Mở rộng rà soát điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia: Bình thường hay bất thường?

Sau Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, hiện có thêm 3 địa phương là là Hòa Bình, Lâm Đồng và Bến Tre đang được Bộ GD-ĐT tiến hành chấm thẩm định bài thi THPT quốc gia 2018. Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu 63 tỉnh thành rà soát việc coi thi, chấm thi THPT quốc gia và báo cáo thật trung thực về kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.

Thí sinh làm bài thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Quang Vinh.

Yêu cầu tất cả các địa phương rà soát kết quả thi

Trước sức “nóng” của vụ việc gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT 2018 tại Hà Giang đã bị phanh phui, cùng những nghi vấn về điểm thi cao bất thường tại một số địa phương, cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ - Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 đã có công văn yêu cầu Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia các địa phương khẩn trương thực hiện rà soát việc coi thi, chấm thi.

Theo đó, nhiệm vụ hàng đầu được Bộ trưởng yêu cầu là “nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi tại địa phương, nhất là khâu coi thi, chấm thi”. Quá trình rà soát, nếu phát hiện sai phạm, địa phương cần nhanh chóng báo cáo về Bộ GD-ĐT, căn cứ tình hình cụ thể có thể đề nghị công an phối hợp điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Việc rà soát kết quả thi và những yêu cầu liên quan cần được Trưởng ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, gửi văn bản báo cáo thực hiện kết quả về Bộ trước ngày 1/8.

Tiếp đó, từ ngày 21/7, 3 tổ chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT đã triển khai chấm thẩm định bài thi THPT quốc gia 2018 tại các Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình, Lâm Đồng và Bến Tre.

Theo ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), phạm vi chấm là do Hội đồng chấm thẩm định quyết định, trên cơ sở yêu cầu của thực tế. Một điểm lưu ý, thực hiện chấm thẩm định cũng giống như lúc chấm thi bình thường, nghĩa là quy trình chấm thi như thế nào, chấm thẩm định cũng như vậy.

Địa phương có khách quan?

Ngay trong sáng ngày 22/7, một tổ công tác của Bộ GD-ĐT đã đến Hòa Bình để triển khai công tác chấm thẩm định. Theo thống kê dữ liệu điểm thi THPT quốc gia năm 2018, Hòa Bình có một số điểm thi cao trong so sánh tương quan với các địa phương khác, được cho là có nhiều bất thường. Đơn cử ở môn Toán, Hòa Bình có 27 thí sinh từ 9 trở lên - chiếm 0,30% trong tổng số 8.903 thí sinh dự thi và vượt trội hơn nhiều địa phương khác.

So với TP HCM số thí sinh dự thi môn Toán của Hòa Bình ít hơn 8,76 lần nhưng chỉ ít hơn TP HCM 5 điểm 9. Số điểm Toán lớn hơn 9 của Hòa Bình hơn 2,07 lần Nam Định; trong khi số thí sinh dự thi kém hơn 2,2 lần. Tương tự, số thí sinh đạt 9 trở lên của Hòa Bình chỉ thua Nghệ An 1 em, trong khi số thí sinh ít hơn 3,5 lần. Ở môn Hóa, trong tổng số 2.394 thí sinh dự thi môn Hóa ở Hòa Bình có 14 thí sinh đạt điểm trên 9 chiếm 0,58%. Nếu so với TP HCM, số thí sinh dự thi môn Hóa của Hòa Bình kém 20,9 lần, còn số thí sinh đạt điểm 9 kém 8,64 lần...

Còn tại Sơn La, theo bảng thống kê trong “top” 15 thí sinh có điểm cao nhất kỳ thi THPT quốc gia năm nay, có 2 thí sinh đến từ Sơn La, nhưng đáng nói, điểm công bố của 2 thí sinh này đều cách xa so với điểm thi thử trước đó diễn ra tại trường. Thêm nữa khi chuyên gia phân tích kết quả dữ liệu điểm thi của Sơn La cũng thấy có nhiều bất thường khi số thí sinh được 9/9,8 điểm có tới 30 học sinh. Riêng với môn Lý, số thí sinh có điểm Vật lý cao chênh lệch gấp 12 lần so với phân bố quốc gia.

Điều đáng nói là sau khi có phổ điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018, các thống kê đã chỉ ra cho thấy, số thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên đối với 3 môn xét tuyển của Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình chiếm 1/3 của cả nước. Nhưng khi có những nghi vấn về điểm thi được đặt ra, các địa phương đều khẳng định việc tổ chức coi thi, chấm thi là hết sức nghiêm túc, khách quan. Chỉ đến khi sự việc ở Hà Giang được làm rõ, thì sự “khách quan” ấy đã được nhìn rõ hơn.

