Mở rộng phạm vi điều chỉnh, tăng mức ưu đãi người có công

Theo lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cho biết, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng mới nhất sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021. Trong đó chế độ đối với người có công tiếp tục có những sửa đổi, bổ sung để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Chăm sóc người có công tại Trung tâm nuôi dưỡng người có công số 2 Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Chăm sóc người có công tại Trung tâm nuôi dưỡng người có công số 2 Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Thêm các chính sách ưu đãi

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) vừa được công bố thay thế cho Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, đã bổ sung các nguyên tắc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Đặc biệt đã bổ sung 2 chương mới: “Công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ” và “Nguồn lực thực hiện”.
Trong đó, Pháp lệnh mở rộng phạm vi điều chỉnh, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người nước ngoài có công với cách mạng và giao Chính phủ quy định cụ thể. Mở rộng một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân như người bị địch bắt tù, đày do trực tiếp hoạt động cách mạng trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc như người được Nhà nước khen tặng Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng.
Về chính sách, Pháp lệnh đã bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác và nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống. Bổ sung chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp tuất đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá. Ngoài ra, quy định về mức trợ cấp hàng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ bằng 3 lần mức chuẩn cùng với sự phụng dưỡng của xã hội nhằm bảo đảm các Mẹ Việt Nam Anh hùng có điều kiện sống tốt hơn.
Điều kiện công nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh cũng được quy định chặt chẽ hơn. Một số trường hợp sẽ được kéo dài thời gian công nhận để được giải quyết chế độ như trường hợp người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy sẽ được kéo dài thời gian xem xét công nhận tới giai đoạn chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc.
Sẽ cụ thể hóa để triển khai
Để Pháp lệnh mới đi vào thực tiễn, dự kiến thời gian tới sẽ có 3 nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và 3 thông tư hướng dẫn đi kèm do Bộ LĐTB&XH ban hành hướng dẫn thi hành.
Đại diện Bộ LĐTB&XH chia sẻ, theo quy định của Pháp lệnh mới, tùy theo từng đối tượng, người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được hưởng chế độ ưu đãi gồm: Trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần. Ngoài ra, người có công với cách mạng còn được hưởng chế độ ưu đãi khác như: Bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết; hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở; miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất…
Theo đó, chế độ, chính sách với người có công cũng sẽ được cụ thể hóa, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay, chế độ trợ cấp, phụ cấp với người có công và thân nhân của họ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 58/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/7/2021, theo quy định tại Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14, mức trợ cấp hàng tháng của Bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ được nâng lên bằng 3 lần mức chuẩn trợ cấp (mức chuẩn hiện nay là 1.624.000 đồng/người/tháng).

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/mo-rong-pham-vi-dieu-chinh-tang-muc-uu-dai-nguoi-co-cong-411823.html