Mở rộng, tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội

Xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội là một trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam những năm vừa qua. Mô hình tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội chú trọng truyền thông hiệu quả đến người dân cơ sở, giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao kiến thức, hiểu biết chính sách, pháp luật, từng bước thay đổi nhận thức.

Năm 2014, Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam (SASSP) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) được triển khai thí điểm tại bốn tỉnh: Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng và Trà Vinh. Giám đốc Ban Quản lý Dự án T.Ư Đặng Kim Chung cho biết, ngoài xây dựng hệ thống thông tin quản lý và triển khai nhiều chương trình trợ giúp xã hội khác nhau, dự án coi trọng việc thiết kế chiến lược truyền thông hiệu quả cho người dân, giúp đồng bào DTTS dần thay đổi nhận thức, hiểu biết về quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với gia đình và cộng đồng.

Thực hiện các mục tiêu của chương trình, dự án hợp nhất các chính sách trợ giúp xã hội hiện hành do nhiều cơ quan phụ trách và chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng tăng thêm của dự án (gồm phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, trẻ em dưới ba tuổi thuộc hộ nghèo, trẻ em ba đến dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo không đi học thành gói trợ cấp hộ gia đình); sẽ do một cơ quan quản lý duy nhất và được chi trả trực tiếp tới người dân thông qua đơn vị chi trả độc lập, giúp giảm áp lực về vấn đề nhân sự, công tác chi trả, nhờ đó giảm rủi ro.

Đồng chí Đặng Kim Chung cho biết thêm, đội ngũ hơn 6.000 cộng tác viên (CTV) thôn/bản đóng vai trò tích cực trong công tác truyền thông và hỗ trợ người hưởng lợi. Nhờ kiến thức được trang bị qua các lần tập huấn, CTV giữ vai trò làm tuyên truyền viên, giúp người dân đang thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội hiểu về quyền lợi và trách nhiệm của mình; khuyến khích người dân quan tâm đầu tư vào dinh dưỡng và giáo dục cho con cái, giúp trẻ em nghèo có nền tảng phát triển tốt để vươn lên thoát nghèo bền vững trong tương lai. Được biết, đối với đối tượng đồng bào DTTS không biết tiếng Việt, các sản phẩm truyền thông được dịch ra tiếng dân tộc phù hợp đặc điểm dân cư và địa bàn, giúp người dân dễ dàng hình dung về các chính sách, quy định chung của Nhà nước. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, CTV tiến hành lồng ghép trong các buổi họp thôn, bản, chi trả tiền trợ cấp cũng như trong các đợt tiêm chủng mở rộng thu hút hàng trăm lượt người tham gia.

Theo kết quả điều tra mức sống hộ gia đình năm 2010, chương trình trợ giúp xã hội hiện hành có độ bao phủ đối tượng nghèo hạn chế. Những chính sách trợ cấp về giáo dục chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng trong độ tuổi giáo dục phổ thông, chưa có chính sách nào dành cho trẻ em trong độ tuổi giáo dục mầm non (0 đến dưới 36 tháng tuổi) - lứa tuổi được đánh giá là nằm trong giai đoạn phát triển vàng. Việc thiếu hụt trong chính sách trợ giúp xã hội khiến nhóm đối tượng trẻ em từ 0 đến 36 tháng tuổi sinh ra trong gia đình nghèo khó có điều kiện được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng và dịch vụ y tế.

Bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai, nhất là phụ nữ nghèo đồng bào DTTS chưa có chính sách trợ giúp cụ thể và trực tiếp giúp người dân nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, cũng như bảo đảm quyền lợi cho trẻ em từ những năm tháng đầu đời. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tái nghèo, nghèo bền vững không còn phổ biến, mà tập trung chủ yếu ở nhóm đồng bào DTTS.

Từ những kết quả, kiến nghị từ thực tiễn triển khai dự án, tháng tư năm nay, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 488/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Một trong những mục tiêu quan trọng trong giai đoạn này là đề cập chính sách trợ giúp đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng DTTS. Đây được đánh giá là bước chuyển biến tích cực trong công tác tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam. Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thông qua dự án, hệ thống thông tin quản lý trợ giúp xã hội MIS Posasoft sẽ vận hành chính thức trên phạm vi toàn quốc trong năm 2018. Đây là bước tiến lớn trong việc hoàn thành mục tiêu cải cách hành chính trong lĩnh vực giảm nghèo và trợ giúp xã hội của Chính phủ và toàn ngành trong thời gian tới.

Văn Chúc

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/34593002-mo-rong-tang-cuong-he-thong-tro-giup-xa-hoi.html