Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản

Chiều 17/1, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2019.

Năm 2018, trong điều kiện thiên tai diễn biến thất thường, thị trường nông sản, thực phẩm có nhiều biến động, tuy nhiên, ngành nông nghiệp Thủ đô vẫn đạt được nhiều kết quả nổi bật. Giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt 3,6%. Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản đạt 43.708 tỷ đồng (bằng 104,7% so với năm 2017).

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu trao Huân chương Lao động hạng Ba cho hai cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Trọng Tùng

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, kết quả trên có được là nhờ sự vào cuộc chủ động, tích cực của các sở, ban ngành và quận, huyện, thị xã. Tính đến hết năm 2018, các địa phương đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 79.218,6ha đất canh tác, tạo điều kiện chuyển đổi đất lúa sang các mô hình nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao. Đến nay, toàn TP đã phát triển được 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn và 29 xã chăn nuôi gia cầm trọng điểm. Bên cạnh đó là 4.276 trang trại trồng trọt, chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, thu hút sự tham gia của hàng vạn hộ nông dân… TP hiện đã phát triển và đang duy trì hiệu quả 127 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 130 chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản an toàn.
Đáng chú ý trong kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 của ngành NN&PTNT Hà Nội là những hiệu quả xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư. Theo đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các sở, ban ngành tổ chức nhiều chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại, ký kết nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn giữa Hà Nội với các tỉnh, TP trong nước, quốc tế. Đặc biệt, năm 2018 ghi nhận thành tựu lớn khi lần đầu tiên Hà Nội xuất khẩu được 19 tấn nhãn chín muộn đi Mỹ và châu Âu, mở ra triển vọng mới cho thị trường cây ăn quả đặc sản.
Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị ngành NN&PTNT tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; rà soát, điều chỉnh lại các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh. Xây dựng, nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị. Đổi mới và nâng cao hiệu quả của các mô hình hợp tác liên kết sản xuất, kinh doanh. Nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là các DN đầu tư vào nông nghiệp…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng đề nghị các sở, ban ngành phối hợp chặt chẽ trong phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thông qua đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và thực hiện tốt chương trình liên kết 4 nhà. Thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp bảo quản, chế biến gắn với xây dựng thương hiệu cho nông sản. Cùng với đó, cần xây dựng mạng lưới chợ đầu mối, hình thành những tụ điểm giao lưu hàng hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Trước mắt, phát triển các thị trấn, thị tứ, trung tâm công nghiệp – dịch vụ nông thôn gắn với các trục giao thông chính… Đây sẽ là những giải pháp căn cơ nhằm giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ nguy cơ “được mùa rớt giá” vẫn còn phổ biến hiện nay, qua đó, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/mo-rong-thi-truong-tieu-thu-nong-san-334538.html