Mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đang là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới, giúp bảo đảm chất lượng nông sản, cũng như an toàn thực phẩm. Tại Việt Nam, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã và đang được nhiều địa phương triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập trên một đơn vị canh tác.

Sản xuất theo hướng hữu cơ ở nước ta đã có mặt trên tất cả các lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp. Qua thống kê, cả nước hiện có 40 tỉnh, thành phố triển khai trồng trọt hữu cơ với các sản phẩm chủ yếu là rau, quả, chè… diện tích gần 23.400 ha. Ngoài ra, lĩnh vực chăn nuôi lợn hữu cơ có 12 tỉnh, thành phố triển khai với khoảng 64.200 con, sản lượng thịt hơi gần 6.000 tấn; chăn nuôi gà hữu cơ có sáu địa phương thực hiện với 273 nghìn con; chăn nuôi bò hữu cơ có hai tỉnh là Nghệ An và Lâm Ðồng được các tổ chức quốc tế công nhận với tổng số 3.500 con. Bên cạnh đó, có bốn địa phương có mô hình nuôi trồng thủy sản hữu cơ với diện tích 134.800 ha. Theo tính toán, chi phí cho trồng trọt hữu cơ cao hơn và năng suất thấp hơn nhưng thu nhập lại cao hơn từ 1,3 đến 1,6 lần/ha so với sản xuất truyền thống. Mặc dù nước ta có nhiều tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhưng chưa tận dụng được hết bởi quy mô nhỏ lẻ, chưa có vùng tập trung; chưa có tiêu chuẩn đối với các sản phẩm thủy sản, hồ tiêu, rau, quả, cà-phê hữu cơ; chưa có định hướng chiến lược sản xuất, tiêu thụ; sản phẩm chưa đa dạng và chất lượng chưa đồng đều...

Cả nước hiện có gần 20 đơn vị xuất khẩu các loại rau củ quả hữu cơ với sản lượng khoảng 260 nghìn tấn/năm, giá trị gần 15 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Pháp, Ðan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Ðiển, Trung Quốc, Mỹ. Ðể phát triển nông nghiệp hữu cơ, các bộ, ngành và địa phương cần hoàn thiện hệ thống chính sách tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến…; hướng dẫn về phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến tiêu thụ; có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ; nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo Ðề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Theo đề án, đến năm 2030, diện tích cây trồng hữu cơ cả nước đạt từ 7 đến 10% diện tích gieo trồng; vật nuôi có từ 5 đến 10% sản phẩm hữu cơ.

Bảo Hân

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/41511002-mo-rong-san-xuat-nong-nghiep-huu-co.html