Cơ quan điều tra cũng đã chỉ ra rằng, trước khi Bộ GD-ĐT có công văn chỉ đạo xử lý sai phạm về tiêu cực điểm thi của Hà Giang, thực tế là địa phương này đã phát hiện vụ việc từ trước đó nhiều ngày (từ ngày 7/7). Tiếp đó, tới ngày 12/7, Hội đồng thi Sở GD-ĐT Hà Giang mở 1 hòm đựng túi bài thi trắc nghiệm để kiểm tra thực tế. Có 5/6 túi đựng bài thi trắc nghiệm trong hòm có nhãn niêm phong không phải nhãn niêm phong do Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm (Ban chấm thi) thực hiện khi bàn giao cho Ban thư ký hội đồng thi.

Hội đồng thi đình chỉ nhiệm vụ đối với ông Nguyễn Thanh Hoài - Trưởng phòng Khảo thí, Phó trưởng ban chấm thi, Trưởng Ban thư ký Hội đồng thi. Ngày 12/7 Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia tỉnh Hà Giang ban hành công văn yêu cầu rà soát kết quả thi… Tuy nhiên, những sai phạm, lỗ hổng trong quá trình chấm thi ở Hà Giang đã không được báo cáo về Bộ GD-ĐT.

Tiếp tục làm rõ

Cho đến thời điểm này, sau một thời gian làm việc liên tục để rà soát kết quả thi tại Lạng Sơn/ trước nghi vấn điểm thi cao bất thường của 35 thí sinh tự do, tổ công tác của Bộ GD-ĐT khẳng định qua kiểm tra, xác minh, chấm thẩm định tất cả bài thi điểm cao của nhóm 35 thí sinh, tổ chưa phát hiện dấu hiệu gian lận điểm thi.

Theo ông Sái Công Hồng - Cục phó Cục quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), qua rà soát cơ học tất cả 8.877 bài thi tự luận môn Ngữ văn so với kết quả thi được công bố, kết quả cho thấy chữ ký của thí sinh trùng khớp với phiếu thu bài thi và trên bài thi khác. Đối với bài thi tự luận, tổ công tác tiến hành chấm thẩm định 51 bài thi môn Ngữ văn, trong đó có 35 bài thi của thí sinh tự do và 16 bài thi của thí sinh THPT đạt điểm cao. Kết quả, không có bài nào được tăng điểm so với điểm được công bố ngày 11/7. Có 43/51 bài thi không thay đổi kết quả điểm như đã công bố; 8 bài giảm điểm, chiếm 15,7%, trong đó, 4 bài thi giảm 1,25 điểm, 3 bài thi giảm 1,5 điểm và 1 bài thi giảm 1,75 điểm.

Về chấm thẩm định các bài thi trắc nghiệm, tổ công tác tiến hành chấm thẩm định 1.539 bài thi trắc nghiệm các môn toán, bài thi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, ngoại ngữ. Kết quả 100% bài thi sau khi chấm thẩm định có điểm không thay đổi so với điểm thi do Hội đồng thi Sở GD-ĐT Lạng Sơn công bố ngày 11/7. Tuy nhiên, tổ công tác đề nghị Hội đồng thi Sở GD-ĐT Lạng Sơn làm rõ và kiểm điểm, rút kinh nghiệm trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến tổ chấm thi môn Ngữ văn.

Còn tại Sơn La, theo thông tin từ tổ công tác của Bộ GD-ĐT, hiện bước đầu đã phát hiện ra một số sai phạm quy chế thi, đặc biệt là trong khâu chấm thi. Trong đó có dấu hiệu của sự can thiệp làm thay đổi, kết quả thi của thí sinh. Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho hay: Hiện nay các cơ quan của Bộ Công an, của Công an tỉnh Sơn La đang tích cực, điều tra, xác minh làm rõ những sai phạm. Hiện tổ công tác của Bộ GD-ĐT đang tổ chức chấm thẩm định một số bài thi Ngữ văn tại Sơn La với tinh thần trách nhiệm cao và nghiêm túc. Tổ công tác sẽ cùng với Bộ Công an nỗ lực cao nhất để sớm có kết quả cuối cùng, để hoàn thành nhiệm vụ trong việc chỉ đạo, rà soát công tác thi tại tỉnh Sơn La.

Dư luận đang kỳ vọng ở sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng, để làm rõ nghi vấn gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018, nhằm lấy lại sự công bằng, khách quan cho một kỳ thi. Nhưng cũng từ việc rà soát điểm thi, nhiều nghi ngại cũng đang được đặt ra, liệu những vi phạm đã dừng lại hay chưa, nó có giống như “vết dầu loang” hay không? Việc rà soát lại kỳ thi trên phạm vi cả nước là bình thường hay là bất thường? Bởi ngoài sự tốn kém về sức người, sức của cho quá trình sà soát điểm thi, nếu làm không đến nơi đến chốn, e sẽ khó lấy lại niềm tin của xã hội.

Dung Hòa - Minh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/mo-rong-ra-soat-diem-thi-tot-nghiep-thpt-quoc-gia-binh-thuong-hay-bat-thuong-tintuc410721