có tổng kết đánh giá và đưa ra các đề xuất với Chính phủ về hình thức này.

Không cấp phép cho sàn giao dịch tiền ảo, tiền mã hóa

Về việc cấp phép hoạt động cho sàn giao dịch tiền ảo, tiền mã hóa, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) khẳng định, đến nay, NHNN không cấp phép cho bất cứ sàn giao dịch tiền ảo hay tiền mã hóa nào. Theo quy định, NHNN không có thẩm quyền cấp phép cho hoạt động của các sàn giao dịch tiền mã hóa.

Tại quyết định năm 2017, Thủ tướng đã giao NHNN nghiên cứu và triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiền điện tử, trong khi mảng tiền ảo, tiền mã hóa được giao cho Bộ Tư pháp xây dựng đề án và tham mưu cho Chính phủ trong vấn đề hoàn thiện khung khổ pháp lý về lĩnh vực này.

“Được biết, Bộ Tư pháp đã hoàn thành đề án và trình Chính phủ thông qua. Chính phủ đã giao cho một số bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Tài chính và NHNN, tiếp tục nghiên cứu để sớm có khuôn khổ pháp lý chính thức cho hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo, tiền mã hóa. Thông tin có sàn giao dịch tiền ảo được Nhà nước cấp phép là không chính xác”, ông Sơn nói.

Liên quan đến phát triển hoạt động thanh toán, ông Sơn cho biết, NHNN đã cấp phép cho 29 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 26 tổ chức cung cấp ví điện tử (tính đến ngày 31/12/2018) và đã có 4,2 triệu ví điện tử trong gần 9 triệu ví đã đăng ký (tải ứng dụng trên điện thoại).

Trong cả nước, hiện có 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán ví điện tử. Năm 2018, các tổ chức này đã xử lý 214 triệu giao dịch giá trị 91.000 tỷ đồng, tăng 14,6% về số lượng và giảm 4,49% về giá trị so với năm 2017. Trong thời gian qua, NHNN đã thực hiện thanh tra hoạt động này.

Định hướng quản lý về chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip và quy chuẩn QR code, ông Sơn cho hay, năm 2018, Thống đốc NHNN đã ban hành 2 quyết định về quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn cơ sở đối với thẻ chip nội địa và QR code. Theo đó, Thông tư số 41/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng đã đề ra lộ trình 3 năm đối với việc chuyển đổi sang thẻ chip nội địa.

Cụ thể, đến 31/12/2019 ít nhất có 30% thẻ nội địa được các tổ chức dịch vụ cung ứng phát hành được chuyển sang thẻ chip. Đến cuối năm 2020, 100% máy ATM và POS và 60% thẻ nội địa phải chuyển sang thẻ chip. Năm 2021, yêu cầu 100% các thẻ nội địa phải chuyển đổi hoàn toàn thành thẻ chip. Về QR code, tiêu chuẩn đặc tả kỹ thuật đã được triển khai trên cơ sở thí điểm, hiện có 16 ngân hàng thực hiện triển khai với 30.000 điểm chấp nhận QR code.

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/mo-rong-tin-dung-ngan-hang-nha-nuoc-yeu-cau-an-toan-hieu-qua-262008.html